đoạn 2010 – 2019
2.3.1. Thành tựu và nguyên nhân
2.3.1.1. Thành tựu
Nhằm phát huy những tiềm năng và lợi thế vốn có để phát triển du lịch,
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 1997 - 2010, điều
chỉnh định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt; cùng với Quyết định số 2161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy
hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" với các nội dung cơ bản làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ
đạo, quản lý các hoạt động của ngành du lịch trên phạm vi toàn tỉnh. Nội dung quy hoạch đã có những định hướng quan trọng cho phát triển du lịch tỉnh thời gian qua. Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Triển khai thực hiện các kế hoạch, các dự án đầu tư cho du lịch, từ đó tổng kết rút ra được các thành công đạt được như sau:
Ngành du lịch đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác để phát triển du lịch, đem lại hiệu quả trên nhiều mặt kinh tế xã hội và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tham gia hữu hiệu vào quá trình thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực và thế giới. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2019 đạt 10,99%; trong đó: nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,58%, công nghiệp và xây dựng tăng
21,94%, dịch vụ tăng 5,16%. GRDP bình quân đầu người đạt 61,08 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 13,63%, công nghiệp - xây dựng 43,22%, dịch vụ 43,15%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.811 tỷ đồng.
Thị trường khách du lịch ngày càng được mở rộng, doanh thu về du lịch, thu nhập xã hội từ du lịch, đóng góp ngân sách Nhà nước ngày càng có mức tăng trưởng cao, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch của đất nước. Cụ thể:
Về khách du lịch, số lượng khách du lịch đến tham quan, du lịch tỉnh Hà Tĩnh tăng cao và tăng nhanh chóng. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018, tổng lượt khách tham quan du lịch đến Hà Tĩnh đạt hơn 28,5 triệu lượt. Tổng lượt khách lưu trú du lịch đạt hơn 9,5 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt gần 150 ngàn lượt, nội địa đạt hơn 9,3 triệu lượt. Riêng năm 2018, tổng lượt khách tham quan đến Hà Tĩnh đạt 3.700.000 lượt khách, trong đó lượng khách lưu trú ước đạt 1.600.000 lượt khách, tăng 14,2 % so với năm 2017; khách lưu trú quốc tế ước đạt 25.000 lượt khách, tăng 13,6% so với năm 2017 và khách lưu trú nội địa ước đạt 1.575.000 lượt khách, tăng 16 % so với năm 2017. Riêng năm 2019, tổng lượt khách tham quan du lịch 3.850.000 lượt, trong đó khách lưu trú du lịch là 1.750.000 lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018, (khách quốc tế là 30.000 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018).
Tổng thu xã hội từ các hoạt động du lịch giai đoạn năm 2010 đến tháng 12 năm 2018 đạt hơn 32,700 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,07% doanh thu toàn tỉnh. Nhìn chung, tổng thu xã hội từ các hoạt động du lịch tập trung nhiều ở dịch vụ ăn uống chiếm tỷ lệ cao nhất bình quân hơn 80%, tiếp đến là doanh thu từ lưu trú 10%, thu từ lữ hành, vui chơi giải trí chiếm tỷ trọng không đáng kể. Doanh thu dịch vụ du lịch năm 2018 ước đạt 5.601,14 tỷ đồng tăng 15% so với năm trước, chủ yếu tập trung vào nhóm dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ
hành. Và đến năm 2019, doanh thu xã hội về du lịch đạt gần 5.600 tỷ đồng. Cho thấy, ngành du lịch Hà Tĩnh có những bước phát triển mạnh, mang lại tăng trưởng cho kinh tế tỉnh nhà.
Hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, một số dự án đầu tư đưa vào hoạt động đã tạo nên diện mạo và sự phát triển mới cho du lịch Hà Tĩnh như: tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót, Trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup, Trung tâm dịch vụ giải trí đua chó, sân golf Xuân Thành. Các dự án đầu tư của Tập đoàn BMC, FLC, T&T cùng rất nhiều dự án resort, khách sạn với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang tiến hành làm thủ tục để được cấp đất khởi công xây dựng.
Về cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm thương mại, đơn vị vận tải. Đến nay, toàn tỉnh có 265 khách sạn, nhà nghỉ với trên 5.000 phòng (trong đó có 02 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 03 khách sạn 4 sao, 07 khách sạn 3 sao, 22 khách sạn 2 sao); 07 hệ thống nhà hàng và 02 trung tâm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Có 13 đơn vị lữ hành quốc tế, 06 chi nhánh, đại lý lữ hành quốc tế (năm 2015 chỉ có 8 đơn vị lữ hành), 06 doanh nghiệp vận tải du lịch (năm 2015 chỉ có 2 doanh nghiệp). Hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch như các khu du lịch, các khách sạn nhà hàng, khu vui chơi giải trí,... đang từng bước được nâng cấp, xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, góp phần tạo nên diện mạo mới cho tỉnh.
Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động: Ngành du lịch phát triển đã thu hút số lượng lớn lực lượng lao động, góp phần giải quyết sức ép thất nghiệp. Hiện nay, du lịch Hà Tĩnh có trên 3.900 lao động trực tiếp và xấp xỉ 13.200 lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Đội ngũ lao động trong ngành du lịch tỉnh Hà Tĩnh ngày càng tăng số lượng, đảm bảo về chất lượng ngày càng phù hợp hơn. Nâng cao đời sống của
người dân, đáp ứng đầy đủ đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho dân cư. Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cũng đã được Trung tâm Quảng bá, Xúc tiến Văn hóa Du lịch triển khai mạnh mẽ và để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách về hình ảnh du lịch Hà Tĩnh thân thiện và hấp dẫn, tiêu biểu như:
+ Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước Tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Hà Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, các tỉnh Tây Bắc, Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ Thanh Hóa - Nghệ An - Quảng Bình...Tham gia chương trình quảng bá du lịch các tỉnh Bắc Miền Trung tại thủ đô Viên Chăn, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và tỉnh UDonthani, Vương quốc Thái Lan.
+ Ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch; liên kết, hợp tác kết nối tour đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ đến tỉnh Hà Tĩnh và ngược lại; phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và tham gia các sự kiện du lịch hàng năm của mỗi bên.
+ Tuyến du lịch trong nước và quốc tế đã được liên kết; phối hợp với các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ xây dựng bản đồ liên kết, khai thác lợi thế về hành lang kinh tế Đông - Tây trên tuyến Quốc lộ 8A và đường 12, tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; hợp tác với các tỉnh trong khu vực theo chủ đề “4 địa phương một điểm đến”.
+ Thông qua các chương trình hợp tác 09 tỉnh của 03 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng chung Quốc lộ 8A và đường 12, Hà Tĩnh đã kết nối các khu du lịch: Thiên Cầm, Xuân Thành..., các khu di tích (Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc) với suối nước nóng Lacxao, du lịch bản Nacoi, hang đá núi Thenchau của Bolykhamxay và khu bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia Nakai
- Nam Theun của tỉnh Khăm Muộn (Lào) để tạo thành tour du lịch theo Quốc lộ 8 qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cha Lo (Quảng Bình).
+ Xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc: Chương trình sân khấu ca kịch Dân ca Nghệ Tĩnh “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”; Chương trình nghệ thuật mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông; tham gia Chương trình Festival “Về miền Quan họ - 2019. Đây là những sự kiện văn hóa, lịch sử trọng đại và là cơ hội để du lịch Hà Tĩnh quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Góp phần phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc.
Việc phát triển du lịch không thể tách rời khỏi các giá trị văn hoá truyền thống: Hoạt động du lịch đã có tác động tác động tích cực đến việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, nhiều di tích được phục hồi thành công để phục vụ mục đích tham quan du lịch. Đồng thời đánh thức các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và làm nên thương hiệu sản phẩm du lịch Hà Tĩnh.
Qua đó, góp phần phát huy, gìn giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nổi bật như: Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Trò Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa Sứ Trình đồ đã được phát huy đưa vào phục vụ du lịch. Củng cố, xây dựng nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh vừa để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, tạo không gian diễn xướng phục vụ khách du lịch. Đến nay toàn tỉnh có 98 câu lạc bộ dân ca Ví - Giặm, 02 câu lạc bộ Ca Trù, 01 câu lạc bộ Trò Kiều, trong đó có 15 câu lạc bộ có hoạt động phục vụ khách du lịch.
2.3.1.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của những thành công trên là:
Thứ nhất, do Hà Tĩnh có nhiều lợi thế về các điều kiện cũng như có
nước cũng như một số nước khác trong khu vực.
Thứ hai, do đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước theo cơ chế
thị trường, với quan điểm mở: "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước".
Thứ ba, do định hướng, chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và Nhà
nước với quan điểm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ tư, do bối cảnh chính trị quốc tế có nhiều thay đổi, xu thế hoà bình hữu nghị hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia trong khu vực và trên thể giới ngày càng gia tăng.
