Bất chấp việc các lý thuyết theo trường phái tiến hóa luận có ảnh hưởng lớn trong giới nhân học trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chúng nhanh chóng bộc lộ nhiều hạn chế. Rất nhiều thành tựu văn hóa được các xã hội châu Âu coi là ưu việt, chẳng hạn như sở hữu tư nhân, lại tỏ ra hoàn toàn không phù hợp khi áp dụng vào các xã hội được cho là “kém phát triển” và “lạc hậu.” Nhiều tộc người ở châu Á và châu Phi, mặc dù có đời sống kinh tế tương đối đơn giản và thô sơ so với châu Âu, nhưng lại có hệ thống quan hệ họ hàng hay các nguyên tắc về hôn nhân cực kỳ phức tạp và chặt chẽ, thậm chí khiến bản thân các nhà cai trị thực dân châu Âu phải đau đầu để tìm cách lý giải. Và gắn liền với sự phát triển của tri thức của nhân loại, người ta nhanh chóng nhận ra rằng có rất nhiều thành tựu văn hóa và văn minh của nhân loại hóa ra lại được khai sinh từ những nền văn hóa được coi là “ngoại vi” và “không có khả năng sáng tạo,” thay vì từ những nền văn hóa “trung tâm”. Thuốc súng được phát minh từ Trung Quốc chứ không phải từ các nước phương Tây. Tương tự như thế, súng đại bác ở Trung Quốc, một nền văn minh được cho là “trung tâm” ở châu Á, thực ra lại có nhiều điểm được phát triển trên cơ sở “thần cơ pháo,” một vũ khí được phát minh tại Việt Nam, một nền văn hóa thường được coi là “ngoại vi” và phụ thuộc hoàn toàn vào sự khuyếch tán văn minh từ Trung Quốc. Bước sang thế kỷ 20, nhìn chung giới nhân học đã từ bỏ quan điểm cho rằng con người khác nhau đơn giản là do họ đang ở các thang bậc thấp và cao của sự phát triển. Kết quả là một nhóm các lý thuyết mới để lý giải cho sự khác biệt của văn hóa giữa con người trên thế giới đã ra đời. Trong đó, có 4 trường phái nổi bật hơn cả. Điểm chung giữa chúng là đều phản bác tiến hóa luận cũng như quan điểm cho rằng văn hóa con người khác nhau là do sự khác nhau về trình độ tiến hóa và phát triển. Thay vào đó, mỗi trường phái này cung cấp một cách giải thích khác về việc tại sao văn hóa của con người lại khác nhau.
Trường phái chức năng của Bronislaw Malinowski cho rằng văn hóa sinh ra để đáp ứng các nhu cầu của con người, và vì nhu cầu của con người mỗi nơi mỗi khác mà văn hóa khác nhau.
Trường phái chức năng-cấu trúc của Radcliffe-Brown cho rằng văn hóa là một bộ phận của xã hội và được sinh ra để đảm bảo sự tồn tại ổn định của các xã hội. Do đó, văn hóa phải phù hợp với các yếu tố khác cấu thành nên xã hội như hệ thống chính trị hay đặc trưng kinh tế. Tổng hợp các yếu tố cấu thành xã hội được ông gọi ngắn gọn là cấu trúc xã hội. Vì cấu trúc của mỗi xã hội ở mỗi nơi khác nhau, nên văn hóa khác nhau.
Sau hai trường phái trên, nhân học bắt đầu xuất hiện hai trường phái mới cũng phê phán tiến hóa luận. So với hai trường phái chức năng và chức năng cấu trúc, hai trường phái mới này có một điểm khác căn bản: đó là cho rằng sự khác biệt văn hóa không chỉ là do những gì diễn ra ở hiện tại (như nhu cầu của con người hay đặc điểm tổ chức của xã hội hiện nay) mà còn cả những gì đã diễn ra trong quá khứ, hay nói cách khác là chú ý đến tính lịch sử của văn hóa.
Trường phái tương đối văn hóa (hay đặc thù lịch sử) của Franz Boas cho rằng văn hóa là sản phẩm của quá trình lịch sử lâu dài, và được hình thành trên cơ sở sự thích nghi của con người với các điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội của từng vùng. Vì điều kiện tự nhiên - xã hội - lịch sử ở mỗi vùng khác nhau mà văn hóa khác nhau.
Trường phái cấu trúc của Claude Lévi-Strauss cho rằng văn hóa là biểu hiện ra bên ngoài của tư duy con người. Tất cả nhân loại đều có chung một cấu trúc tư duy. Cấu trúc tư duy đó là một hệ thống các nguyên lý nằm sâu trong não người ngay từ khi ra đời, quy định cách con người suy nghĩ và cảm nhận về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng nơi và tùy vào quá trình lịch sử của mỗi nhóm người mà các nguyên tắc tư duy đó được bộc lộ ra thông qua các biểu hiện khác nhau, bằng những cách thức và biểu tượng khác nhau.