Quản lý thực thi Hiệp định TRIPs và nâng cao năng lực của các

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ( TRIPs ) và một số vấn đề đặt ra đối với việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 101 - 104)

3.2 Một số đề xuất góp phần thúc đẩy nhanh quá trình thực thi Hiệp

3.2.3 Quản lý thực thi Hiệp định TRIPs và nâng cao năng lực của các

cơ quan thi hành bảo hộ sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPs

Để hoạt động thực thi Hiệp định TRIPs có hiệu quả, cần phải nhận thức rõ về vai trò quan trọng của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý và thực thi.

Ở Việt Nam hiện nay, có ba cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ là Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ, chịu trách nhiệm đối với các sáng chế sở hữu công nghiệp; Cục bản quyền tác giả và văn học nghệ thuật - Bộ Văn hóa thông tin, chịu trách nhiệm về quyền tác giả tác phẩm văn học nghệ thuật; Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chịu trách nhiệm về bảo hộ giống cây trồng.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động thực thi hệ thống sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại, nâng cao hiệu quả khai thác các nguồn lực, tránh sự chồng chéo, cần sắp xếp lại và kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ từ trung ương xuống cơ sở. Hiện nay, việc bố trí cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ tại ba cơ quan khác nhau có phần bất hợp lý, dễ chồng chéo dẫm chân lên nhau. Hoạt động sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại diễn ra tác động tới tất cả các lĩnh vực khác nhau trong đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ. Ở đâu có hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ở đó có tài sản trí tuệ và nảy sinh các quan hệ quyền và nghĩa vụ về các tài sản đó. Trên bình diện quốc tế, các hoạt động sở hữu trí tuệ trong thương mại đều quy về

một mối thống nhất là Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. 45 quốc gia khác trên thế giới cũng chỉ có một cơ quan duy nhất về sở hữu trí tuệ. Trung Quốc cũng thành lập một văn phòng quốc gia duy nhất có nhiệm vụ điều chỉnh và chuẩn hóa trật tự kinh tế thị trường nhằm tăng cường sự điều phối và đẩy mạnh việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó SIPO là một trong 22 cơ quan quốc gia liên quan tham gia điều phối văn phòng. Việc có một cơ quan duy nhất về sở hữu trí tuệ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho họ trong các thủ tục xác lập quyền đơn giản và thuận tiện hơn. Vậy nên chăng các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ ở nước ta hợp nhất thành một cơ quan duy nhất như chế độ “một cửa”. Điều này có thể tiết kiệm đáng kể ngân sách quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ của địa phương cũng nên hợp nhất lại thành một tổ chức thống nhất, bảo đảm phù hợp với cơ quan sở hữu trí tuệ ở tuyến trung ương. Qua đó, các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ nói chung và trong lĩnh vực thương mại nói riêng sẽ không bị chồng chéo, doanh nghiệp và các nhà đầu tư thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp định TRIPs được thực thi có hiệu quả, tất cả là tiền đề vững chắc cho một môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần đổi mới hệ thống các cơ quan thực thi về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, hệ thống các cơ quan thực thi trong nội địa có năm cơ quan: Quản lý thị trường, tòa án, công an kinh tế, thanh tra khoa học công nghệ và Ủy ban nhân dân các cấp. Việc bố trí quá nhiều cơ quan hành chính tham gia vào hệ thống thực thi về sở hữu trí tuệ khiến cho vai trò của quy định về chế tài dân sự, nguyên tắc dân sự trong đối xử với các quyền sở hữu trí tuệ, cũng như vai trò của các cơ quan xét xử bị lu mờ, đồng thời làm giảm tác dụng và hiệu lực của hoạt động bảo đảm thực thi. Việc thành lập cơ quan “Một cửa” trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao hiệu quả công việc là rất quan trọng. Ngoài ra, cần đề cao vai trò của tòa án nhân dân các cấp đưa trình tự dân sự trở thành phương thức chủ yếu trong điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ. Cơ quan quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) phải được tăng cường cả về số lượng và chất lượng để bảo đảm thực

thi quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan cảnh sát kinh tế có chức năng điều tra, kiểm soát tình hình và phát hiện vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực hiện các biện pháp chế tài hành chính.

Trong quá trình thực hiện các cam kết gia nhập WTO, cơ chế và chính sách đã và sẽ có nhiều thay đổi để đáp ứng với nhu cầu hội nhập, kéo theo đó là việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong xuất nhập khẩu, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, nhiều hình thức kinh doanh dịch vụ mới, sử dụng công nghệ cao xuất hiện, công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Công tác huấn luyện, đào tạo, tìm kiếm và trao đổi thông tin, phối hợp giữa các cơ quan chức năng cần phải được tăng cường có hiệu quả. Một trong những bài học lớn từ kinh nghiệm của Trung Quốc là cần tăng xây dựng một mạng lưới chặt chẽ giữa bộ phận quản lý - chủ thương hiệu - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp và lực lượng hải quan kết hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu thì hiệu lực thực thi công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ cao hơn rất nhiều.

Mặt khác, vấn đề thủ tục hành chính cũng nên được đơn giản hóa. Chẳng hạn như giảm bớt việc lạm dụng các biện pháp hành chính, nâng cao tiến độ, chất lượng, rút ngắn thời gian trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý và thực thi phải được nâng cao hơn. Đây là điểm khởi đầu, có vai trò then chốt đối với công tác đấu tranh chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một việc làm cần thiết. Đồng thời các cơ quan Nhà nước cần phải thay đổi tư duy và thói quen làm việc đối với những trường hợp liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc Cục sở hữu trí tuệ chính thức đưa hệ thống nộp đơn điện tử phi trực tuyến vào sử dụng tháng 6/2007, nhằm tăng cường hiệu quả việc quản lý và xử lý đơn, cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ nhanh chóng, chính xác cho doanh nghiệp và cộng đồng là một việc làm rất kịp thời. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, do Cục Sở hữu

trí tuệ thực hiện từ năm 2005 đến 2009 dưới sự tài trợ hợp tác kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản. Hệ thống này gồm hai phần mềm: Phần mềm làm đơn điện tử và phần mềm nhận đơn điện tử. Mô hình hoạt động của hệ thống này là người nộp đơn có thể tải phần mềm làm đơn điện tử miễn phí qua trang chủ của Cục Sở hữu trí tuệ, sau đó nộp đơn qua hệ thống nộp đơn điện tử phi trực tuyến. Qua đó, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và công sức, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý, dần tiến tới tự động hóa hoàn toàn trong các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ( TRIPs ) và một số vấn đề đặt ra đối với việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)