2.1. Tổng quan về hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam
2.1.1. Khái lược về ngành hàng nông sản Việt Nam
2.1.1.1. Tiềm năng trong sản xuất hàng nông sản của Việt Nam
Trước hết, cần khẳn định Việt Nam là một quốc gia có đặc điểm địa lý tự nhiên, đặc điểm xã hội, nguồn lao động… thuận lợi cho sản xuất nông sản, cụ thể như sau:
Về mặt khí hậu, nhìn chung Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm đặc trưng. Tuy nhiên, khí hậu nước ta cũng thể hiện sự đa dạng, thay đổi từ Bắc vào Nam: Các tỉnh phía Bắc có mùa đông lạnh, trong khi các tỉnh phía Nam mang nhiều nét tính chất của khí hậu Nam Á. Chính từ sự đa dạng này, Việt Nam có điều kiện để sản xuất nhiều loại nông sản.
Về mặt địa chất, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 10,21 triệu ha (chiếm 30,85% tổng diện tích cả nước), trong đó diện tích đất trông cây hàng năm là 6,42 triệu ha, đất trồng cây lâu năm là 3,79 triệu ha. Đất Việt Nam đa dạng về chủng loại, phản ánh tính chất của khí hậu Việt Nam, đồng thời cũng là cơ sở để trồng trọt nhiều loại cây trồng khác nhau.
Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, nằm trên các tuyến đường biển thuận lợi tạo điều kiện cho giao thương. Với đường bờ biển dài hình chữ S dọc theo đất nước và hệ thống cảng biển đa dạng, hàng hóa từ Việt Nam nói chung và hàng nông sản nói riêng có thể được vận chuyển dễ dàng đến các nước đối tác thông qua các tuyến đường biển. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển bằng loại hình vận tải đường biển nhìn chung thuộc hàng thấp nhất trong số các phương thức vận chuyển hàng hóa, góp phần tạo ưu thế nhất định cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước.
Về đặc điểm xã hội, Việt Nam có lịch sử lâu đời gắn bó với nghề nông, do đó người nông dân Việt Nam có kiến thức, kinh nghiệm trong canh tác, trồng trọt, chăn
nuôi… Ngày nay với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, người nông dân Việt Nam lại có điều kiện hơn để mở rộng, gia tăng sản xuất, nâng cao năng suất lao động cũng như tạo ra nhiều sản phẩm hơn.
Về đặc điểm lao động, Việt nam có nguồn lao động dồi dào với tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 24,44 triệu người (chiếm 46,81% tổng số lao động của cả nước). Đây là lực lượng lao động lớn đảm bảo cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta. Mặc dù chất lượng lao động của Việt Nam còn hạn chế, song với bản chất cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm, ham học hỏi, Việt Nam vẫn có ưu thế lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Từ những lợi thế về đất đai, lao động, các điều kiện tự nhiên kể trên, có thể nói Việt Nam có tiềm năng không nhỏ trong sản xuất, chế biến nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao như gạo, cà phê, hạt điều, chè, hạt tiêu…
2.1.1.2. Hoạt động sản xuất hàng nông sản của Việt Nam
Trong những năm qua, nền sản xuất nông nghiệp cũng như hoạt động sản xuất hàng nông sản của Việt Nam phát triển trong bối cảnh cả nước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm các giai đoạn 2001 - 2010 và 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm các giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015 với mục tiêu chủ yếu là: đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Nghị quyết Đại hội X của Đảng (2006) đã khẳng định: “Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất cao; tạo điều kiện từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch.
Những năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tương đối ổn định. Trong giai đoạn 2005 - 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4,31%/năm. Con số này tuy thấp hơn
tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế song vẫn nhìn chung vẫn đạt mức cao trong bối cảnh hiện nay. Cũng trong gia đoạn này, tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc dân duy trì ở mức xấp xỉ 19%, phản ánh thực tế rằng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn đóng góp một phần quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc gia.
Về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn nêu trên, cơ cấu của sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định. Theo đó, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ngành trồng trọt đạt khoảng 72%, chăn nuôi đạt khoảng 26% và dịch vụ nông nghiệp khoảng 2% trong cơ cấu của sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với ngành trồng trọt, trong giai đoạn này đã duy trì tốc gia tăng ổn định cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Hệ thống cơ sở chế biến nông lâm thủy sản tăng nhanh trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, nếu như năm 2001 chỉ có 252 nghìn cơ sở thì đến năm 2006 đã có 428 nghìn, tăng gần 70%. Đến năm 2011 đã có 501 nghìn cơ sở, gấp 2 lần so với năm 2001, số lượng xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản đạt 8,1 nghìn, chiếm gần 90% số xã (năm 2006 đạt 83,4% và năm 2001 đạt 72,3%).
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song nhìn tổng thể nông nghiệp Việt Nam nói chung và hoạt động sản xuất hàng nôn sản nói riêng vẫn còn trong tình trạng sản xuất nhỏ. Công nghiệp chế biến nông sản còn chưa áp dụng được những thành tựu hiện đại của thế giới, các thiết bị còn lạc hậu, danh mục sản phẩm chế biến còn quá ít và đơn điệu… Những bất cập đó đòi hỏi một sự nỗ lực mạnh mẽ và đồng bộ của cả Nhà nước, Hiệp hội nông sản, doanh nghiệp và người dân.