1.2. LÝ LUẬN VỀ THU HÚT FDI ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ ÔTÔ
1.2.7. Do yêu cầu thực hiện các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế
Kể từ khi nước ta là thành viên chính thức thứ 150 của WTO vào đầu năm 2007, chúng đã phải triển khai thực hiện các cam kết trong Hiệp định gia nhập về loại bỏ các rào cản để mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, những cam kết về cắt giảm thuế quan, trao quyền phân phối cho thương nhân nước ngoài theo lộ trình để bình đẳng với doanh nhân trong nước..., tạo thuận lợi cho tự do hoá thương mại. Việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO sẽ có những tác động nhiều mặt đến thị trường ô tô Việt Nam, đến người tiêu dùng, các nhà sản xuất ô tô, đồng thời cũng khó tránh khỏi các hệ luỵ đã lường trước đối với môi trường, đối với đầu tư xã hội vào cơ sở hạ tầng cũng như cả
lợi ích và thiệt hại đưa đến cho người dân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Việt Nam đang trong quá trình thực hiện tất cả các cam kết với WTO và các nước ASEAN về lộ trình cắt giảm thuế quan. Đối với ngành công nghiệp ô tô thì chúng ta phải đối phó với các thách thức sau đây khi hội nhập toàn diện:
Đối với WTO: Theo cam kết thì sau 12 năm kể từ khi Việt Nam trở
thành thành viên của WTO, Việt Nam phải cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành đối với các loại ô tô con chạy xăng có dung tích xi-lanh động cơ từ
2.500cc trở lên (Bộ tài chính vừa ra quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe mới nguyên chiếc là 60% và xe tải dưới 5 tấn là 80%); đối với các loại ô tô có dung tích xi- lanh động cơ từ 2.500cc trở xuống sẽ giảm còn 70% sau 7 năm; đối với các loại xe tải loại dưới 5 tấn sẽ giảm xuống còn 50% sau 10 năm.
Đối với các nước ASEAN: Theo lộ trình của CEPT/AFTA thì Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế nhập khẩu đối với tất cả các loại xe ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước ASEAN xuống 0% vào năm 2018. Hiện nay các nước ASEAN đang mong muốn Việt Nam đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế quan
đối với ô tô vào năm 2015 [2]. Điều này đồng nghĩa với việc xe nhập khẩu có giá rẻ hơn sẽ tràn vào nước ta và trở thành một đối trọng cạnh tranh với các loại xe do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Do vậy, Việt Nam chỉ còn vài năm để nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ô tô, nếu không thu hút FDI
để phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ cho ô tô thì Việt Nam sẽ không bao giờ có được ngành công nghiệp ô tô thực sự, mà chỉ là công xưởng gia công lắp ráp ô tô của thế giới.
Các vấn đề được trình bầy trên đây là cơ sở để khẳng định tính tất yếu khách quan của việc thu hút FDI vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và ngành CNPT ô tô nói riêng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.