Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc (Trang 44 - 47)

2.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có ảnh hưởng tới thu hút

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

- Vị trí địa lý:

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc Vùng KTTĐ Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Nam giáp Hà Nội, phía Tây giáp Phú Thọ và phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Hà Đông - Hà Nội. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 1.231,76 km2. Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính, trong đó có 01 thành phố Vĩnh Yên, 01 thị xã Phúc Yên và 7 huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên,Vĩnh Tường, Yên Lạc. Thành phố Vĩnh Yên cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 50 km và cách sân bay Nội Bài 25 km.

Vĩnh Phúc nằm trên quốc lộ số 2 và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, là cầu nối giữa trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường quốc lộ 5 thông với cảng Hải Phòng và trục đường 18thông với cảng nước sâu Cái Lân. Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng đối với vùng KTTĐ Bắc Bộ, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội: Kinh tế Vĩnh Phúc phát triển sẽ đảm bảo vững chắc khu vực phòng thủ cho Hà Nội góp phần cùng Thủ đô Hà Nội đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, giảm sức ép về đất đai, dân số, các nhu cầu về xã hội, du lịch, dịch vụ của Thủ đô Hà Nội…

Những thành tựu của quá trình phát triển KT-XH của đất nước trong những năm đổi mới ngày càng tạo ra cho Vĩnh Phúc những lợi thế to lớn về vị trí địa lý: Tỉnh đã trở thành bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trước sự lan toả của các KCN lớn thuộc Hà Nội như Bắc Thăng Long, Sóc Sơn…; Sự hình thành và phát triển các tuyến hành lang giao thông quốc tế và quốc gia đã đưa Vĩnh

Phúc xích gần hơn với các trung tâm kinh tế, công nghiệp và những thành phố lớn của đất nước như: Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 2 Việt Trì - Hà Giang - Trung Quốc, hành lang đường 18 và đường vành đai IV Thành phố Hà Nội…

- Về địa hình:

- Ngoài vị trí thuận lợi tỉnh Vĩnh Phúc còn có địa hình đất đai tiềm năng bền vững cho sự phát triển. Với tổng diện tích tự nhiên là 1.231,76km2 bao gồm đủ cả 3 vùng sinh thái là vùng núi, vùng trung du và vùng đồng bằng:

Vùng núi gồm huyện Lập Thạch, Sông Lô và Tam Đảo với tổng diện tích là 559,29 km2 dân số của ba huyện là 286.963 người, mật độ trung bình 483 người/km2.

Vùng trung du: gồm các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên với tổng diện tích là 423.79 km2, dân số là 379.568 người, mật độ dân số là 4065 người/km2.

Vùng đồng bằng: gồm các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, với tổng diện tích là 248.67 km2, dân số 348.305 người, mật độ dân số 2801 người/km2.

- Về khí hậu, thuỷ văn.

Khí hậu: Tỉnh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình năm 23,20C - 250C, lượng mưa 1.500ml, độ ẩm trung bình 84 - 85%, số giờ nắng trong năm 1.400 - 1800 giờ. Riêng vùng núi Tam Đảo có tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ (nhiệt độ trung bình 180C) cùng với cảnh vùng núi xanh tươi, phù hợp cho phát triển du lịch, vui chơi, giải trí.

Thuỷ văn: Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều con sông chảy qua, song chế độ thuỷ văn phụ thuộc vào 2 con sông chính là sông Hồng và sông Lô.

Sông Hồng chảy qua Vĩnh Phúc với chiều dài 50km, đã đem phù sa màu mỡ cho đất đai, song thời gian nước đầu nguồn tràn về cùng lượng mưa tập trung dễ gây lũ lụt ở nhiều vùng (Vĩnh Tường, Yên Lạc).

Sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc 35km, có địa thế khúc khuỷu, lòng sông hẹp, có nhiều thác ghềnh nên lũ sông lô lên xuống nhanh chóng.

Hệ thống sông nhỏ như sông Phan, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ có mức tác động thuỷ văn thấp hơn nhiều so với sông Hồng và sông Lô, nhưng chúng có ý nghĩa to lớn về thuỷ lợi. Hệ thống sông này kết hợp với các tuyến kênh mương chính như kênh Liễn Sơn, kênh Bến Tre... cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, tạo khả năng tiêu úng về mùa mưa. Trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống hồ chứa hàng triệu m3 nước (Đại Lải, Thanh Lanh, Làng Hà, Đầm Vạc, Xạ Hương, Vân Trục, Đầm Thuỷ...), tạo nên nguồn dự trữ mặt nước phong phú, đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động kinh tế và dân sinh.

- Về tài nguyên nước:

Nguồn nước mặt của tỉnh khá phong phú nhờ 2 sông Hồng và sông Lô cùng hệ thống sông nhỏ và hàng loạt hồ chứa dự trữ khối lượng nước khổng lồ, đủ để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Nguồn nước ngầm có trữ lượng không lớn, đạt khoảng 1 triệu m3/ngày đêm.

Mặc dù nguồn nước của tỉnh khá phong phú song lại phân bố không đều trong năm. Về mùa khô vẫn có thời điểm thiếu nước, đặc biệt là các huyện vùng cao và trung du (Lập Thạch, Tam Dương, Bìmh Xuyên).

- Về tài nguyên đất: Tài nguyên đất của Vĩnh Phúc bao gồm đất nông nghiệp 94445ha (chiếm 68,76% diện tích tự nhiên), đất phi nông nghiệp 39433 ha (chiếm 28,72%), đất chưa sử dụng 3461 ha (chiếm 2,52%). Tài nguyên rừng của Vĩnh Phúc bao gồm 30346 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 9591 ha và rừng trồng là 20755 ha [39, tr.30-31].

- Về tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của Vĩnh Phúc nhìn chung nghèo nàn, chủ yếu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng như sét gạch ngói có 10 mỏ với trữ lượng khoảng 51,8 triệu m3, cao lanh có 3 mỏ với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn. Ngoài ra là các mỏ Fenspat, Purolan, cát cuội, sỏi xây dựng, đá xây dựng với trữ lượng hàng tỷ m3 được phân bổ ở dãy Tam Đảo. Tài nguyên khoáng của Vĩnh Phúc hiện chưa được điều tra theo hệ thống và chưa có mỏ nào được thăm dò chi tiết.

Như vậy, nhìn chung điều kiện tự nhiên của Vĩnh Phúc rất thuận lợi cho việc đa dạng hoá các loại hình sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp nhờ vào các yếu tố như vị trí địa lý, tài nguyên đất, tài nguyên nước. Tỉnh có diện tích đất đồi khá lớn của vùng trung du, rất thuận tiện cho xây dựng các KCN để thu hút FDI.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)