4.3.1 .Về sản phẩm triển khai
4.3.2. Về các quy định
Kinh nghiệm các nước cho thấy, có thể yêu cầu lập báo cáo về ESG trong hồ sơ niêm yết của các công ty. Tuy nhiên, cần phải ban hành hướng dẫn hết sức cụ thể về nội dung báo cáo, khung báo cáo, tiêu chí đánh giá, có sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp trong thẩm định, đánh giá để đảm bảo việc báo cáo này đưa ra các thông tin đầy đủ, chính xác và có ý nghĩa đối với kết quả đợt phát hành. Với trường hợp của Việt Nam, qua thực hiện khảo sát có thể thấy việc đưa ra thêm nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững trên TTCK Việt Nam hiện nay là không khả thi. Ghi nhận các ý kiến đưa ra cho thấy, việc áp dụng quy định yêu cầu cung cấp các cam kết, chứng nhận, thực hiện kiểm toán môi trường bị đánh giá không khả thi do sự phát sinh thêm chi phí huy động vốn, gia tăng các thủ tục hành chính nên không nhận được sự ủng hộ của khối doanh nghiệp niêm yết. Thêm vào đó, việc thiếu các quy định pháp lý, quy trình, chuẩn mực và tổ chức cung cấp dịch vụ này trên thị trường Việt Nam cũng làm cho việc triển khai quy định này trở nên không hiệu quả và đảm bảo tính khách quan. Ý tưởng đưa ra các
chính sách ưu đãi cho các hoạt động đầu tư xanh trên TTCK dù nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của công chúng, tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, tính khả thi của ý tưởng này không cao vì trước hết nhất, phải có các sản phẩm tài chính xanh trên thị trường thì mới có hoạt động đầu tư xanh vào các sản phẩm đó. Quy định về nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin về phát triển bền vững được đánh giá tương đối khả thi, tùy thuộc vào yếu tố nào sẽ được lựa chọn để triển khai. Qua khảo sát và từ quan điểm của tác giả, khả thi nhất có lẽ là việc chi tiết hóa các nội dung cần được công bố về phát triển bền vững (nêu tại Phụ lục 04 Thông tư 155/2015/TT-BTC) và ban hành thêm chế tài xử phạt để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng tính hiệu lực của quy định đã ban hành hiện nay.