6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
14.2. Nhóm nhân tố vĩ mô
a) Môi trường thể chế cho hoạt động của DNNVV:
Khu vực DNN&V là khu vực rất phát triển ở hầu hết các nước trên thế giới. Các nước đó đều có chính sách riêng, khuôn khổ luật pháp riêng và rõ ràng cho DNN&V, có cơ quan Nhà nước chuyên soạn thảo chính sách đối với DNN&V. Trong những năm qua, thông qua các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Việt nam đã có nhiều dịp tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm phát triển DNN&V với các nước trong khu vực,
trao đổi về nhu cầu hợp tác, đào tạo cán bộ, cũng như các kỹ năng tư vấn hỗ trợ DNN&V. Môi trường thể chế cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như DNNVV bao gồm các yếu tố chủ quan, do các cơ quan nhà nước đặt ra để hỗ trợ, quản lý và phát triển các doanh nghiệp và DNNVV trong nền kinh tế. Một chính sách và cơ chế đúng đắn, hợp lý sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các DNNVV. Hầu hết các nước đều phải có những chính sách ưu tiên hỗ trợ cho sự phát triển của các DNNVV. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa có khung khổ chính sách thích hợp cho loại hình DNN&V. Một số cơ quan quản lý, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, một số địa phương đã tự ban hành tiêu chí để xác định DNN&V tùy theo mục đích hoạt động của các tổ chức và cơ quan đó. Đến nay Chính phủ mới ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP, định nghĩa về DNN&V làm cơ sở cho việc phân loại, nghiên cứu và đề xuất cơ chế chính sách đối với khu vực này. Về môi trường pháp lý và các chính sách vĩ mô liên quan đến DNN&V hiện nay, có một số hạn chế chủ yếu sau đây:
- Chính sách ưu đãi đầu tư: Nhà nước đã ban hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước, trong đó có các lĩnh vực, vùng ưu tiên cho các nhà đầu tư. Chính sách ưu đãi đầu tư thể hiện thông qua việc miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, các ưu đãi về tín dụng cho các doanh nghiệp. [17;9]
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, các DNNQD chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi đầu tư do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa DNNN và DNNQD trong cả văn bản luật và các chính sách của Nhà nước, mặc dù quan điểm của Đảng và Nhà nước là đảm bảo sự phát triển bình đẳng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế.
- Về chính sách đất đai: Nhiều DNN&V thiếu mặt bằng sản xuất, nhất là ở các tỉnh và các trung tâm công nghiệp. Hiện này ở Việt Nam còn thiếu quy hoạch các khu công nghiệp tập trung dành riêng cho DNN&V và chưa có chính sách cụ thể và rõ ràng về đất đai cho hoạt động sản xuất của các DNN&V.
- Về chính sách công nghệ: Các DNN&V gặp phải những khó khăn liên quan đến thông tin như: Không hiểu biết kỹ đối tác, nhất là đối tác nước ngoài; không biết xuất xứ của công nghệ của nước ngoài cũng như các thông tin để đánh giá sự
phù hợp của công nghệ đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó chất lượng nguồn nhân lực nói chung và kỹ năng của người lao động nói riêng cũng là yếu tố quan trọng để có thể tiếp thu được công nghệ chuyển giao. Chính sách của Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở những phương hướng, chưa có chính sách, chương trình thật cụ thể cho việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài nhiều khi không có lợi cho doanh nghiệp mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mối liên hệ giữa doanh nghiệp lớn và DNN&V cũng như giữa các DNN&V với nhau trong chuyển giao công nghệ còn yếu. Ngoài ra, các chính sách vĩ mô về công nghệ vẫn còn mâu thuẫn với nhau. Thí dụ, Nhà nước luôn khẳng định khuyến khích các DN đối mới công nghệ, nhưng chế độ khấu hao tài sản đối với các doanh nghiệp lại không phù hợp. Các chính sách thuế, ưu đãi về vốn cũng chưa thực sự khuyến khích việc nghiên cứu và triển khai áp dụng công nghệ mới và chuyến giao công nghệ.
