4.3. Giải pháp hoàn thiện quản lý thương mại biên giới của tỉnh Quảng
4.3.1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Thứ nhất, tỉnh Quảng Ninh cần chủ động nghiên cứu và sớm xây dựng
kế hoạch tổng thể, rõ ràng về quản lý TMBG mang tầm dài hạn và trung hạn. Đây là vấn đề mấu chốt và quan trọng hàng đầu trong quản lý TMBG không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh. Là tỉnh trọng điểm về TMBG, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tỉnh Quảng Ninh cần có kế hoạch tổng thể, riêng, rõ ràng về quản lý TMBG để phát huy hết tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh. Đồng thời, qua đó Tỉnh có thể chủ động đề ra các chương trình hành động cụ thể, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, phát triển TMBG cũng như hoàn thiện chính sách quản lý TMBG; góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập và sự lúng túng trong quản lý TMBG trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Thứ hai, cần tách bạch hóa các kế hoạch, chính sách quản lý TMBG với các kế hoạch quản lý, phát triển KT-XH; chú trọng chất lượng, tính hiệu quả của các kế hoạch, chính sách, đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu như: (i) Đảm bảo tính đặc thù của hoạt động TMBG (đặc thù về chính sách ưu đãi/hạn chế, cửa khẩu, mặt hàng, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, thanh toán, phương thức kinh doanh…), vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động XNK hàng hóa, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Có như vậy TMBG mới có sự phát triển đột phá, đồng thời giảm thiểu được các hoạt động vi phạm pháp luật trong TMBG; (ii) Bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan (Luật Quản lý Ngoại thương 2017, Luật Thương mại 2005, Luật Doanh nghiệp 2014…); (iii) Kế thừa các quy định có liên quan về quản lý hoạt động TMBG (Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg, Thông tư số 34/2016/TT- BCT; Thông tư số 54/2015/TT-BCT liên quan đến quản lý TMBG…); (iv)
Điều chỉnh, bổ sung một số quy định để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý TMBG, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về TMBG trong tình hình mới, phù hợp Hiệp định TMBG VN - TQ; (v) Phân cấp mạnh trong quản lý TMBG (quản lý thu thuế TMBG, nộp thuế, phê chuẩn các dự án hợp tác, gia công TMBG trên địa bàn…) và quản lý chặt hàng hóa XNK (tài nguyên và một số hàng hóa XNK đặc thù: than đá, lương thực, dầu thô; hàng hóa có dung lượng thị trường, lượng cung ứng hạn chế và cạnh tranh quyết liệt, giá tương đối thấp; hàng hóa khác trong TMQG: máy móc, điện khí, may mặc…).
Chính sách quản lý TMBG tập trung: (i) Ưu tiên sử dụng đất để đầu tư phát triển mạng lưới thương mại, TMBG: Quy hoạch và triển khai các mô hình Khu mậu dịch tự do gắn với trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, hội chợ triển lãm quốc tế, chợ cửa khẩu tại địa bàn Móng Cái; Khu kho, bãi tập trung gắn với khu phân loại, gia công, tái chế và bảo quản hàng hóa giáp huyện Hải Hà; Khu kho, bãi chờ xuất tại Bắc Sơn, Ninh Dương, Vĩnh Thực; Khu vực cửa khẩu (cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ và hệ thống các điểm thông quan) gắn với việc kiểm đếm làm thủ tục cho hàng hóa
chờ xuất, nhập; KKTCK (Hoành Mô – Đồng Văn, Bắc Phong Sinh)…; (ii)
Thu hút nguồn lực đầu tư phát triển TMBG (vốn ngân sách, vốn xã hội hóa, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đối tác công tư…); (iii) Chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển các mặt hàng XNK theo định hướng nhằm ổn định kim ngạch thương mại, hạn chế nhập siêu, gia tăng giá trị xuất khẩu, phát huy hết tiềm năng, lợi thế…; (iv) Hỗ trợ thương nhân và cư dân biên giới: chính sách hỗ trợ tín dụng để các DN mở rộng xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến vào sâu trong nội địa thị trường TQ; hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các DN; hỗ trợ các DN xây dựng chiến lược mặt hàng TMBG; hỗ trợ cung cấp thông tin hoạt động TMBG (thị trường, chính sách hai nước)…; (v) Chính sách, cơ chế xuất khẩu và tiện lợi hóa thông quan: Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin từ biên giới, đảm bảo cung cấp thông tin cho các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới, cửa khẩu; coi trọng thị trường TQ, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa thị trường nước ngoài, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường TQ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; củng cố và tăng cường tiếp xúc với chính quyền địa phương của Quảng Tây (TQ) để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong hoạt động TMBG; đơn giản hóa các thủ tục hành chính XNK và thông quan…; (vi) Cơ chế thu thuế, phí, lệ phí ở cửa khẩu biên giới theo hướng thuận tiện, đơn giản; khuyến khích thanh toán TMBG (mở rộng và hoàn thiện các phương thức thanh toán, nhất là thanh toán TMBG bằng đồng bản tệ qua internetbanking).