3.2.1. Giải pháp về cơ chế chính sách
Cơ chế chính sách có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lich. Chính vì vậy, cần hoàn thiện và áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực về thuế, đầu tư, đào tạo nhân lực, thị trường,... nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh. Để đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới, du lịch Hà Tĩnh cần thực hiện những cơ chế chính sách cụ thể như:
- Ưu tiên đầu tư hạ tầng khung của các khu du lịch, các điểm du lịch quốc gia và các điểm du lịch tiềm năng được định hướng trong quy hoạch du lịch của tỉnh. Từ đó để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các công trình vật chất kỹ thuật, sản phẩm dịch vụ,...
- Ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện với môi trường.
- Khuyến khích đầu tư vào phát triển các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, mạo hiểm vì hiện nay trên địa bàn còn có rất ít các cơ sở, trung tâm vui chơi giải trí, chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan du lịch của du khách. Hỗ trợ về thuế nhập khẩu trang thiết bị kỹ thuật công nghệ các loại hình du lịch trên.
- Tạo cơ chế thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, có chính sách khuyến khích đảm bảo an toàn về vốn cho người đầu tư và đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút được các nhà đầu tư.
- Có chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn, miễn giảm thuế thu nhập có thời hạn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Điều chỉnh lại các chính sách đất đai và giá thuê đất cho các dự án đầu tư vào những lĩnh vực du lịch.
- Cải tiến thủ tục hành chính, ưu tiên xét duyệt cấp giấy phép nhanh chóng cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tập trung tất cả các loại "giấy phép mẹ, giấy phép con" về một đầu mối, thực hiện cơ chế "một cửa", rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư để giảm bớt thời gian và phiền hà cho các nhà đầu tư.
Thực hiện các giải pháp trên, yêu cầu cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, Ban, ngành cụ thể:
- Ban Chỉ đạo nhà nước về Du lịch: Chỉ đạo hoạt động của các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng trong việc giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch. Bên cạnh đó, chủ trì xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia trên địa bàn.
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã: Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như:
+ Chủ động triển khai và mở rộng liên kết với các địa phương trên địa bàn vùng trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
+ Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng.
3.2.2. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư
- Huy động từ nhiều nguồn khác nhau như:
+ Vốn trong nước: Huy động tôi đa nguồn lực tài chính trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước để đảm bảo tăng nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác.
+ Vốn đầu tư nước ngoài: thông qua hình thức liên doanh liên kết với nước ngoài, từ các dự án đầu tư nước ngoài. Đặc biệt ưu tiên các nhà đầu tư là Việt kiều có tâm huyết.
- Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương) cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần được tận dụng tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch tỉnh nhà. Trước hết phải ưu tiên đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng (các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông,...) và cơ sở vật chất - kỹ thuật (hệ thống lưu trú, cơ sở ăn uống, các cơ sở vui chơi giải trí và các cơ sở dịch vụ khác,…) tại các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, cụ thể là khu du lịch biển Thiên Cầm, khu lưu niệm Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc...; các khu vực có tài nguyên du lịch ở các vùng sâu vùng xa như khu vực Vũ Quang với vườn quốc gia Vũ Quang, khu cửa khẩu Cầu treo, suối nước nóng Sơn Kim…Việc đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kĩ thuật tại những khu vực trên là điều hết sức cần thiết
để thu hút khách du lịch đến với Hà Tĩnh, kéo dài thời gian lưu trú của khách cũng như đa dạng nguồn thu cho hoạt động du lịch, tạo hình ảnh và sức quảng bá cho ngành du lịch Hà Tĩnh.
- Đầu tư bảo vệ, tôn tạo tài nguyên, môi trường tại các khu du lịch, đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Việc đầu tư bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, môi trường là hết sức cần thiết để đảm bảo tính bền vững cho các điểm du lịch. Khi hoạt động du lịch được mở rộng, lượng khách đến các điểm du lịch ngày càng tăng thì kéo theo đó là sự tổn hại, hao mòn đến các di tích lịch sử văn hóa, sự ô nhiễm, suy giảm môi trường tại các khu du lịch tự nhiên biển, sinh thái rừng,…ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động cũng như tính lâu bền của các điểm, khu du lịch. Tài nguyên du lịch Hà Tĩnh hiện này tuy vẫn giữ được vẻ hoang sơ và trong lành nên việc đầu tư vào lĩnh vực này là hết sức cần thiết để bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên môi trường du lịch.
- Cần đẩy mạnh xúc tiến, thu hút và có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thu hút nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Coi đây không chỉ là kênh huy động nguồn vốn đầu tư mà còn là kênh tiếp thu chuyển giao công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, đồng thời là thị trường gửi khách du lịch.
