Mô hình nghiên cứu lý thuyết và giả thuyết

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc (trường hợp điểm đến miền Trung Việt Nam) (Trang 41 - 46)

Cơ sở lý thuyết làm nền tảng để đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết và giả thuyết cho nghiên cứu này là mô hình tổng quát về động cơ đi du lịch của Crompton (1979), mô hình các nhân tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn điểm đến của Woodside and Lysonski (1989), Um and Crompton (1991, 1992) và Hill (2000). Căn cứ vào những khoảng trống lý thuyết, cùng với những gợi ý của các nhà nghiên cứu, nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc đối với trường hợp điểm đến Miền Trung Việt Nam để phỏng vấn và khảo sát bao gồm: Nhóm nhân tố bên trong cá nhân (động cơ đi du lịch: Kiến thức và khám phá, giải trí và thư giản, văn hóa và tôn giáo, gia đình và bạn bè, tự hào về chuyến đi) và Nhóm nhân tố bên ngoài cá nhân (thông tin điểm đến, an toàn cá nhân, đặc trưng của điểm đến, vấn đề tài chính và kế hoạch chuyến đi). Cụ thể:

(1) Sự ảnh hưởng của nhân tố bên trong đối với quyết định lựa chọn điểm đến của du khách

Nhân tố bên trong chính là nhân tố cá nhân, nó bao gồm nhiều nhân tố. Trong đó động cơ, mục đích chuyến đi được xem là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

Động cơ đi du lịch là nhân tố bên trong thúc đẩy hoặc tạo ra mong muốn được thỏa mãn nhu cầu đi du lịch của du khách ((Crompton, 1979); (M. Uysal & Jurowski, 1994); (Klenosky, 2002)). Họ quyết định lựa chọn một điểm đến nào đó bởi tâm lý họ chỉ muốn thể hiện bản thân, hay chỉ muốn nghỉ ngơi thư giãn, muốn có thêm nhiều bạn bè, muốn thăm người thân, hay họ muốn khám phá, tìm kiếm một giá trị nào đó tại điểm đến (Decrop, 2006). Mô hình nghiên cứu của Mutinda và Mayaka (2012), xác định động cơ đi du lịch của du khách gồm: Kiến thức và khám phá; giải trí và thư giãn; Văn hóa và tôn giáo; gia đình và bạn bè; tự hào về chuyến đi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng tiếp cận mô hình của Mutinda và Mayaka (2012) để các động cơ đi du lịch của du khách (Mutinda & Mayaka, 2012b).

Về tính chất ảnh hưởng, động cơ là nhân tố quan trọng nhất của hành vi tiêu dùng du lịch; nó được xem như là lý do, động lực và mục đích nhằm chỉ đạo hành động của du khách đi theo một hướng nhất định (Mlozi, Pesamaa, & Haahti, 2013). Theo mô hình của Hill (2000), động cơ đi du lịch của du khách tác động tới việc xem xét hay quyết định với một số điểm đến yêu thích. Như vậy, quyết định lựa chọn điểm đến bị thúc đẩy bởi các động cơ hay đặc điểm cá nhân của chủ thể. Động cơ này là động cơ bên trong (động cơ đẩy) đề cập đến những nhân tố bên trong thúc đẩy hoặc tạo ra mong muốn được thỏa mãn nhu cầu đi du lịch Crompton, 1979; Uysal and Jurowski, 1994; Klenosky, 2002). Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, động cơ đi du lịch là nhân tố chính quyết định sự lựa chọn điểm đến của du khách, nên ta có thể khẳng định mối liên hệ giữa động cơ đi du lịch với sự lựa chọn điểm đến là hoàn toàn có cơ sở ((Hudson & Shephard, 1998); (Mutinda & Mayaka, 2012a)) .

Căn cứu vào các kết quả nghiên cứu trên, nghiên cứu này đưa ra các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 có tác động tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách và mang dấu (+).

(2) Sự ảnh hưởng của nhân tố bên ngoài đối với quyết định lựa chọn điểm đến của du khách:

Một là, điểm đến an toàn:

Tác giả Selby, Selby, and Botterill (2010) khẳng định vai trò quan trọng của hình ảnh điểm đến vì nó có ảnh hưởng to lớn đến quyết định đi du lịch đến một địa điểm nào đó của du khách. Những thông tin về điểm đến, kinh nghiệm của bản thân cũng như những tác động khác như biến động về chính trị, tác động của thiên nhiên... đều ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của du khách. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến khách du lịch, trong đó nhân tố an toàn được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất. Các nghiên cứu thực tế cho thấy, khách du lịch thường hay có tâm lí sợ hãi và bị tác động mạnh bởi tình hình tội phạm tại các địa điểm du lịch. Nghiên cứu của Brunt and Shepherd (2004) lại cho rằng những du khách từng là nạn nhân của các tệ nạn trong du lịch thường suy nghĩ đắn đo nhiều hơn trong những quyết định đi du lịch tiếp theo.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu này, chúng tôi đề xuát giả thuyết H6: Điểm đến an toàn có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách và mang dấu (+).

