2.1. Lý thuyết liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời
2.2.1. Nghiên cứu trên thế giới
Salman Ahmad và công sự (2012) nghiên cứu về các NHTM trong nước Pakistan giai đoạn 2001-2010 để xác định các yếu tố nội tại của ngân hàng được coi là yếu tố quyết định lợi nhuận của ngân hàng bằng phân tích hồi quy dữ liệu bảng. ROA là biến độc lập được đo lường qua các biến phụ thuộc bao gồm tỷ lệ chi phí trên thu nhập, thanh khoản, chi phí dự phòng trên tổng dư nợ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản. Kết quả nghiên cứu thể hiện tỷ lệ chi phí trên thu nhập, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, tỷ lệ chi phí dự phòng trên tổng dư nợ có ảnh hưởng tiêu cực đến ROA, riêng thanh khoản có liên quan nghịch với lợi nhuận trên tài sản, nhưng nó không có ý nghĩa thống kê.
Syeda Anum Javed Bukhari (2012) nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến lợi nhuận của 11 ngân hàng Pakistan trên cơ sở số liệu hàng quý trong giai đoạn 2005-2009 bằng phương pháp phân tích hồi quy. Các yếu tố rủi ro tín dụng có mối quan hệ tích cực đáng kể đến khả năng sinh lời của các ngân hàng, nghĩa là nếu rủi ro tín dụng tăng lên thì lợi nhuận ngân hàng cũng tăng lên. Trong khi đó, thu từ lãi cũng được tìm thấy có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể với khả năng sinh lời của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cũng thể hiện rằng quy mô ngân hàng, thu ngoài lãi, chi phí, chỉ số CPI, xuất khẩu, nhập khẩu, giảm lãi suất không có tương quan đến lợi nhuận ngân hàng.
Muhammad Bilal và cộng sự (2013) nghiên cứu các nhân tố vi mô và nhân tố vĩ mô ảnh hưởng đến lợi nhuận của NHTM Pakistan trong giai đoạn 2007-2011 đo lường bằng lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là các biến phụ thuộc qua phương pháp thống kê mô tả, phân tích sự tương quan và phân tích hồi quy. Các biến độc lập đại diện cho nhân tố nội tại ngân hàng là tiền gửi/tài sản, quy mô ngân hàng, vốn chủ sở hữu, NIM và nợ xấu. Các biến độc lập thể hiện các nhân tố vĩ mô bao gồm lạm phát, GDP thực- RGDP, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (IPGR- industry product Growth rate). Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố nội tại ngân hàng và nhân tố vĩ mô có nhiều tác động đến ROA hơn là ROE. Nợ xấu có ảnh hưởng tiêu cực không đáng kể với ROA nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể với ROE. Tiền gửi trên tổng tài sản có mối tương quan cùng chiều không đáng kể đối với cả hai chỉ tiêu ROE và ROA. Vốn
chủ sở hữu có mối quan hệ đáng kể với ROE nhưng không có tác động đáng kể đến ROA. NIM có tác động tích cực mạnh đến khả năng sinh lời của NHTM. Bên cạnh đó, các nhân tố vĩ mô như IPGR có ảnh hưởng tích cực đáng kể trên cả hai chỉ số ROE và ROA, IPGR tăng lên làm lợi nhuận NHTM tăng lên. RGDP tăng lên có tác động tích cực mạnh mẽ đến ROA và có tác động tích cực đến ROE. Lạm phát có tác động tích cực không đáng kể vào ROE trong khi tác động tiêu cực mạnh mẽ với ROA, nghĩa là lạm phát cao làm suy giảm lợi nhuận ngân hàng.
