4.2 Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến giá cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết
4.2.4 Tỷ lệ thu nhập trên cổ phiếu EPS
Hệ số 4 0.001049 có nghĩa là trong điều kiện các nhân tố khác không đổi, với mức ý nghĩa 1%, nếu hệ số EPS tăng 1 đơn vị thì giá cổ phiếu tăng 0.001049 đơn vị và ngược lại. Sự tác động cùng chiều giữa hệ số EPS và giá cổ phiếu đã ủng hộ giả thuyết ban đầu và cùng dấu với các nghiên cứu trước đây như nghiên cứu của Afolabi Emmanuel Olowookere và Taiwo Phebe Fadiran (2016), nghiên cứu của Ali Raza Arshaad và các tác giả (2015), Arslan Iqbal và các tác giả (2015), Iqbal và các tác giả (2014), ...
Tuy nhiên, khác với các nghiên cứu của Afolabi Emmanuel Olowookere và Taiwo Phebe Fadiran (2016), nghiên cứu của Ali Raza Arshaad và các tác giả (2015)... mặc dù có ý nghĩa trong mô hình hồi quy, song ảnh hưởng của EPS đến giá cổ phiếu lại rất thấp. Để lý giải điều này, tác giả cho rằng do đặc điểm của các doanh nghiệp niêm yết trên SGDCK TP. HCM không giống nhau. Lợi nhuận của các doanh nghiệp gồm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác. Nhưng cái mà nhà đầu tư thực sự quan tâm là hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tức lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đảm nhiệm, lĩnh vực kinh doanh chính sẽ đóng vai trò quan trọng. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng song lại xuất phát từ việc tăng lợi nhuận tài chính hay tăng lợi nhuận khác không phải là dấu hiệu quá tốt đối với một doanh nghiệp. Các nhà đầu tư khi xem xét lựa chọn cổ phiếu bên cạnh việc xem xét hệ số EPS, thường sẽ chú ý đến việc phân tích thành phần lợi nhuận của doanh nghiệp. Do tính chất đặc biệt này mà hệ số EPS dù tác động đến giá cổ phiếu nhưng tác động không cao.