Đã có nhiều nghiên cứu trước đây về vấn đề khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung vào từng nhóm đối tượng khách hàng chuyên biệt như nông dân ngư dân, hộ nghèo, cư dân một khu vực địa lý, nghiên
cứu này tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng cá nhân của một ngân hàng cụ thể, phân tích khả năng trả nợ dưới góc nhìn của ngân hàng để từ đó cải thiện các hoạt động của ngân hàng nhằm tăng khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân. Theo tình hình thực tế tại đơn vị học viên nhận thấy đa số các khách hàng trả được nợ vay tại đơn vị nghiên cứu là các khách hàng có sở hữu nhà ở riêng và có số dư tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Cụ thể qua kết quả thống kê trên 180 khách hàng cá nhân trong mẫu nghiên cứu tại đơn vị có 131 khách hàng trả được nợ và 49 khách hàng không trả được nợ, trong 131 khách hàng trả được nợ có 103 khách hàng có sở hữu nhà ở riêng chiếm 78.63% và 119 khách hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng chiếm 90.84%. Nhận thấy tầm quan trọng về năng lực tài chính của khách hàng được đánh giá qua lượng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng và tình trạng sở hữu nhà ở riêng của khách hàng, học viên hy vọng thấy đối với các khách hàng có số dư tiền gửi lớn và có sở hữu nhà ở riêng là những khách hàng có khả năng trả nợ tốt hơn vì khả năng tài chính của họ tốt. Do đó, dựa vào nghiên cứu trước của Crook và Thomas (1993), Cox và Jappelli (1993), Gropp và ctg (1997) và nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Huyền và Stefanie Kleimeier (2007) học viên sẽ đưa 2 biến giả là tiền gửi tích lũy tại ngân hàng và biến tình trạng sở hữu nhà ở vào mô hình để nghiên cứu rõ hơn về vấn đề này.
Về mặt mô hình và các biến số nghiên cứu, nghiên cứu này kế thừa mô hình của Antwi và ctg (2012) khi tìm hiểu về khả năng trả nợ đúng hạn của khách hàng các nhân. Các biến số độc lập được đưa vào mô hình sẽ kế thừa các nghiên cứu thực nghiệm trước nhưng một số biến cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình thu thập thông tin của ngân hàng. Cụ thể học viên sẽ kế thừa các biến: giới tính, tình trạng hôn nhân và tài sản đảm bảo từ mô hình của Antwi và ctg (2012) và thay đổi các biến: thu nhập, số tiền vay, thời hạn vay, tiền gửi tích lũy và tình trạng sở hữu nhà ở.