3.3. Các giải pháp bảo đảm áp dụng quy định của BLHS năm 2015 về
3.3.1. Tăng cường công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng quy định của
BLHS về những trường hợp loại trừ TNHS
BLHS Việt Nam là công cụ pháp lý sắc bén và hữu hiệu của Nhà nước ta trong việc quản lý xã hội, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, cũng như thi hành tốt quy định của BLHS nói chung, quy định về những trường hợp loại trừ TNHS nói riêng thì cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản pháp luật hình sự, tăng cường công tác hướng dẫn, giải thích để việc áp dụng quy định pháp luật hình sự đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, còn để bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật.
Hiện nay, công tác hướng dẫn, giải thích các quy định của BLHS năm 2015 chưa thực sự được chú trọng đúng mức. Người dân thường tự tìm hiểu các thông tin qua mạng internet khi có việc cần, nhưng với thời buổi công nghệ thông tin và tự do ngôn luận, chúng ta khó kiểm soát được toàn bộ các thông tin được phát tán trên mạng internet. Người dân tự đọc, tự tìm hiểu và tự chọn lọc thông tin tùy theo quan điểm của mỗi cá nhân. Hoạt động giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của BLHS nói chung chưa được phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, các thành phần, lứa tuổi, chưa được thực hiện bài bản, quy mô bởi các cơ quan chức năng.
Loại trừ TNHS là một chế định quan trọng trong BLHS. Các căn cứ pháp lý của một số trường hợp loại trừ TNHS mới chỉ mang tính chất định tính, chưa định lượng rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, để áp dụng pháp luật được đầy đủ, chính xác, các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể, kịp thời để đảm bảo thống nhất trong quá trình áp dụng các quy định của BLHS về các
trường hợp loại trừ TNHS, góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm và không làm oan người không có tội. Trước hết là cần có văn bản hướng dẫn về hành vi chống trả trong phòng vệ chính đáng như thế nào là “cần thiết” để xem xét người thực hiện hành vi có được xem là phòng vệ chính đáng hay không, hướng dẫn chi tiết về căn cứ so sánh thiệt hại gây ra do tình thế cấp thiết và thiệt hại cần ngăn ngừa, về vấn đề sử dụng vũ lực “cần thiết” gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội như đã nêu tại Mục 3.2 của luận văn.
Bên cạnh 04 trường hợp loại trừ TNHS đã được quy định từ BLHS năm 1999, việc bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ TNHS vào BLHS năm 2015 là hoàn toàn phù hợp với lý luận và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam. Các trường hợp loại trừ TNHS mới được đưa vào BLHS 2015 mà chưa qua thực tiễn áp dụng nên chắc chắn các cơ quan và người tiến hành tố tụng sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc hướng dẫn áp dụng thống nhất trong thực tiễn triển khai của các cơ quan có thẩm quyền đối với các trường hợp này là càng cần thiết. Chẳng hạn như cần kịp thời có văn bản hướng dẫn áp dụng vấn đề loại trừ TNHS trong trường hợp người thực hiện hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhưng đó là phát minh, sáng chế do họ tự nghiên cứu, sáng tạo mà không đăng ký, không báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công trình nghiên cứu, thử nghiệm của mình.