Công nghệ sản xuất trong các Làng nghề của Hà Tây

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 54 - 56)

Tại các Làng nghề Hà Tây có thể dễ dàng nhận thấy sự kết hợp trong sản xuất giữa lao động thủ công truyền thống và công nghệ hiện đại. Bên cạnh những ngành, những nghề, những công đoạn không thể sử dụng công nghệ máy móc như: trạm khảm, điêu khắc, mây tre đan, ... đòi hỏi tính nghệ thuật

cao, óc sáng tạo của nghệ nhân thì hầu hết đều đã áp dụng máy móc vào sản xuất.

Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng từng ngày từng giờ của khoa học kỹ thuật, công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ tới sự thay đổi về công nghệ sản xuất trong các Làng nghề truyền thống và Làng nghề hiện đại. Rất nhiều Làng nghề đã nhanh chóng áp dụng công nghệ mới, thay thế thiết bị, máy móc, công nghệ cũ bằng thiết bị, dây chuyền máy móc mới, hiện đại để phù hợp với yêu cầu của sản xuất. Nhờ đó các sản phẩm do Làng nghề sản xuất ra đã và đang dần đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần tích cực cho các Làng nghề như:

- Sự thay đổi của lĩnh vực cơ khí hoá, điện khí hoá đã giúp cho rất nhiều Làng nghề của Hà Tây đã sử dụng động cơ điện làm động lực cho các loại máy móc có thể thay thế lao động thủ công truyền thống như: máy xay xát, máy nghiền bột, máy cưa, máy bào, máy dệt... đã góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra được nhiều sản phẩm độc đáo, đa dạng và phong phú hơn so với sản xuất thủ công.

Ví dụ như Làng nghề lụa Vạn Phúc trước đây kỹ thuật sản xuất chủ yếu bằng khung dệt thủ công năng suất thấp ngày nay đã được thay thế hoàn toàn bằng máy. Cả làng hiện nay có hàng nghìn máy dệt, mỗi nhà được trang bị 2- 3 máy, có hộ lên tới cả chục máy. Việc áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất gắn liền với tăng năng suất, hiệu quả nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống trong mỗi sản phẩm. Ở làng Vạn Phúc là 1 ví dụ điển hình của sự việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, từ khi đổi mới thiết bị từ việc sản xuất 100% là thủ công với khung dệt kiểu đạp chân sang máy dệt đã cho năng suất cao hơn nhiều lần sản xuất thủ công, sản phẩm sản xuất ra có thể tạo ra nhiều loại hoa văn đa dạng, phức tạp, cầu kỳ, phong phú về chủng loại và kích thước. Công nghệ truyền thống chỉ có thể sản xuất ra được những loại

lụa có khổ vải hẹp, hoa văn, kiểu dáng hết sức đơn giản, không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

- Làng nghề kim khí thôn Rùa Hạ, Phùng Xá, rèn Đa Sỹ từ chỗ sản xuất thủ công chỉ có thể sản xuất ra các loại công cụ lao động đơn giản như: dao, cuốc, cày, kéo...Ngày nay nhờ có máy tiện, máy khoan, máy cắt, máy hàn... đã sản xuất ra nhiều chủng loại hàng hoá phù hợp với yêu cầu của thị trường như: phù tùng xe đạp, máy tuốt lúa, cửa hoa cửa xếp, máy cày, bừa...

- Các làng sản xuất đồ gỗ như: Đình Quán, Vạn Điểm (Thường Tín), Hữu Bằng, Chàng Sơn, Canh Nậu (Thạch Thất) từ chỗ sản xuất các mặt hàng mộc thông thường: giường, tủ, ghế bình dân. Hiện nay nhờ có sự trợ giúp của máy bào, công nghệ phun sơn tạo vân gỗ, tạo độ bóng, máy may công nghiệp đã tạo ra những sản phẩm đồ gỗ cao cấp: ghế sofa bọc da, bàn ăn, bàn trang điểm, tủ bếp, sàn gỗ, bàn ghế văn phòng ... cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sản phẩm gỗ đã qua xử lý mối mọt, chống cong vênh đã đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)