7. Cấu trúc của luận án
2.1.1 Lựa chọn phương pháp nghiên cứu
2.1.1.1Phương pháp kế thừa
Luận án kế thừa kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh tế để lượng hoá tác động của thiên tai đến trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng có xét đến yếu tố BĐKH” của Đỗ Văn Quang (2021). Ngoài ra, luận án còn kế thừa những kết quả nghiên cứu khoa học, lý thuyết, thực tiễn trong và ngoài nước về thiên tai, BĐKH các phương pháp đo lường đánh giá tác động do thiên tai, BĐKH tới Cơ sở hạ tầng thủy lợi (CSHTTL) và SXNN.
2.1.1.2Phương pháp chuyên gia
Phương pháp này tiếp cận tri thức của các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm trong các nội dung nghiên cứu nhằm bổ sung và hoàn thiện những phân tích, đánh giá nhằm giúp nghiên cứu có cái nhìn tổng quát và đầy đủ hơn về vấn đề nghiên cứu cũng như để kiểm tra tính phù hợp và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu (Dụa trên kinh nghiệm quốc tế từ Ariel Dinar, 2011 [39]). Các buổi làm việc, sinh hoạt khoa học với các chuyên gia, nhà khoa học sẽ thực hiện để lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia nhằm thảo luận về các kết quả ước lượng, làm tiền đề đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó và giảm thiểu tác động do thiên tai đến trổng trọt. Tham vấn ý kiến chuyên gia sau khi xây dựng bảng hỏi để hoàn thiện và đưa ra bảng hỏi chính thức.
Trong nghiên cứu này, phương pháp chuyên gia được sử dụng cho các hoạt động sau: Tham vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về nông nghiệp, phát triển nông thôn, thủy lợi, phòng chống thiên tai để thảo luận về các kết quả ước lượng thiệt hại do thiên tai gây ra cho trồng trọt hộ gia đình.
Tham vấn ý kiến chuyên gia từ cấp Trung Ương đến địa phương về các giải pháp đề xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cho trồng trọt hộ gia đình.
Sau khi xây dựng bảng hỏi sơ bộ, tác giả tham vấn ý kiến của chuyên gia về xã hội học, kinh tế học, quản lý kinh tế để hoàn thiện bảng hỏi.
2.1.1.3Phương pháp phân tích tổng hợp
Luận án sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp trong việc phân tích, đánh giá những kinh nghiệm trong nước và nước ngoài liên quan đến thiên tai, các phương pháp đo lường đánh giá tác động do thiên tai, BĐKH tới hoạt động nông nghiệp nhằm rút ra các ưu nhược điểm của từng hướng nghiên cứu và tìm được khoảng trống nghiên cứu. Phương pháp phân tích tổng hợp được sử dụng trong việc thu thập số liệu thứ cấp và sơ cấp. Số liệu thứ cấp trong luận án được gọi là dữ liệu mảng - dữ liệu thống kê theo chuỗi thời gian về tình hình SXNN, thiên tai. Số liệu này được thu thập từ Tổng cục thống kê (GSO), báo cáo của tỉnh Nghệ An. Số liệu sơ cấp là dạng dữ liệu chéo - dữ liệu đi thu thập tại các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Luận án sử dụng phương pháp này trong việc phân tích số liệu để xây dựng mô hình kinh tế lượng phù hợp trong việc lượng hóa thiệt hại do thiên tai gây ra cho trồng trọt. Ngoài ra, luận án sử dụng trong việc tổng hợp kết quả chạy mô hình và đề xuất giải pháp.
2.1.1.4Phương pháp mô hình hoá
Dựa trên tổng quan nghiên cứu có thể thấy mỗi mô hình đều có các ưu điểm và nhược điểm khác nhau và phản ánh các mức độ phức tạp khác nhau tuỳ theo đặc thù và bối cảnh áp dụng nhất định. Trong đó các mô hình cân bằng riêng mà điển hình là mô hình Ricardo thường được lựa chọn để đánh giá tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu trong một thị trường cụ thể trong khi mô hình cân bằng tổng quát thường áp dụng cho các nghiên cứu trên toàn bộ thị trường. Các nghiên cứu nước ngoài sử dụng mô hình Ricardo để đánh giá tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu đến nông nghiệp được ứng dụng khá nhiều.
Qua nghiên cứu các đề tài trong nước tại Mục 1.2.2 “Tổng quan nghiên cứu các
phương pháp đánh giá tác động do thiên tai và biến đổi khí hậu đến trồng trọt” có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp thì chưa có phương pháp mô hình kinh tế lượng Ricardo với các biến số đầu vào là thiên tai (bão, hạn, mặn) và BĐKH (thời tiết, nhiệt độ). Mặc dù, đã có 02 đề tài của Lan Hương (2018) và của tổ chức UNDP dùng mô hình Ricardo nhưng biến lại không có thiên tai (bão, hạn, mặn). Ngoài ra, đề tài của Lực và
Hòa (2017) có dung mô hình hồi quy đa biến OLS, nhưng không có biến là thiên tai (bão, hạn, mặn)
Từ luận giải ở trên và với mục tiêu luận án là xây dựng các mô hình kinh tế lượng hóa tác động do thiên tai đến trồng trọt có xét đến yếu tố BĐKH, đo lường thiệt hại bằng mô hình kinh tế lượng; từ đó đề xuất ưu tiên đầu tư, giải pháp giảm thiểu tác động tại tỉnh Nghệ An. Do vậy, luận án sử dụng mô hình Ricardo để lượng hoá tác động do thiên tai (bão, hạn, mặn) và BĐKH (lượng mưa, nhiệt độ) đến trồng trọt và mô hình hồi quy đa biến OLS để đánh giá tác động các biện pháp ứng phó đến hoạt động trồng trọt của hộ nông dân.
Cụ thể như sau:
(1) Mô hình Ricardo dạng dữ liệu chéo để lượng hóa tác động tích cực, tiêu cực do thiên tai và BĐKH, đánh giá cường độ tác động các yếu tố có tính đến các biện pháp ứng phó và loại cây trồng. Tính toán thiệt hại về doanh thu hộ nông dân lĩnh vực trồng trọt theo từng yếu tố thiên tai, BĐKH và theo các kịch bản BĐKH khác nhau.
(2) Mô hình OLS dạng dữ liệu chéo để đánh giá tác động của các biện pháp ứng phó đến hộ nông dân trồng trọt để xem các nhân tố tích cực và tiêu cực tác động đến việc lựa chọn các biện pháp ứng phó. Đánh giá tác động các biện pháp ứng phó đến trồng trọt của hộ nông dân.