1.2. Cơ sở lý luận về phát triển hệ thống thương mại bán lẻ trong bối cảnh
1.2.4. Những nhân tố tác động đến sự phát triển của hệ thống thương mạ
lợi, kéo theo đó là sự tăng lên của hàng hóa ngoại nhập và hàng hóa có xuất xứ rõ ràng cùng chất lượng tốt, chính sự thay đổi này đã giúp người tiêu dùng tiếp cận được nhiều với các hình thức bán lẻ hiện đại và lựa chọn mua sắm được hàng hóa chất lượng, bên cạnh đó, sự xuất hiện của các đại gia bán lẻ nước ngoài trong hệ thống thương mại bán lẻ còn giúp các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý và tiếp cận được công nghệ hiện đại từ doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
1.2.4. Những nhân tố tác động đến sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ bán lẻ
1.2.4.1. Các chính sách của Nhà nước
Tất cả các hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động dịch vụ bán lẻ nói riêng đều phải chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật của nhà nước. Một hệ thống pháp luật toàn diện, chặt chẽ là nhân tố đảm bảo cho hoạt động bán lẻ phát triển thuận lợi và phù hợp với những cam kết mà Việt Nam đã tham gia các tổ chức quốc tế đặc biệt là tổ chức thương mại thế giới (WTO). Có thể chia các chính sách của Nhà nước thành hai nhóm chính sách:
Chính sách mở cửa,hội nhập kinh tế quốc tế
Với việc gia nhập WTO, tham gia các hiệp hội quốc tế và ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã tạo ra những cơ hội to lớn cho Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư cho hệ thống bán lẻ trong nước, sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài giúp cho hệ thống thương mại bán lẻ tăng nhanh về quy mô.
Việc cắt giảm thuế cho hàng hóa theo các hiệp định được ký kết làm cho tập hàng hóa trong hệ thống thương mại bán lẻ được đa dạng, phong phú và chất lượng cao, kích thích được tiêu dùng phát triển, từ đó tốc độ tăng trưởng
Yêu cầu khách quan chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng các thông lệ quốc tế đã đảm bảo cho hệ thống thương mại bán lẻ phát triển theo hướng rõ ràng, phù hợp với các cam kết quốc tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, kích thích mở rộng sản xuất kinh doanh trong nước.
Chính sách hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ bán lẻ quy định các điều kiện để hạn chế gia nhập thị trường bán lẻ trong nước của thương nhân nước ngoài như quy định phạm vi sản phẩm mà thương nhân nước ngoài được phân phối tại Việt Nam, hạn chế thương nhân nước ngoài lập cơ sở bán lẻ thứ hai thông qua kiểm tra nhu cầu kinh tế nhằm phân bổ hợp lý các nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực bán lẻ để hệ thống thương mại bán lẻ được phát triển một cách đồng bộ và bền vững.
Quan điểm và chính sách của Nhà nước đối với sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ
Quan điểm của Nhà nước đối với sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ: phát triển hệ thống thương mại bán lẻ một cách hài hòa, đa dạng hóa các kênh phân phối, các loại hình tổ chức cũng như phương thức hoạt động, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia, phát triển đồng đều trên các địa bàn từ thành thị đến nông thôn, kết hợp bán lẻ truyền thống với hiện đại, phát triển phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phát triển phải trong quản lý, kiểm soát đi đúng mục tiêu.
Chính sách quản lý hệ thống thương mại bán lẻ của Nhà nước: có thể nói đây là một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ.
Chính sách Nhà nước ngăn cản việc phát triển các hệ thống bán lẻ có xu hướng triệt tiêu cạnh tranh và tạo độc quyền. Hoặc chính sách phân bố lại dân cư cũng kéo theo sự thay đổi của quy mô bán lẻ trên từng địa bàn. Loại hình
kinh doanh bán lẻ sẽ thay đổi khi có sự qui hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại và hệ thống thương mại bán lẻ trên các địa bàn lãnh thổ.
Chính sách Nhà nước thông qua các văn bản pháp luật có thể khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển mạng lưới bán lẻ cũng như hạn chế tốc độ gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặt khác, chính sách Nhà nước cũng có tác động đến hiệu quả đầu tư xây dựng và vận doanh của các cơ sở bán lẻ. Điển hình như Nhà nước thông qua: Chính sách đất đai, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng thương mại (thể hiện cụ thể ở địa điểm được phép mở cơ sở bán lẻ) để tác động đến việc ra quyết định đầu tư và hiệu quả đầu tư của các cơ sở dịch vụ bán lẻ; và hàng loạt các chính sách khác như Các quy định về tiêu chuẩn thiết kế của từng loại hình kinh doanh dịch vụ bán lẻ; Các quy định về xây dựng, thủ tục đầu tư, quy mô tối đa, tối thiểu của các hạng mục, loại hình đầu tư phát triển kinh doanh bán lẻ; chính sách đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cho phát triển dịch vụ bán lẻ….tất cả sẽ tác động đến sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ.
Ngoài ra, Nhà nước còn tác động đến hiệu quả kinh doanh của hệ thống bán lẻ thông qua các chính sách như: Chính sách sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển các loại hình bán lẻ, chính sách tài chính, tín dụng, đặc biệt là các chính sách về thuế như thuế nhập khẩu hàng hóa, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp…; các quy định về quản lý giá, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và điều kiện kinh doanh; các quy định chính sách về cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ về kiểm tra, xử lý vi phạm có liên quan đến lĩnh vực bán lẻ…
“Sản xuất hàng hóa“ là một trong những “nguồn đầu vào“ cho hệ thống thương mại bán lẻ nên sự phát triển của sản xuất hàng hóa tác động rất lớn đến sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ
Sự phát triển của sản xuất hàng hóa sẽ tạo ra nhiều chủng loại hàng hóa trên thị trường, điều này sẽ tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào cho hệ thống thương mại bán lẻ.
