1.2. Rủi ro Tín dụng đầu tư của Nhà nước
1.2.4. Biện pháp xử lý rủi ro
1.2.4.1. Nguyên nhân rủi ro được xử lý rủi ro
- Khách hàng có các dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước, gặp khó khăn về tài chính và trả nợ vay do một trong các nguyên nhân rủi ro bất khả kháng, cụ thể:
+ Thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, động đất, tai nạn bất ngờ, hoả hoạn, chiến tranh, rủi ro chính trị, rủi ro do thay đổi chính sách của Nhà nước trực tiếp gây thiệt hại tài sản của chủ đầu tư.
+ Bị mất năng lực hành vi dân sự; chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ và không có người thừa kế hoặc người thừa kế không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng trong trường hợp khách hàng là cá nhân.
+ Giải thể, phá sản theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Khách hàng là Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thực hiện chuyển đổi sở hữu (cổ phần hóa, giao, bán) theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gặp khó khăn về tài chính nhất thiết phải được xử lý.
1.2.4.2. Biện pháp xử lý rủi ro
Theo Thông tư số 105/2007/TT-BTC ngày 30/8/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý rủi ro vốn TDĐT và TDXK của Nhà nước thì bao gồm các biện pháp xử lý rủi ro sau đây:
Gia hạn nợ
- Gia hạn nợ vay là việc kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ (gốc, lãi) vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng đã ký.
- Gia hạn nợ được áp dụng cho các trường hợp:
+ Khách hàng có các dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước, gặp khó khăn về tài chính và trả nợ vay do: thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, động đất, tai nạn bất ngờ, hoả hoạn, chiến tranh, rủi ro chính trị, rủi ro do thay đổi chính sách của Nhà nước trực tiếp gây thiệt hại tài sản của chủ đầu tư nhưng vẫn có khả năng trả được nợ.
+ Khách hàng là DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu (cổ phần hóa, giao, bán) theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gặp khó khăn về tài chính nhất thiết phải được xử lý.
Khoanh nợ
- Khoanh nợ là biện pháp tạm thời chưa thu nợ (gốc, lãi) trong một thời gian nhất định và không tính lãi trên số nợ gốc được khoanh trong thời gian đó.
- Khoanh nợ được áp dụng cho các trường hợp dự án đã được gia hạn nợ nhưng hoạt động vẫn không hiệu quả, chủ đầu tư khó khăn về tài chính không cân đối được nguồn để trả nợ và cần có một khoảng thời gian nhất định để kịp hồi phục sản xuất kinh doanh.
Xoá nợ
- Xoá nợ (gốc, lãi) là biện pháp không thu nợ gốc, nợ lãi đối với khách hàng gặp rủi ro không còn khả năng trả nợ sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi và xử lý nợ theo quy định.
- Xoá nợ (gốc, lãi) được áp dụng cho các trường hợp là Khách hàng có các dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước, gặp khó khăn về tài chính và trả nợ vay do một trong các nguyên nhân rủi ro bất khả kháng sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi và xử lý nợ theo quy định. Đối với trường hợp khách hàng là DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu thì chỉ được xem xét xóa nợ lãi. Tổng nợ lãi được xóa tối đa bằng số lỗ lũy kế còn lại (sau khi đã xử lý theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu DNNN) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Bán nợ
- Bán nợ là việc chuyển nhượng khoản nợ, theo đó, bên bán nợ (NHPT Việt Nam) chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ (Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp) và nhận thanh toán từ bên mua nợ.
- Bán nợ cho Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp được áp dụng cho các trường hợp khách hàng có các dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước, gặp khó khăn về tài chính và trả nợ vay do một trong các nguyên nhân rủi ro bất khả kháng và Khách hàng là DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu (cổ phần hóa, giao, bán) theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gặp khó khăn về tài chính nhất thiết phải được xử lý, sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý nợ, gia hạn nợ và khoanh nợ.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG RỦI RO VÀ XỬ LÝ RỦI RO TÍN DỤNG ĐẦU TƯ