CHƯƠNG 3 : TỔNG QUAN VÀ ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
3.1 Tổng quan về hoạt động kinh doanh tại Ngân hàng thương mại cổ phần
3.1.1 Giới thiệu về ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được thành lập ngày 01 tháng 04 năm 1963 trên cơ sở tách ra từ Cục Quản lý Ngoại hối trực thuộc NHTW (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) theo Quyết định số 115/CP do Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 10 năm 1962. Theo quyết định nói trên, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trở thành ngân hàng chuyên doanh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tại thời điểm lúc bấy giờ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, bao gồm các hoạt động cho vay tài trợ xuất nhập khẩu và các dịch vụ kinh tế đối ngoại khác (vận tải, bảo hiểm,…); thanh toán quốc tế; kinh doanh ngoại hối; quản lý ngoại tệ gửi tại các ngân hàng nước ngoài; làm đại lý cho Chính phủ trong các quan hệ thanh toán, vay nợ, viện trợ với các nước Xã hội Chủ nghĩa (cũ)… Bên cạnh đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam còn tham mưu cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về các chính sách quản lý ngoại tệ, vàng bạc, quản lý quỹ ngoại tệ của Nhà nước và về quan hệ với NHTW các nước khác, các Tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế. Ngày 02 tháng 06 năm 2008, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.
3.1.1.1 Quá trình hình thành và phát triển
Quá trình phát triển của VCB được chia làm các giai đoạn chủ yếu sau:
Giai đoạn 1963-1975: Khởi đầu trong đấu tranh- Tự hào trong lịch sử
Thời kỳ đầu từ 1963-1975, VCB với vai trò độc quyền về hoạt động ngân hàng đối ngoại đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Chính phủ, ngành Ngân hàng giao cho, vừa tham gia trực tiếp vào công tác chi viện tài chính cho chiến trường miền Nam, vừa đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế của hậu phương miền Bắc, thực hiện tốt chức năng là trung tâm thanh toán quốc tế duy nhất ở Việt Nam, đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1976-1990: Tái thiết đất nước- Phát triển nền tảng
ngoại duy nhất của Việt Nam trên cả 3 phương diện: nắm giữ ngoại hối của quốc gia, thanh toán quốc tế, cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu. Sau năm 1975, VCB tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ. Trong điều kiện bị bao vây cấm vận kinh tế, VCB tiếp tục nhận viện trợ, tìm kiếm các nguồn vay ngoại tệ, đẩy mạnh thanh toán quốc tế để phục vụ sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn 1991-2007: Khẳng định vị thế- Hội nhập quốc tế
Trong giai đoạn đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, VCB chính thức chuyển từ một ngân hàng chuyên doanh, độc quyền trong hoạt động kinh tế đối ngoại sang một NHTM nhà nước hoạt động đa năng và tự do cạnh tranh với các loại hình NHTM và các tổ chức tài chính khác. VCB là ngân hàng đầu tiên triển khai và hoàn thành đề án tái cơ cấu (2000-2005) mà trọng tâm là nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Giai đoạn 2007- nay: tiếp tục khẳng định vị thế- hội nhập quốc tế
Năm 2007, VCB tiên phong cổ phần hóa trong ngành ngân hàng và thực hiện thành công kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày 02 tháng 06 năm 2008, VCB đã chính thức hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần. Từ đây, VCB bắt đầu có những dấu ấn chuyển mình, bứt phá ngoạn mục khi ngân hàng đã có sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô và hiệu quả kinh doanh.