1990 1991-1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 Tổng diện tích (nghìn ha) trong đó: 657 7.66,2 1.015 1.153 1.203 1.258 1.451 1.476 1.475 Chè búp (%) 9,1 8,4 7,4 6,8 6,4 6,7 6,0 6,5 6,7 Cà phê (%) 18,2 16,3 25,0 29,5 30,8 38,0 38,7 38,5 36,3 Cao su (%) 33,7 31,7 25,0 30,1 31,8 31,4 28,4 28,3 29,2 Hồ tiêu (%) 1,4 0,9 0,8 0,9 1,1 1,4 1,9 2,4 3,0 Dừa (%) 32,3 26,1 17,8 14,7 13,6 13,0 11,1 10,6 10,0
Nguồn: Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới, Nxb Thống kê, HN 2003.
Bảng 9 cho thấy, trong cơ cấu cây công nghiệp lâu năm, vào những năm 1990- 1995, cao su và dừa là hai nhóm cây chủ yếu. Song, từ năm 1996 trở đi, sản xuất cà phê tăng trưởng nhanh và cây cà phê đã vươn lên thành cây có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm cây công nghiệp. Đứng sau cây cà phê, cây cao su, mặc dù tỷ trọng có giảm sút song vẫn ở mức cao trong cơ cấu cây công nghiệp. Cây dừa do có giá trị kinh tế thấp nên tỷ trọng đã giảm hẳn, từ cây có tỷ trọng cao nhất trở thành thứ yếu sau cà phê và cao su. Cây hồ tiêu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng do đặc điểm là cây gia vị nên nhu cầu tiêu thụ thấp vì vậy có diện tích canh tác ít nên chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu cây công nghiệp lâu năm.
Cụ thể, từ năm 1986 đến năm 2002, diện tích trồng cà phê tăng gấp 8,9 lần (từ 65,6 nghìn ha lên 535 nghìn ha), diện tích trồng chè búp tăng gấp 1,7 lần (từ 58,1 nghìn ha lên 98 nghìn ha), diện tích trồng cao su tăng gấp 2,1 lần (từ 202,1 nghìn ha lên 423 nghìn ha), diện tích trồng dừa giảm từ 157,7 nghìn ha xuống 147 nghìn ha, diện tích trồng hồ tiêu tăng 11 lần (từ 3,9 nghìn ha lên 44 nghìn ha).
Riêng đối với cây cà phê, từ sau năm 1986 diện tích trồng cà phê liên tục tăng lên và đặc biệt tăng rất nhanh từ năm 1995 trở lại đây. Cây cà phê, do đó đã trở thành cây có vị trí hàng đầu trong nhóm cây công nghiệp, sản lượng cà phê nhân tăng từ 50,1 nghìn tấn (1986) lên đến 920 nghìn tấn (2001) và đã làm cho cà phê nhân trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam (xuất khẩu 910 nghìn tấn năm 2001). Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan, sự tăng trưởng trong sản xuất cà phê đang ở mức quá cao so với nhu cầu tiêu thụ của cả thị trường trong nước và thế giới. Tỷ trọng cà phê trong giá trị sản xuất và xuất khẩu cao không phải là tín hiệu vui của chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhóm cây công nghiệp lâu năm. Nhận thấy giá cà phê trên thị trường thế giới tăng cao vào những năm 1995- 1997, người dân đã tự phát chuyển đổi đất nông, lâm nghiệp sang trồng cà phê ồ ạt và với quy mô ngày càng lớn, vượt cả quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước. Trong Nghị quyết 09/CP của Chính phủ, cây cà phê được đánh giá là cây công nghiệp xuất khẩu trọng điểm và đến năm 2010 chủ trương đạt mức 40 vạn ha diện tích và 600 nghìn tấn. Song, chỉ đến năm 2000, cả hai chỉ tiêu trên đã đạt xa dự kiến của Nhà nước ở năm 2010. Việc chuyển đổi cơ cấu một cách ồ ạt, tự phát như vậy đã và đang đưa đến hậu quả cung vượt quá xa cầu trong nước và đồng thời tăng nhanh lượng cà phê dư thừa trên thị trường thế giới. Sự dư thừa cà phê tất yếu lại dẫn đến việc giảm giá cà phê bán trên thị trường thế giới gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam (sự giảm giá bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 1998). Cụ thể, năm 2001, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 910 nghìn tấn, tăng
24% so với năm 2000 nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm 23,2%. Trước tình hình sụt giảm giá như vậy đã xuất hiện xu hướng chặt phá cây cà phê ở nhiều nơi vào năm 2002 (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ) chuyển sang trồng các cây khác (như ngô lai). Đây là một tất yếu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, song vẫn cần phải nhận thấy rằng, ngay cả việc chuyển dịch ngược lại từ trồng cây cà phê sang trồng các cây khác trong hai năm gần đây cũng vẫn hoàn toàn mang tính tự phát theo quy mô hộ gia đình, không theo quy hoạch, tương tự như tình trạng phá rừng để ồ ạt trồng cà phê như những năm trước. Tất cả những điều này đều gây thiệt hại đối với người trồng cà phê.
