3.2. Một số giải pháp cơ bản hạn chế tác động tiêu cực của công nghiệp
3.2.4. Cung cấp thông tin thị trường đầy đủ và kịp thời cho người lao động
Trên thực tế, những người lao động chịu tác động của quá trình CNH, HĐH đa phần là những người có kiến thức thấp. Sau khi bị thu hồi đất, họ đa phần mất việc làm, mà khả năng tự tìm việc làm cũng rất hạn chế. Những người lao động này phần đông mang tâm lý ỉ lại vào chính quyền, vào nhà nước, hoặc là thường tìm việc làm dựa vào những mối quan hệ thân quen như bạn bè, họ hàng giới thiệu mà không biết tìm kiếm công việc mới cho phù hợp với khả năng của mình. Các thông tin hỗ trợ giải quyết việc làm tuy được đăng tải trên các phương tiện: báo, đài phát thanh địa phương nhưng chưa
thực sự được người lao động quan tâm chú trọng đến. Chính quyền địa phương cần giúp những người lao động thấy được lợi ích từ việc tìm hiểu các thông tin việc làm từ các phương tiện thông tin đại chúng để học có thể mở rộng cơ hội tìm việc làm cho bản thân mình, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Các giải pháp cụ thể là:
- Đa dạng các kênh thông tin việc làm: trước hết là cần phải đầu tư mạnh hơn nữa cho các trung tâm giới thiệu việc làm vì trong thời gian qua, các trung tâm này đã hoạt động thực sự có hiệu quả. Thông qua việc tổ chức các chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm thường kỳ đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho một bộ phận đáng kể lao động trên địa bàn huyện. Thêm vào đó, sự tồn tại và hoạt động của các trung tâm này là rất cần thiết vì những người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông không có trình độ, tay nghề, kinh nghiệm thì có thể đến các trung tâm này để được tư vấn, tham gia các lớp học nghề ngắn hạn và dài hạn với nhiều ngành nghề khác nhau. Thêm kiến thức, thêm kỹ năng, người lao động sẽ có được định hướng nghề nghiệp một cách rõ ràng, có thêm cơ hội tìm kiến những công việc phù hợp với khả năng của bản thân, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống lâu dài.
Một trong những kênh thông tin tìm việc hữu hiệu cho người lao động là thông qua hình thức tuyển dụng trực tiếp của các doanh nghiệp. Đây là kênh trực tiếp nhất và cũng rất thiết thực. Vì thế, chính quyền địa phương cũng cần phải có những biện pháp hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp này có thể tiếp cận gần hơn với người lao động. Cụ thể, có thể thông báo về thông tin doanh nghiệp cần tuyển dụng; thời gian, địa điểm doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn việc làm trực tiếp thông qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương; phát tờ rơi thông tin về doanh nghiệp có nhu cầu tìm lao động để người lao động nắm bắt được thông tin trước khi đến tham gia tuyển dụng,…
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, tìm việc làm qua mạng Internet cũng trở nên phổ biến. Ngoài việc đến tuyển dụng trực tiếp thì các doanh nghiệp có thể đăng tải thông tin tuyển dụng trên các Website. Từ đó giúp cho người lao động đặc biệt là lao động trẻ định hình được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trước khi tìm hiểu về tình hình công việc.
- Ngoài việc đa dạng các kênh thông tin việc làm thì chính quyền địa phương cũng cần phải tổ chức các đợt khảo sát, nắm tình hình về nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp không chỉ là các doing nghiệp đóng trên địa bàn mà còn cả các doanh nghiệp ở các địa phương lân cận và ở thành phố. Từ đó, sau quá trình thu thập và xử lý thông tin, cần phải cung cấp những thông tin cập nhật nhất về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cho người lao động tại địa phương. Đồng thời, từ đó định hướng được công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường cho người lao động.