- Chính sách lãi suất và tín dụng của các ngân hàng: cùng với chính sách đất đai và chính sách công nghệ, chính sách tài chính tín dụng là một chính sách quan trọng đối với sự phát triển của các DNN&V. Trong tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, tỷ lệ dành cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã có chiều hướng tăng lên xong chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng như đóng góp của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Hiện nay các thủ tục vay tín dụng của các ngân hàng nhìn chung còn quá phức tạp. Việc thiếu các quy định về đăng ký tài sản cá nhân là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc thế chấp, cầm cố khi vay mượn. Ngoài ra các thủ tục thế chấp này vẫn có nhiều điểm chưa hợp lý như quy định về công chứng, đánh giá tài sản,…
Một thực tế đó là các ngân hàng thương mại không muốn cho các DNN&V vay vì khối lượng vốn vay nhỏ, độ tin cậy thấp, các ngân hàng không đủ cán bộ để quản lý các khoản cho vay nhỏ này. Ngoài ra, các DNN&V lại thường gặp khó khăn trong việc thế chấp tài sản, năng lực lập dự án để vay vốn… do vậy, đa số các DNN&V thường phải huy động vốn trong khu vực tài chính phi chính thức với lãi suất cao, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
b) Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt nam được bắt đầu từ đường lối mở cửa nền kinh tế tại Đại hội VI của Đảng và tiến những bước rất dài trong những
năm gần đây. Chúng ta đã gia nhập các tổ chức, liên kết khu vực như ASEAN, AFTA, APEC và mới đây nhất (7/11/2006) đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới - mái nhà chung của 152 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay.[35,5]
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO có ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung, đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và đây là quá trình tất yếu khách quan mà bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp lớn hay các DNNVV đều phải tham gia. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng đòi hỏi hệ thống doanh nghiệp (bao gồm các DNNVV) phải thích ứng nhanh chóng với các đổi thay của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp phải tham gia hội nhập vì sự sống còn của mình và sẵn sàng đương đầu với các thách thức do quá trình hội nhập tạo ra.
c) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
Thực tiễn cho thấy trình độ phát triển kinh tế - xã hội càng cao sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các DNNVV ổn định hơn, có phương hướng rõ ràng hơn, vững bền hơn.
d) Đặc điểm tâm lý, tập quán, văn hóa của mỗi vùng/miền, địa phương hay quốc gia:
Đây không phải là nhân tố ảnh hưởng mang tính quyết định đến hoạt động của các DNNVV, nhưng là nhân tố quan trọng tác động đến các hành vi trong kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các DNNVV tại mỗi địa phương, mỗi quốc gia, nhân tố trên có ảnh hưởng rõ nét hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có tầm hoạt động rộng, các tập đoàn xuyên quốc gia.
Mỗi doanh nghiệp hoạt động đều phải chịu sự tác động của các nhân tố khác nhau, nhân tố chủ quan từ chính bản thân doanh nghiệp và nhân tố khách quan xung quanh môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, DNNVV cũng không ngoài sự tác động này. Có những nhân tố tích cực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhưng cũng có những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Điều quan trọng là các DNNVV cần phải chủ động phân tích, nắm bắt được tình hình để đưa ra những quyết sách phù hợp. Sau đây, chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp các nội dung phát triển DNNVV. [7, 31]
e) Quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới đang diễn ra rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của mọi chủ thể kinh tế, trong đó có các DNN&V. Nước ta đang trong quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua việc tham gia khối và tổ chức như: ASEAN, APEC, WTO, IMF, WB và các tổ chức khu vực và quốc tế khác. Đây vừa là một thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội rất lớn và là một điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có DNN&V. Đó là việc các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngòai để thu nhập thông tin, phát triển công nghệ, tăng cường hợp tác cùng có lợi, mở rộng thị trường đầu vào và thị trường xuất khẩu. Còn thách thức đó là cùng với quá trình hội nhập thì sự bảo hộ đối với sản xuất trong nước thông qua các hàng rào thuế quan và phí thuế quan sẽ giảm dần, trong khi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các DNN&V nói riêng trên thị trường quốc tế còn rất hạn chế. Nếu không vượt qua được thách thức đó thì các DNN&V sẽ khó tồn tại ngay cả trên chính thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường thế giới.
Bên cạnh đó thị trường vốn và sự phân công lao động quốc tế là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình hội nhập... về vốn, chúng ta vẫn xác định vốn trong nước là quyết định, vốn đầu tư nước ngoài là quan trọng cho phát triển kinh tế. Hiện nay và trong những năm tới, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư trên thế giới ngày càng thiếu. Trong khi đó, các nước trong khu vực và rất nhiều nước trên thế giới tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách đưa ra các chính sách hấp dẫn. Việc thu hút vốn ĐTNN vừa tạo thuận lợi nhưng sẽ tăng mức độ cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nói chung và các DNN&V nói riêng. Một giải pháp là phải phát triển các DNN&V thông qua tự do hóa việc thành lập doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế nhằm huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi.Chính điều này đã tạo ra nguồn vốn đối ứng trong nước khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho DNN&V phát triển.