Hai là, thông tin về điểm đến:

Thông tin về điểm đến là các thông tin quan trọng về điểm đến du lịch (Mutinda & Mayaka, 2012); là các thông tin mà khách du lịch nhận được bao gồm: kinh nghiệm trong quá khứ, quảng cáo và chiến lược makerting, thông tin từ bạn bè, gia đình và xã hội (Urn & Crompton, 1990). Việc tìm kiếm thông tin được xem là nhân tố có tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn điểm đến du lịch (Jacobsen and Munar, 2012). Kết quả nghiên cứu của Laws (1995), Mutinda and Mayaka (2012b) cho thấy, các thông tin về điểm đến tích cực có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến.

Từ đây, chúng tôi đề xuất giả thuyết H7: Thông tin tích cực về điểm đến có ảnh hưởng tích cực đến quyết định k]ạ chọn điểm đến của du khách và mang dấu (+).

Ba là, đặc trưng của điểm đến:

Đặc trưng/hình ảnh của điểm đến là tổng hợp những nhận thức của khách du lịch về điểm đến thông qua quá trình tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác snhau (Beerli & Martin, 2004). Đó là ấn tượng và sự nhận thức toàn diện được tạo ra bởi điểm đến, bao gồm các đặc điểm chức năng liên quan đến khía cạnh hữu hình và các đặc điểm tâm lý liên quan đến khía cạnh vô hình của điểm đến (Echtner & Brent Ritchice, 1991). Trong nghiên cứu này, đặc điểm đặc trưng của điểm đến được kế thừa mô hình của Mutinda và Mayaka (2012), bao gồm: phong

cảnh thiên nhiên, bầu không khí du lịch, môi trường, thời tiết; các công trình lịch sử, kiến trúc; các hoạt động ngoài trời; thủ tục xin visa; chất lượng dịch vụ…

Về tính chất ảnh hưởng, các tác giả ((Haider & Ewing, 1990a); (Morey, Rowe, & Shaw, 1991); Crompton (1979); (Hsu, Tsai, & Wu, 2009a);(Schroeder & Louviere, 1999a)) cho rằng, đặc điểm/đặc trưng của điểm đến là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự lựa chọn đến đến du lịch. Baloglu and McCleary (1999)

đã chứng minh hình ảnh của điểm đến có ảnh hưởng quan trọng trong việc lựa chọn điểm đến (Bulaglu, 1999) . Prayag and Ryan (2011 ) cho rằng, hình ảnh đặc trưng của điểm đến thường được chấp nhận như là nhân tố kéo quan trọng cho sự thành công và phát triển của một điểm đến du lịch (Prayag & Ryan, 2012) . Các mô hình nghiên cứu của , (B. W. Keating and A. Kriz (2008)), Wu (2009), Mutinda và Mayaka (2012) đều khẳng định điểm đến càng hấp dẫn càng tác động lôi kéo khách du lịch tìm kiếm điểm đến.

Từ các kết quả nghiên cứu trên đây, chúng tôi đề xuất giả thuyết H8: Đặc trưng của điểm đến có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách và mang dấu (+)

Bốn là, vấn đề tài chính:

Việc du lịch luôn đòi hỏi chúng ta phải có sự tính toán kỹ càng về nhiều việc. Trong đó, vấn đề tài chính thường là vấn đề được quan tâm hàng đầu vì mỗi người sẽ có mức thu nhập và khả năng chi trả khác nhau. Theo Mutinda và Mayaka (2012), vấn đề tài chính bao gồm: điểm đến phù hợp với điều kiện tài chính; điểm đến mang lại những giá trị tương xứng với chi phí du lịch; thỏa thuận kinh tế có lợi nhất có thể nhận được.

Các tác giả Muchapondwa & Pimhidzai (2011), Phạm Hồng Mạnh (2009), Croes (2000), Uysal & Crompton (1984), Loeb (1982), Stronge & Redman (1982) và Archer (1980) nhận định nhân tố chi phí có ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch. Chi phí càng hợp lý thì nhu cầu du lịch càng tăng, từ đó ảnh hưởng đến đến quyết định lựa chọn điểm đến. Như vậy, vấn đề tài chính cũng là một nhân tố mà du khách quan tâm đến và có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của họ.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất giả thuyết H9: Vấn đề tài chính phù hợp có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách và mang dấu (+).

Năm là, kế hoạch du lịch:

Kế hoạch du lịch hay chương trình du lịch đề cập đến lịch trình các hoạt động như di chuyển, tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống. Nếu lịch trình chuyến đi

được sắp xếp hợp lý và thuận tiện, đảm bảo yêu cầu thăm quan, nhất là đối với các chương trình du lịch dài ngày có ảnh hưởng nhất định đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

Từ đây, chúng tôi để xuất giả thuyết H10: Kế hoạch du lịch có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách và mang dấu (+).

Dựa trên cơ sở lý thuyết vừa đề cập, nhóm tác giả xin đề xuất mô hình nghiên cứu dự kiến tổng quát như hình 1.1. Các nhân tố cũng như thang đo cụ thể sẽ được phân tích tổng hợp và hiệu chỉnh (nếu có) sau khi có kết quả điều tra thực tế.

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc (trường hợp điểm đến miền Trung Việt Nam) (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(96 trang)
w