Lượng vật chất hữu cơ trong các mẫu tuổi Miocen sớm ở lô 04 chỉ vào khoảng 913 ppm, thể hiện đá mẹ nghèo đến trung
bình. Trong trầm tích Oligocen hàm lượng bitum A trung bình của lô 12 là 4701 ppm (lượng hydrocarbon sinh ra từ đá mẹ giàu vật chất hữu cơ). Trên giải phân bố N-Alkan trong các giếng khoan của các mẫu có tuổi Oligocen với tính trội cơ bản trong dãy C15 - C20 cao, còn từ C20 - C30 thấp thể hiện
dạng sản phẩm condensat cao (Hình 10.19). So sánh giữa dầu thô và chất chiết trong tầng đá mẹ Oligocen ta thấy chúng có dạng phân bố tương đối giống nhau, hơn nữa mối tương quan giữa no - thơm - hpn, với no - thơm chiếm ưu thế. Vì vậy, khả năng dầu thô ở mỏ Đại Hùng là dầu di cư.
Tóm lại
Trầm tích có tuổi Miocen sớm và Oligocen có khả năng sinh dầu khí, đá mẹ thuộc loại trung bình đến tốt. Đặc biệt thành tạo sét than tuổi Oligocen thuộc loại đá mẹ giàu vật chất hữu cơ. Với dạng kerogen loại III là chủ yếu, lại lắng đọng trong môi trường lục địa, đá mẹ ở bể trầm tích Nam Côn Sơn có tiềm năng sinh khí condensat cao. Mặc dù môi trường phân huỷ vật chất hữu cơ là thuận lợi: khử yếu và khử.
Đá mẹ bể trầm tích Nam Côn Sơn đã
trải qua các pha tạo dầu khí, quá trình di cư sản phẩm tới các bẫy chứa thuận lợi đã xảy ra.
6.2. Đặc điểm đá chứa
Nghiên cứu đá chứa và khả năng chứa dựa trên các chỉ tiêu sau:
• Thành phần thạch học, tướng đá và môi trường thành tạo,
• Mức độ biến đổi thứ sinh, dạng khe nứt, lỗ hổng,
• Độ rỗng, độ thấm,
• Dạng vỉa, bề dày và mức độ bảo tồn của chúng.
Đá chứa dầu khí trong bể Nam Côn Sơn bao gồm móng phong hoá nứt nẻ trước Đệ Tam, cát kết Oligocen, Miocen, Pliocen dưới và đá carbonat Miocen giữa - Miocen trên.
Đá chứa móng nứt nẻ phong hoá trước Kainozoi
Theo các tài liệu hiện có, đá nứt nẻ phong hoá của móng trước Kainozoi mới được phát hiện ở các giếng khoan ở mỏ Đại Hùng, chúng đặc trưng bởi độ rỗng nứt nẻ thay đổi khá lớn tuy còn thiếu số liệu để xác định (Ví dụ: Tại các GK ĐH - 1X, ĐH - 8X không có số liệu, còn ở GK ĐH - 2X độ rỗng trung bình 1,3% Hình 10.20). Đới phong hoá nứt nẻ của móng phát triển dọc theo các đứt gãy có thể được dự đoán theo tài liệu địa chấn 3D.
Đá chứa cát kết tuổi Oligocen
Đá chứa cát kết tuổi Oligocen đã được
phát hiện ở tại các giếng khoan ở lô 12, lô 05 chứa sản phẩm dầu nhẹ condensat và khí. Môi trường thành tạo chủ yếu là vũng vịnh, biển nông, biển ven bờ, phần dưới có sườn tích, lũ tích và các loại dạng lấp đầy các rãnh sâu. Đá chứa chủ yếu cát kết thạch anh, mảnh vụn chủ yếu là calcit. Trầm tích Oligocen bị biến đổi mạnh, vì vậy cả hạt vụn và xi măng đều bị tái kết tinh. Cát kết biến đổi thành cát dạng quarzit (Hình 10.21).
Các hạt vụn tiếp xúc với nhau chủ yếu theo kiểu tiếp xúc thứ sinh (> 60%). Đá rắn chắc, đặc sít, hệ số chặt sít cao, dao động từ 0,75 - 0,85, độ rỗng phổ biến từ 12 - 16%, độ thấm từ 0,1 - 1,0mD (đới nâng lô 12) và dự kiến có thể thấp hơn nhiều ở phần Trung tâm và Đông - Đông Bắc (lô 04 và 05). Tại các giếng khoan 12A-1X, Dừa-1X và Dừa- 2X phát hiện các vỉa chứa có bề dày biến đổi từ 2 - 80m, thường gặp từ 15 - 25m. Tỷ số cát trên toàn bộ lát cắt dao động từ 25 - 35%.