CÁC TRƯỜNG PHÁI NHÂN HỌC MARXIST

Một phần của tài liệu Sự khác biệt văn hóa Khoa học nhân học (Trang 68 - 72)

Trước hết, cần phải làm rõ một điều: Không có cái gọi là “trường phái nhân học Marxist”. Thay vào đó, có nhiều trường phái nhân học Marxist khác nhau. Có rất nhiều nhà nhân học theo tư tưởng Marxist, và mỗi người trong số họ vận dụng một hay một vài nguyên tắc trong hệ thống lý luận của chủ nghĩa Marx để lý giải sự khác biệt văn hóa. Tuy nhiên, do đều dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Marx, nên các cách tiếp cận của họ có một số đặc điểm chung mà tôi sẽ trình bày dưới đây.

Có hai lý do khiến tôi xếp các trường phái nhân học Marxist thành một mục riêng. Thứ nhất, trong lịch sử tồn tại của ngành dân tộc học/nhân học Việt Nam, đây là trường phái có ảnh hưởng lớn nhất và lâu dài nhất, từ khi nền dân tộc học/nhân học Việt Nam hình thành vào những năm 1950 và vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, các trường phái nhân học Marxist vẫn có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Trong khi một số trường phái được đề xướng cùng thời hoặc thậm chí là muộn hơn như thuyết khuyếch tán, chức năng hay chức năng-cấu trúc về cơ bản không còn nhiều ảnh hưởng trong giới nhân học đương đại, thì các lý thuyết nhân học theo quan điểm Marxist vẫn có sức sống riêng trong một bộ phận không nhỏ giới nghiên cứu nhân học ngày nay.

Như đã nói, có nhiều trường phái nhân học Marxist khác nhau, gắn với vai trò của những học giả tiêu biểu như Friedrich Engels (1820 - 1895), Karl Marx (1818 - 1883), Marvin Harris (1927 - 2001), Claude Meillassoux (1925 - 2005).

Quan điểm chi phối trong nhân học Marxist là văn hóa giữa các cộng đồng người trên thế giới khác nhau là do họ đang ở các giai đoạn khác nhau trên con đường phát triển từ thấp đến cao, theo các hình thái kinh tế xã hội, từ nguyên thủy đến chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, và cộng sản chủ nghĩa. Các xã hội được coi là phát triển phải có một

vài đặc điểm như có chế độ sở hữu tư nhân, chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nhà nước và chữ viết.

Các nhà nhân học Marxist cho rằng sở dĩ các xã hội phát triển với tốc độ khác nhau là do các điều kiện đặc thù về tự nhiên và xã hội trong quá trình lịch sử của từng nơi, từng vùng miền quy định.

Theo các nhà nhân học Marxist, yếu tố quyết định tốc độ phát triển của một xã hội, cũng như sự khác biệt văn hóa, chủ yếu là các yếu tố duy vật, trong đó đặc biệt là kinh tế. Marx và Engels nêu bật hai yếu tố: đó là sự phát triển của lực lượng sản xuất và đặc điểm của quan hệ sản xuất, thể hiện qua hình thức sở hữu tư liệu sản xuất. Bản thân hai yếu tố này lại do điều kiện tự nhiên cũng như quá trình lịch sử của từng nơi, từng vùng quy định.

Như vậy, có thể thấy quan điểm của nhân học Marxist có nhiều điểm tương đồng với tiến hóa luận, nhấn mạnh rằng khác biệt văn hóa là thể hiện sự khác nhau về trình độ phát triển.

Tuy nhiên, quan điểm của nhân học Marxist hoàn toàn khác với thuyết khuyếch tán. Các nhà nhân học Marxist cho rằng các xã hội khác nhau đều có khả năng sáng tạo và tự thân phát triển, chỉ khác là ở tốc độ phát triển mà thôi.

Quan điểm nhân học Marxist khác với quan điểm của Malinowski, Bourdieu hay Geertz. Theo Marx, con người là sản phẩm của lịch sử. Xã hội vận động đi lên, theo hình thức này hay hình thức khác không phải là do nhu cầu của con người cá nhân (Malinowski), hay do lựa chọn của họ (Bourdieu) hay do cách con người tư duy, cảm nhận và diễn giải về xã hội (Geertz). Các cách tiếp cận đó là dạng tiếp cận nhấn mạnh vai trò chủ quan của con người, còn Marx nhấn mạnh vai trò của yếu tố khách quan, chi phối hành động của con người. Về mặt này, các lý thuyết Marxist gần hơn với các lý thuyết nhấn mạnh vào cấu trúc. Theo đó, văn hóa khác nhau không phải do mong muốn chủ quan của con người mà là do các yếu tố bên ngoài, nằm ngoài mong muốn chủ quan của con người quyết định. So với các trường phái nhấn mạnh vào vai trò của cấu trúc trong việc hình thành văn hóa và sự khác biệt văn hóa, thì quan điểm của nhân học Marxist

cũng có nhiều điểm khác.