Thêm vào đó, trong cơ cấu nội bộ cây cà phê còn nổi cộm điều bất hợp lý là, mặc dù việc trồng cây cà phê đã bước đầu tiếp cận với thị trường, gắn với thị trường thế giới, song vẫn chưa triệt để. Tỷ lệ cà phê chè còn quá nhỏ so với cà phê vối, trong khi nhu cầu của thị trường về cà phê chè thì ngày một tăng. Cà phê vối nhu cầu ít, giá thấp nên nếu không có sự thay đổi cơ cấu giống cây cà phê, tiếp tục trồng cà phê vối như hiện nay thì chắc chắn hiệu quả kinh tế đem lại không cao, lãng phí nguồn lực của xã hội.
Về cây cao su, tương tự như cà phê, cao su cũng là cây công nghiệp lâu năm phát triển mạnh trong những năm qua, song còn nhiều bất cập. Trước hết, đó là xu hướng cung vượt cầu thể hiện khá rõ nét. Nếu như theo quy hoạch của Nhà nước, diện tích cao su đến năm 2010 chỉ là 400 nghìn ha, thì thực tế đến năm 2000 diện tích trồng cà phê đã là 412 nghìn ha, năm 2001 là 418 nghìn ha. Hậu quả là giá cao su trên thị trường thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ sản phẩm cao su chủ yếu của nước ta, giảm dần và hiện nay chỉ bằng khoảng 40% những năm trước.
Hơn nữa, điểm bất cập thứ hai trong sản xuất cao su là sản xuất không gắn với chế biến và xuất khẩu nên sản phẩm cao su nước ta chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc với giá thấp. Năm 2001, sản
lượng cao su mủ khô xuất khẩu đạt 300 nghìn tấn, tăng 9,9% so với năm 2000 nhưng giá trị chỉ đạt 161 triệu USD, giảm 2,9% so với năm 2000.
Đồi với cây chè, hồ tiêu, điều tình hình cũng tương tự, từ năm 2001, việc gia tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này đã làm giảm giá bán trên thị trường thế giới, do vậy dù sản lượng xuất khẩu đều tăng song giá trị kim ngạch xuất khẩu lại giảm. Năm 2001, xuất khẩu hạt điều tăng 20% về lượng nhưng giảm 14% về giá trị, hạt tiêu tăng 51,6% nhưng giảm 39% giá trị, chè tăng 3,4% sản lượng nhưng giảm 4,6% giá trị.
Tóm lại, cơ cấu các loại cây công nghiệp lâu năm như hiện nay là chưa hợp lý, tuy nó có chuyển dịch nhanh theo hướng thị trường thế giới nhưng tính tự phát còn quá lớn dẫn đến mất cân đối giữa cung với cầu, do đó hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập của người sản xuất bấp bênh và vì vậy có ảnh hưởng xấu đến toàn ngành sản xuất.
Về các cây công nghiệp hàng năm (đay, bông, cói, mía, lạc, đậu tương, thuốc lá): Từ năm 1986 đến nay, trong nhóm cây công nghiệp hàng năm có sự thay đổi theo hướng: cây mía và cây bông là hai cây có tốc độ tăng trưởng diện tích cao nhất, các cây còn lại đều có xu hướng giảm diện tích cả về tuyệt đối và tương đối.