Aremu và cộng sự (2013) nghiên cứu mối quan hệ giữa lợi nhuận và các yếu tố bên trong ngân hàng Negeria từ năm 1980-2010 bằng phương pháp đồng liên kết (co-integrated) và cơ chế hiệu chỉnh sai số (ECM – Error Correction methodology). Kết quả nghiên cứu cho thấy an toàn vốn và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Kết quả nghiên cứu cũng thể hiện kết quả về quy mô, hiệu quả chi phí không ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro tín dụng (Nợ xấu/tổng tài sản) và Vốn chủ sở hữu/tổng tài sản ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận ngân hàng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, thanh khoản ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng trong thời gian ngắn hạn, năng suất lao động chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng trong dài hạn. Kết quả nghiên cứu cũng thể hiện rủi ro thanh khoản từ biến của mô hình qua tỷ suất cho vay trên tổng tài sản, tỷ suất cho vay trên tổng tiền gửi có ảnh hưởng đáng kể với khả năng sinh lời trong hệ thống ngân hàng Nigeria trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn. Về các nhân tố vĩ mô chỉ có tăng trưởng cung tiền rộng (GRM2) là có ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận ngân hàng cả trong ngắn hạn và dài hạn, riêng yếu tố lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP thực không có bằng chứng thể hiện tương quan với lợi nhuận ngân hàng.
Susan Moraa Onuonga (2014) điều tra tác động của các yếu tố nội tại của ngân hàng đến lợi nhuận của 6 NHTM hàng đầu Kenya trong giai đoạn 2008-2013 sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu (Least square) từ bảng dữ liệu thứ cấp do NHTW Kenya phát hành và các chỉ số phát triển ngành của Ngân hàng thế giới để xác định tác động của tài sản, vốn, cho vay, tiền gửi và chất lượng tài sản đến lợi nhuận ngân hàng. Nghiên cứu này sử dụng chỉ số ROA để đo lường lợi nhuận ngân hàng. Kết quả cho thấy quy mô ngân hàng, sức mạnh vốn, chi phí hoạt động, vốn
chủ sở hữu, tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản có ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng hàng đầu Kenya. Tác giả đề nghị Chính phủ Kenya nên có chính sách khuyến khích các NHTM để tăng tài sản và vốn để nâng cao hiệu quả ngành ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cũng đề xuất các NHTM đầu tư vào các công nghệ và kỹ năng quản lý, giảm thiểu chi phí hoạt động sẽ tác động tích cực đến sự tăng trưởng và tồn tại của ngân hàng.
Ahmad Aref Almazari1 (2014) nghiên cứu các yếu tố vi mô ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Mục tiêu là để so sánh lợi nhuận của các ngân hàng Saudi và Jordan bằng cách sử dụng các yếu tố nội tại để tính toán từ các nguồn dữ liệu thứ cấp gồm 23 ngân hàng Saudi và Jordan giai đọan 2005-2011 với 161 quan sát. Tác giả sử dụng các công cụ thống kê bao gồm tương quan Pearson phân tích mô tả của phương sai và phân tích hồi quy để kiểm định giả thuyết và đo lường sự khác biệt và tương đồng theo từng đặc trưng của các ngân hàng mẫu. Kết quả cho thấy tương quan tích cực đáng kể giữa ROA của ngân hàng Saudi với TEA (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản), TIA (tổng đầu tư/tổng tài sản), LQR (rủi ro thanh khoản), cũng như tương quan âm với NCA (dư nợ tín dụng/tổng tài sản), CDR (Dư nợ tín dụng/tiền gửi), CIR (Tỷ lệ chi phí/thu nhập) và SZE (tổng tài sản). Trong khi đó, có mối tuơng quan tích cực giữa ROA của ngân hàng Jordan với các biến LQR, NCA, TEA, CDR và mối tương quan tiêu cực của ROA với CIR, TIA, SZE. Đó là khuyến cáo rằng các nghiên cứu thực nghiệm nên được thực hiện trong cùng lĩnh vực để tìm hiểu nhiều hơn về các yếu tố nào ảnh hưởng đến lợi nhụân của ngân hàng.