Một số đề xuất khuyến nghị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng thương mại cổ phần tại việt nam (Trang 77 - 80)

CHƯƠNG 5 : HÀM Ý VÀ KHUYẾN NGHỊ

5.2. Một số đề xuất khuyến nghị

5.2.1. Vấn đề mở rộng quy mô ngân hàng

Quy mô ngân hàng có tác động cùng chiều đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên, do đó, các ngân hàng có thể tăng quy mô thông qua tăng tổng tài sản hay qua việc sáp nhập các ngân hàng. Tuy nhiên, khi mở rộng quy mô cần chú ý đến việc phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn trình độ tương xứng, nguồn tài trợ phải đảm bảo, khả năng quản lý rủi ro tốt, tránh tình trạng càng mở rộng quy mô, rủi ro phải đối mặt càng nhiều và vượt tầm kiểm soát của ban lãnh đạo ngân hàng. Thực tế hoạt động của các ngân hàng cho thấy khi quy mô được mở rộng thì hiệu quả hoạt động của các ngân hàng không được cải thiện tương ứng, làm giảm vai trò của ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế. Trong nghiên cứu của Fungacova và Poghosyan (2011) đã tìm ra sự tác động tiêu cực của quy mô ngân hàng lên tỷ lệ TNLCB. Chính vì

vậy, trước khi đưa ra quyết định mở rộng quy mô, nhà quản trị cần tìm hiểu thêm về chiều hướng tác động hiện tại của quy mô đến tỷ lệ TNLCB đối với đặc trưng hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động tương ứng và tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

5.2.2. Vấn đề về hiệu quả quản lý

Chi phí hoạt động là một trong những tiêu chí thể hiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng và là yếu tố tác động mạnh nhất đến NIM. Chi phí hoạt động cao thì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên sẽ tăng. Tuy nhiên, ngân hàng cần phải xác định được nguyên nhân dẫn đến chi phí hoạt động cao. Phần lớn là do hiệu quả quản lý của ngân hàng không tốt, nhưng cũng có thể do chính sách mở rộng quy mô hoạt động, triển khai mở rộng thêm mạng lưới.

Trường hợp chi phí hoạt động cao là do hoạt động quản lý kém hiệu quả, ngân hàng nên cắt giảm các chi phí hoạt động không cần thiết. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên sẽ bị giảm. Đôi khi các nhà quản trị cần phải đánh đổi giữa lợi ích trước mắt mà , tránh tình trạng vì thu được lợi ích ở hiện tại mà không đảm bảo cho hoạt động vững vàng trong tương lai.

5.2.3. Vấn đề về quản trị cơ cấu vốn

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản càng lớn dẫn đến chi phí sử dụng vốn bình quân càng cao, do chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu cao hơn chi phí sử dụng vốn vay. Việc tăng lãi suất cho vay để bù đắp chi phí sẽ gây khó khăn trong môi trường cạnh tranh hiện nay của ngân hàng. Mặt khác, là một bộ phận của vốn tự có, tỷ lệ vốn chủ sở hữu là nhân tố để xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Vì vậy, nhà quản trị ngân hàng cần lưu ý quan tâm vấn đề chi phí vốn và tỷ lệ an toàn vốn để xây dựng một chiến lược đúng đắn, hiệu quả về cơ cấu vốn hợp lý.

5.2.4. Vấn đề quản trị rủi ro tín dụng

Yếu tố rủi ro luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Rủi ro tín dụng có tác động làm tăng tỷ lệ TNLCB nhưng đồng thời lại ảnh hưởng không tốt đến hoạt động cũng như uy tín của ngân hàng. Khi rủi ro

tín dụng tăng, đó là biệu hiện rõ nét của chất lượng tín dụng yếu kém, kèm theo đó là chi phí hoạt động, chi phí trích lập dự phòng tăng, làm giảm đi thu nhập sau cùng và lợi tức của chủ sở hữu. Vì vậy, nhà quản trị cần phải có chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả nhằm giảm thiểu tổn thất trong hoạt động cho vay. Việc xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách quản lý và kinh doanh tín dụng là thật sự cần thiết để hạn chế và làm giảm tỷ lệ nợ xấu, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ngoài ra, để các chủ thể đi vay thực hiện đúng cam kết về khả năng trả nợ, ngân hàng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa về mục đích sử dụng vốn và có biện pháp xử lý kịp thời khi khách hàng vi phạm hợp đồng nhằm đảm bảo nguồn vốn cung ứng được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, tăng khả năng trả nợi của khách hàng.

5.2.5. Vấn đề quản trị rủi ro thanh khoản

Tỷ lệ cấp tín dụng trên tiền gửi khách hàng tăng sẽ tác động làm tăng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên. Tuy nhiên, khi ngân hàng dựa vào nguồn vốn huy động để tài trợ cho hoạt động kinh doanh tín dụng sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với nguy cơ rút tiền gửi đột ngột, bởi lẽ tín dụng là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng. Vì thế, khi tỉ lệ LDR tăng thì tính thanh khoản của ngân hàng sẽ giảm đi một cách tương ứng. Một khi rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, ngân hàng phải chấp nhận vay nợ với chi phí cao, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh lời. Trong điều kiện thị trường Việt Nam hiện nay, khi các ngân hàng thương mại đã và đang còn cung ứng cho khách hàng các sản phẩm “tiền gửi có kì hạn, được rút gốc trước hạn, hưởng lãi suất cao”, cạnh tranh thu hút tiền gửi với nhiều hình thức tinh vi vẫn diễn ra khá phức tạp nên độ ổn định của nguồn vốn tiền gửi nói chung, tiền gửi kì hạn nói riêng sẽ thấp; đồng thời, việc thanh lí hoặc mua bán, chứng khoán hóa các khoản cho vay cũ là không dễ dàng. Do đó, để đảm bảo an toàn khả năng thanh khoản, tỉ lệ LDR cần được quy định ở mức thấp hơn tỉ lệ LDR thực tế trung bình ngành được xác lập trong những năm gần đây có tham khảo kinh nghiệm các nước.

5.2.6. Các yếu tố vĩ mô

Sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô thông qua việc ổn định giá trị đồng tiền, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, duy trì ổn định tài chính tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Vì vậy, việc hoạch định và thực thi linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ mức lạm phát qua các năm phù hợp với mục tiêu đặt ra trong mỗi giai đoạn phát triển. Kiểm soát lạm phát tạo nên tính ổn định trong hoạt động không chỉ của ngành ngân hàng mà toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh, cần hoàn thiện hơn nữa các quy định về quản lý an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đảm bảo tính tuân thủ và hiệu quả trong toàn hệ thống tài chính, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng giúp các ngân hàng giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin về các chủ thể đi vay, tăng cường chất lượng tín dụng và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Về phía ngân hàng, tuy không thể quyết định các chính sách vĩ mô, nhưng nhà quản trị ngân hàng cũng cần có một số biện pháp cụ thể khi đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm và lạm phát như thực trạng hiện nay. Đặc biệt là đối phó với tỷ lệ lạm phát, ngân hàng cần dự đoán và có phản ứng linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất nhằm đạt hiệu quả lợi nhuận mong muốn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng thương mại cổ phần tại việt nam (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)