Quan điểm của Nhân học Marxist khác với Radcliffe-Brown. Radcliffe- Brown nhấn mạnh rằng văn hóa bị chi phối bởi tổng hòa toàn bộ các yếu tố trong cấu trúc xã hội, cả chính trị, tôn giáo, thân tộc, kinh tế, nhưng Marx và Engels chủ yếu nhấn mạnh yếu tố kinh tế, đặc biệt là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất và sức phát triển của lực lượng sản xuất. Theo Marx, các quan hệ kinh tế là yếu tố then chốt, chi phối toàn bộ cấu trúc xã hội, từ chính trị, hôn nhân, cho đến tôn giáo, nghệ thuật.

Quan điểm của Nhân học Marxist có những điểm tương đồng với thuyết tương đối của Boas, ở chỗ các nhà nhân học Marxist cũng cho rằng nguyên nhân của sự khác biệt văn hóa là do các điều kiện đặc thù của từng vùng miền quy định. Tuy nhiên, trong khi Boas cho rằng các điều kiện đặc thù đó sẽ khiến các xã hội loài người đi theo những con đường khác nhau, thì các nhà nhân học Marxist cho rằng tuy điều kiện khác nhau, nhưng mọi xã hội vẫn đi theo cùng một con đường giống nhau.

Quan điểm của nhân học Marxist cũng khác với các lý thuyết của Lévi- Strauss hay Foucault ở chỗ trong khi các trường phái kia nhấn mạnh các vai trò của các ý tưởng, các yếu tố tinh thần trong việc định hình văn hóa, thì quan điểm của nhân học Marxist nhấn mạnh vai trò của các yếu tố vật chất hay duy vật là chủ yếu.

V í d ụ

Tại sao học sinh V iệt Nam khi ở trên lớp thường có xu hướng thụ động, ít khi dám bày tỏ ý kiến mà chủ yếu là lắng nghe, tiếp nhận kiến thức của thầy cô, trong khi học sinh ở các nước Âu - Mỹ nhìn chung là chủ động và mạnh dạn bày tỏ chính kiến hơn?

Theo cách giải thích của nhân học Marxist, sự khác biệt này cho thấy sự khác biệt về trình độ phát triển giữa nền giáo dục Việt Nam và Mỹ, giữa học sinh Việt Nam và học sinh Mỹ.

Nguyên nhân của sự khác biệt này là do sự khác biệt trong điều kiện về môi trường và lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ. Hãy coi nhà trường giống như xã hội. Ở Việt Nam, do xã hội còn nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, nên người dân chưa đủ sức tự thành lập trường tư như ở Mỹ. Đa phần hệ thống trường lớp do đó vẫn là trường công, do nhà nước quản lý.

Trong hệ thống trường công, học sinh và thầy cô/hiệu trưởng có thể coi là hai “giai cấp” đối kháng. Hiệu trưởng và các thầy cô là những người nắm giữ toàn bộ các tư liệu sản xuất chủ yếu để làm ra tri thức: trường lớp, thư viện, học liệu, các phương tiện giảng dạy. Các học sinh không nắm giữ các tư liệu sản xuất đó và do đó phải chấp nhận làm theo lời của thầy cô.

Tuy nhiên, sẽ đến một thời điểm mà khả năng sáng tạo, tư duy của học sinh phát triển vượt bậc, và họ trở thành lực lượng chính sản xuất ra tri thức. Lúc này hình thức sở hữu tư liệu sản xuất hiện tại trở thành lực cản đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đến một thời điểm, mâu thuẫn giữa hai giai cấp đối kháng trở nên gay gắt đến mức không thể điều hòa được. Đó là lúc các học sinh sẽ đứng lên, giành quyền kiểm soát và điều hành. Nền giáo dục chuyển đổi từ mô hình “giáo viên làm trung tâm” sang “lấy học sinh làm trung tâm,” từ công lập sang tư thục, trong đó học sinh, phụ huynh hay hội đồng trường sẽ trở thành người sở hữu và kiểm soát các tư liệu sản xuất chủ yếu trong hệ thống giáo dục.

Theo quan điểm Marxist, lý do mô hình giáo dục Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi một phần là do lực lượng sản xuất, tức là khả năng sáng tạo, chủ động của học sinh vẫn chưa phát triển đầy đủ, hoặc do xã hội vẫn còn nghèo, chưa phát triển và người dân chưa đủ sức đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục tư nhân do họ quản lý. Một phần khác là do mâu thuẫn giữa hai giai cấp vẫn chưa đến mức không thể điều hòa được, tức là các thầy cô ở Việt Nam vẫn dành cho học sinh một số quyền tự do nhất định thay vì đòi hỏi học sinh phải phục tùng tuyệt đối. Phải đến khi nào mâu thuẫn đó lên đến đỉnh điểm, các học sinh mới nhận ra nhu cầu phá bỏ trật tự hiện thời và đứng lên để thay đổi sang mô hình mới.

3 . Đ I Ề N D Ã D Â N T Ộ C H Ọ C - P H Ư Ơ N G P H Á P N G H I Ê NCỨ U Đ Ặ C T R Ư N G CỦ A N H Â N H Ọ C

Một phần của tài liệu Sự khác biệt văn hóa Khoa học nhân học (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)