3.4 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng No&PTNT ch
3.4.4 Xây dựng và chuẩn hóa chương trình đào tạo cho đội ngũ nhân viên
Để có được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ ngân hàng, tận dụng tốt các thành tựu về công nghệ thông tin, có trình độ ngoại ngữ thành thạo, có tác phong công nghiệp và kỷ luật cao, Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Hoàng Quốc Việt cần phải mạnh dạn đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ ngay từ khi mới tuyển dụng, chú trọng đào tạo cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Đối với đội ngũ cán bộ hiện tại, Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Hoàng Quốc Việt cần có kế hoạch đào tạo lại và đào tạo nâng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Một trong những vấn đề quan trọng mà Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Hoàng Quốc Việt cần phải thực hiện là phải xây dựng và chuẩn hóa được chương trình đào tạo hàng năm cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Các chương trình đào tạo cần phải được xây dựng và chuẩn hóa trước, việc tiến hành đào tạo sẽ phải bám sát vào chương trình và nội dung đã đặt ra. Muốn vậy, cần phải có sự điều tra, phân tích nhu cầu đào tạo một cách nghiêm túc, từ đó đưa ra các nội dung cần đào tạo theo trình tự ưu tiên.
Ngoài ra, Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Hoàng Quốc Việt cần thực hiện việc đánh giá nhận xét cán bộ, kiểm tra sát hạch định kỳ nhằm đánh giá trình độ của
cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho nhu cầu trước mắt và lâu dài. Cần gắn cam kết đào tạo với việc bố trí, sử dụng cán bộ, tạo động lực khuyến khích người lao động. Để tránh tình trạng chảy máu chất xám sang các ngân hàng khác, Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Hoàng Quốc Việt cũng như ngân hàng No&PTNT Việt Nam nói chung cần phải:
Thực hiện quy chế trả lương theo hiệu quả công việc đạt được nhằm khuyến khích cán bộ nhân viên. Thực hiện cơ chế tài chính thông thoáng hơn nhằm thu hút và giữ được lao động giỏi, có tay nghề cao.
Từng bước tạo lập “văn hóa doanh nghiệp” thể hiện thông qua phong cách làm việc năng động, tự tin, lịch thiệp. Mỗi cán bộ đều có lòng tự hào về ngân hàng mình, phấn đấu xây dựng và đóng góp để xây dựng ngân hàng mình trở thành ngân hàng tốt nhất, coi ngân hàng như ngôi nhà chung để vun đắp và có trách nhiệm với nó.
Cương quyết sắp xếp lại hoặc không sử dụng cán bộ không có năng lực phù hợp. Mạnh dạn sử dụng và bổ nhiệm các cán bộ trẻ, được đào tạo căn bản, có trình độ chuyên môn giỏi, yêu ngành, yêu nghề vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng.
Xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo, hệ thống hóa giáo trình, nội dung giảng dạy, hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo và giảng viên. Để thực hiện được yêu cầu này, chi nhánh cần tham mưu và trình duyệt với ban lãnh đạo ngân hàng No&PTNT Việt Nam và Trường đào tạo cán bộ của Ngân hàng No&PTNT Việt Nam để công tác đào tạo được đầu tư một cách có hệ thống và hiệu quả;
Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật về nhu cầu đào tạo, theo sát sự phát triển về quy mô, mô hình tổ chức và các loại sản phẩm dịch vụ cung cấp; Xây dựng giáo trình gắn liền với sự thay đổi của mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ cung cấp. Gắn công tác đào tạo với yêu cầu cụ thể của đơn vị;
Tập trung hóa một số hoạt động kinh doanh để có điều kiện đào tạo chuyên sâu cho một số lượng nhỏ cán bộ công nhân viên, tránh đào tạo dàn trải mà vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc;
Đặt ra một số lĩnh vực ưu tiên (treasury, quản lý rủi ro, quản lý dự án, thẩm định dự án) trong việc phát triển chương trình đào tạo để đảm bảo yêu cầu cấp bách về kinh doanh và cải tiến quản lý;
Học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và áp dụng các chuẩn mực đào tạo theo yêu cầu công việc (Competency Based Trainning). Xây dựng mối quan hệ giữa cơ sở kinh doanh - cơ sở đào tạo (Industry – School), phối hợp cộng tác với các tổ chức đào tạo để có được dịch vụ đào tạo sát với yêu cầu của mình;
3.4.5 Tăng tính chủ động trong cơ chế điều hành và công cụ quản lý hỗ trợ cho ban lãnh đạo tại chi nhánh
Để công tác điều hành tại chi nhánh kịp thời và hiệu quả, ngân hàng No&PTNT chi nhánh Hoàng Quốc Việt cần có sự hỗ trợ từ hội sở ngân hàng No&PTNT Việt Nam bởi việc cải cách cơ chế điều hành cần phải có sự đồng bộ và sự đồng ý của ban quản trị ngân hàng. Bên cạnh việc tăng tính chủ động cho ban lãnh đạo tại chi nhánh, Agribank cũng cần ban hành các công cụ quản lý hỗ trợ như đẩy mạnh tính hiệu quả của hệ thống báo cáo MIS từ phần mềm IPCAS, hạn chế tính thủ công trong công tác báo cáo số liệu nhằm tránh sai sót và chậm trễ. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm tra kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế cũng là một giải pháp hỗ trợ điều hành hoạt động của chi nhánh.