Sự phát triển sản xuất hàng hóa tạo ra những hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp khi được trưng bày trong hệ thống thương mại bán lẻ sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, kích thích tiêu dùng, hệ thống thương mại bán lẻ sẽ tiêu thụ được hàng hóa, thu được lợi nhuận.
Tình hình cạnh tranh càng gay gắt, buộc mỗi nhà sản xuất hàng hóa phải năng động trong sản xuất, cải tiến kỹ thuật để tạo ra những hàng hóa có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với hàng có nguồn gốc nước ngoài, từ đó tạo nguồn hàng đầu vào ổn định cho hệ thống thương mại bán lẻ.
Hệ thống bán lẻ cung cấp đầu vào cho tiêu dùng tức là tạo doanh thu cho hệ thống thương mại bán lẻ, khi thu nhập khả dụng tăng lên kéo theo sự cần thiết phải tăng chi mua hàng hóa, vì vậy sự phát triển sản xuất hàng hóa là điều tất yếu để thỏa mãn mọi nhu cầu tiêu dùng.
1.2.4.3. Nhu cầu của thị trường tiêu dùng
Ngược lại với vai trò của “sản xuất hàng hóa“, nhu cầu thị của thị trường tiêu dùng là “nguồn đầu ra“ của hệ thống thương mại bán lẻ nên nhu cầu của thị trường tiêu dùng cũng có những tác động không nhỏ đến sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ
Phương châm bán hàng “bán những gì người mua cần không bán những gì mình có“, do đó nhu cầu của thị trường quyết định sản phẩm nào được bày bán tại hệ thống thương mại bán lẻ. Chính từ nhu cầu của thị trường tiêu dùng, người bán sẽ lên kế hoạch đưa ra những sản phẩm đa dạng nhằm
đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời cũng tăng tính cạnh tranh giữa các người bán với nhau. Từ đó, người bán sẽ có những chiến lược lâu dài và phù hợp với thực tế.
Nhu cầu của thị trường tiêu dùng tăng lên, hệ thống thương mại bán lẻ bán được nhiều hàng, tạo được doanh thu và có lợi nhuận, duy trì được sự tồn tại của hệ thống thương mại bán lẻ, có thể nói nhu cầu thị trường là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của hệ thống thương mại bán lẻ.
1.2.4.4. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Cơ sở hạ tầng có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của hệ thống thương mại bán lẻ. Các yếu tố của cơ sở hạ tầng kỹ thuật như trình độ hiện đại của giao thông đường xá, công nghệ thông tin, chi phí vận tải bảo quản hàng hóa cũng như chi phí xây, thuê, mua mặt bằng kinh doanh đều có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể và cá nhân tham gia vào hệ thống thương mại bán lẻ. Chúng có tác động trực tiếp đến quyết định tham gia vào hệ thống thương mại bán lẻ của chủ thể kinh doanh thông qua việc lựa chọn khu vực và xác định không gian, địa điểm để thiết lập cơ sở bán lẻ của các loại hình bán lẻ. Chúng còn ảnh hưởng đến chi phí đầu tư xây dựng, chi phí tạo lập mặt bằng, thiết lập hệ thống điện, nước, thông tin…
Một hệ thống giao thông thuận tiện, thông thoáng, đảm bảo cho sự vận chuyển, đi lại một cách nhanh chóng kịp thời sẽ đảm bảo cho hàng hóa được lưu thông nhanh chóng, liên tục, kịp thời đến tay người tiêu dùng, điều này sẽ làm giảm chi phí vận chuyển vật liệu, thiết bị, hàng hóa, thuê nhân viên và các chi phí khác mà tất cả chi phí này đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà kinh doanh bán lẻ, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ được diễn ra liên tục, đồng thời cũng làm tăng năng lực cạnh tranh của các thành phần tham gia hệ thống thương mại bán lẻ.
Và sự phát triển công nghệ thông tin giúp nhà bán lẻ áp dụng được những phương thức quản lý hoạt động kinh doanh hiện đại giúp giảm chi phí quản lý, mặt khác phát triển công nghệ thông tin còn giúp nhà bán lẻ đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa chi phí.
1.2.4.5. Yếu tố nguồn nhân lực
Bất kỳ hệ thống kinh doanh nào bao gồm hệ thống thương mại bán lẻ cũng đều được cấu thành bởi nhiều nguồn lực như vốn, con người, cơ sở vật chất…, trong đó nguồn nhân lực giữ vai trò chủ đạo, làm chủ quá trình kinh doanh. Nguồn nhân lực quyết định đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả kinh doanh của nhà bán lẻ bởi thông qua kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ, người lao động sẽ quyết định được năng suất, chất lượng và sử dụng các yếu khác của nhà bán lẻ một cách hiệu quả nhất. Nguồn nhân lực đều tham gia vào mọi quá trình hoạt động kinh doanh của từng chủ thể tham gia hệ thống thương mại bán lẻ, hệ thống sẽ không tồn tại nếu không có nhân lực. Ngược lại, với nhân lực đầy đủ, có trình độ và được sử dụng hiệu quả vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và nâng cao được năng lực cạnh tranh.