Thứ năm, do nhận thức của xã hội về vai trò của ngành du lịch trong sự
phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của Hà Tĩnh nói riêng ngày càng đầy đủ hơn.
Thứ sáu, do trình độ và năng lực kinh doanh của các chủ thể kinh doanh du
lịch ở Việt Nam trong đó có Hà Tĩnh ngày càng chuyên nghiệp hơn. CSVCKT du lịch được đầu tư nâng cấp, đội ngũ lao động được đào tạo khá cơ bản.
Cuối cùng, là do chiến lược quy hoạch, đề án quy hoạch phát triển du
lịch được triển khai, thu hút và kêu gọi đầu tư thành công nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Hạn chế
Ngành du lịch Hà Tĩnh trong thời gian qua tuy đã có nhiều cố gắng và đã đạt được nhiều thành tựu hết sức cơ bản. Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, du lịch Hà Tĩnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp. Những tồn tại trong thời gian qua cũng là những thử thách trong thời gian tới đối với toàn ngành biểu hiện ở một số phương diện sau:
Về khách du lịch: Lượng khách du lịch còn ít so với nhiều địa phương khác trong cả nước; đặc biệt là khách du lịch quốc tế và thời gian lưu lại của
khách còn ngắn, mức chi tiêu thấp. Thu nhập từ du lịch và giá trị gia tăng GDP còn thấp, đóng góp của ngành trong cơ cấu GDP dịch vụ và tổng GDP toàn tỉnh còn khiêm tốn. Mức tăng khách du lịch chưa ổn định qua các năm, cụ thể vào năm 2016, khi có sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra đã gây ra nhiều ảnh hưởng cho vấn đề phát triển du lịch.
Về sản phẩm du lịch: Năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch Hà Tĩnh còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực. Sản phẩm du lịch còn đơn giản, chưa có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa khai thác, phát huy được tiềm năng sẵn có về tài nguyên du lịch và các giá trị di sản văn hóa - lịch sử, tâm linh vào phục vụ du khách. Chưa tạo được hình ảnh du lịch ấn tượng đối với thị trường khách trong nước và quốc tế.
Tại các khu, điểm du lịch còn thiếu các loại hình dịch vụ bổ sung và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca Ví Giặm, ca Trù, các lễ hội để thu hút và tăng chi tiêu của khách du lịch. Đặc sản địa phương được giới thiệu cho khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu về hình thức, bao bì, nhãn mác. Sự cạnh tranh không lành mạnh trong du lịch vẫn còn nhiều, phát triển du lịch còn thiếu bền vững. Doanh thu về hoạt động du lịch và đóng góp vào ngân sách tỉnh còn ở mức thấp.
CSVCKT ngành du lịch và CSHT phục vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu thốn, còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu:
+ Hệ thống giao thông, các đường dẫn đến các điểm du lịch vẫn còn bất cập, chưa được quy hoạch, xây dựng nâng cấp lại.
+ Các yếu tố hạ tầng khác: Hệ thống cung cấp điện chưa ổn định, giá cao, chưa đảm bảo cung cấp liên tục cho các cơ sở du lịch. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp không được xử lý an toàn trước khi đưa về môi trường gây nên ô nhiễm môi trường. Cơ sở vui chơi giải trí còn kém hiện đại, quy mô còn nhỏ.
+ Số lượng và chất lượng các CSLT, các nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi còn ít và chưa đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của du khách.
Về nguồn nhân lực: Đội ngũ cán bộ quản lý và lao động trong ngành du lịch còn thiếu và yếu, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; năng lực quản trị hạn chế; các cơ sở lưu trú du lịch đang sử dụng phần lớn lao động chưa đạt tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phục vụ du khách.
Tại các cơ sở hoạt động du lịch: Công tác tổ chức, sử dụng lao động chưa khoa học dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao. Hoạt động lữ hành quy mô còn nhỏ, cầm chừng còn thiếu về số lượng và chất lượng, chưa có tính liên kết, đồng bộ giữa các địa phương, dẫn đến việc triển khai các tour, tuyến du lịch còn nhiều hạn chế.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đào tạo nghề còn hạn chế. Hướng dẫn viên, thuyết minh tại các khu, điểm du lịch còn yếu về chuyên môn, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là khả năng giao tiếp và ứng xử bằng ngoại ngữ để tạo sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan.
Về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chậm đổi mới, chưa đa dạng trên các kênh thông tin; chưa cung cấp thường xuyên, đầy đủ, kịp thời nội