CHƯƠNG 3 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Đánh giá tình tình cơ bản của huyện Bạch Thông,tỉnh Bắc Kạn
3.1.3. Thực trạng công tác quản lý đất đai của huyện Bạch Thông
* Công tác ban hành và tổ chức hực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai: Trong những năm qua, Huyện uỷ, HĐND huyện, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong huyện triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai của Đảng và Nhà nước, nên công tác quản lý và sử dụng đất đai của huyện được quản lý chặt chẽ, sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đảm bảo phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cụm công nghiệp đã thu hút nhiều dự án của các tổ chức trong và ngoài tỉnh đầu tư vào huyện, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động địa phương, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
* Công tác quản lí địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính: Thực hiện chỉ thị 364/CT của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước. Toàn bộ ranh giới hành chính của huyện đã được rà soát cụ thể theo từng tuyến. Từ năm 1998 đến nay, địa giới hành chính của huyện, các xã được cắm mốc địa giới cố định và bàn giao cho UBND các cấp quản lý.
* Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính và bản đồ quy hoạch sử dụng đất: Huyện Bạch Thông đã được Trung ương, tỉnh đầu tư đo đạc lập bản đồ địa chính đến nay được 17/17 xã, thị trấn để phục cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Năm 2010 đến nay các xã và Thị trấn trên địa bàn huyện được lập quy hoạch sử dụng đến 2020. Kế hoạch sử dụng đất được xây dựng hàng năm và xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm.
* Công tác đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Đến nay việc đăng ký, lập hồ sơ địa chính đã cơ bản hoàn thành, hệ thống sổ sách, hồ sơ địa chính như sổ mục kê, sổ địa chính, theo dõi biến động đất đai, theo dõi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hoàn thiện ở các cấp trong huyện theo quy định. Nhưng hồ sơ địa chính ở hầu hết các xã, thị trấn còn thiếu đồng bộ, do việc đo đạc lập bản
đồ thực hiện qua nhiều năm, dữ liệu cập nhật chưa thường xuyên, biến động đất đai lớn nhưng ít được chỉnh lý hoặc chỉnh lý không kịp thời, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý đất đai trên địa bàn thiếu chặt chẽ và hiệu quả.
Tính đến 30 tháng 12 năm 2010 tổng số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong huyện đã cấp được 28.703 giấy, trong đó: Đất hộ gia đình, cá nhân: 28.590 giấy; đất tổ chức: 113 giấy.
* Công tác thống kê, kiểm kê đất đai: Hàng năm các cấp từ xã đến huyện đều thực hiện tốt công tác thống kê đất đai, khai báo biến động sử dụng đất theo đúng quy định.
* Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai: Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, tham gia các đoàn kiểm tra của Tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý và sử dụng đất đai, riêng phòng tài nguyên và môi trường đã thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra việc vi phạm sử dụng đất đai như lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.
* Công tác giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai: Công tác giải quyết tranh chấp về đất đai và giải quyết đơn thư khiếu nại được thực hiện tương đối tốt, đúng pháp luật. Từ năm 2005 đến nay, phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các xã, thị trấn giải quyết 39 vụ tranh chấp đất đai, hiện còn 04 vụ đang tiếp tục giải quyết.