- Cần đa dạng hóa các loại hình đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi, áp dụng thông thoáng cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho các khu du lịch quốc gia thông qua mô hình BT, BOT; khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lí và tài nguyên du lịch gắn với các công trình đầu tư du lịch
3.2.3. Giải pháp về nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực du lịch Hà Tĩnh hiện nay đang trong tình trạng thiếu và chất lượng chưa cao. Vì vậy cần phát triển đủ lực lượng lao động cần thiết
theo nhu cầu phát triển qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển đủ số lượng cần đảm bảo đúng cơ cấu ngành nghề, đảm bảo hài hòa mối tương quan giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư chuyên sâu nghề cho đội ngũ lao động bằng nhiều hình thức ở trong và ngoài nước; thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo; tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong đào tạo du lịch.
- Đối với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, Hà Tĩnh cần liên kết với các cơ sở đào tạo tại các trung tâm lớn như Hà Nội, Huế,… và các cơ sở ở nước ngoài. Bên cạnh đó, phối hợp với Đại học Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du để tăng cường công tác đào tạo nhân lực tại chỗ.
- Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng dựa trên việc mở rộng các loại hình đào tạo, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về du lịch, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ phục vụ khách du lịch, giao tiếp ngoại ngữ…kết hợp với việc phổ biến kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng trong nước và thế giới cho các chủ hộ làm du lịch.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Chú trong nâng cao hiểu biết truyền thống lịch sử văn hóa Hà Tĩnh, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp nhất là tinh thần, thái độ và trách nhiệm cho lực lương lao động.
3.2.4. Giải pháp về quy hoạch và đầu tư
Tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng tâm để đầu tư phát triển, cụ thể:
+ Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh: Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, chùa Hương Tích,Ngã ba Đồng Lộc, đền Chợ Củi, thành Sơn phòng Hàm Nghi.
+ Du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng: Khu du lịch Nước Sốt - Sơn Kim, quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, vườn quốc gia Vũ Quang gắn hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, thác Vũ Môn, Rào Àn.
- Tiếp tục rà soát toàn bộ các quy hoạch xây dựng khu, điểm du lịch đã được phê duyệt, đối chiếu với các quy hoạch có liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung đảm bảo sự đồng nhất giữa các quy hoạch. Trong đó, ưu tiên tối đa quỹ đất để phát triển du lịch, trên nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
- Quy hoạch và triển khai các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, tuyến mua sắm, ẩm thực ở trung tâm thành phố Hà Tĩnh.
- Công tác quản lý quy hoạch, đóng mốc xác định ranh giới, công bố, cung cấp thông tin các quy hoạch du lịch đã được phê duyệt để các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện và người dân tham gia giám sát việc thực hiện.
- Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản, theo hướng du lịch bền vững, tránh tình trạng xây dựng tràn lan, tự phát.
3.2.5. Giải pháp về quản lý tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường
Hiện nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã gây ra một số bất ổn về môi trường, đặc biệt là ở các khu, điểm du lịch biển (Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải), rác thải, ô nhiễm nguồn nước không ngừng gia tăng ở các vùng biển này. Nếu không quản lý tốt sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến sự phát triển bền vững của mọi ngành kinh tế, trong đó có du lịch.
Chính vì vậy để góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực do các hoạt động du lịch gây nên, tạo ra môi trường du lịch lành mạnh, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững cho tỉnh, cần thiết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo du lịch tỉnh Hà Tĩnh phát triển bền vững.
- Cần xây dựng nội quy, quy chế cụ thể, hợp lý giữa khai thác, kinh doanh du lịch với việc bảo vệ tài nguyên môi trường và việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí, ý thức cho cộng đồng dân cư và khách du lịch. Có hình thức thưởng, phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường.
- Thực hiện lồng ghép các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức với các nội dung cụ thể thiết thực, dễ hiểu, thể hiện các nội dung về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia hoạt động du lịch, coi việc gìn giữ tài nguyên để phát triển du lịch là tài sản sinh lời của mọi người dân trong khu vực không chỉ trước mắt mà còn cho giai đoạn lâu dài.
- Phải xây dựng quy hoạch sử dụng, bảo vệ hệ thống tài nguyên trên địa bàn tỉnh, trong đó cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu đặt ra đối với việc sử dụng tài nguyên; kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc sử dụng tài nguyên, tránh sử dụng quá mức gây nguy cơ cạn kiệt, suy giảm hoặc xuống cấp nghiêm trọng tài nguyên.
- Đối với các tài nguyên du lịch nhân văn, cần thực hiện các biện pháp cụ thể như xây dựng quy chế quản lý khách du lịch, nội quy lễ hội, các bộ quy tắc ứng xử..., tuyên truyền để du khách tôn trọng và có thái độ ứng xử văn hoá với các tài nguyên du lịch nhân văn; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, môi trường xã hội truyền thống của cộng đồng khi tham gia hoạt động du lịch.
- Sử dụng tài nguyên nước theo hướng khai thác đa mục tiêu và chuỗi giá trị gia tăng. Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư khai thác du lịch sinh thái trên các hồ, đập Thủy lợi như: Hồ kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên); Hồ Nhà Đường (Can Lộc); Hồ Trại Tiểu (Can Lộc); Hồ Sông Rác (Kỳ Anh)… kết hợp với du lịch văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo
3.2.6. Giải pháp về xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng
- Đẩy mạnh tiến độ dự án “ Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát huy
thương hiệu sản phẩm riêng có của từng địa phương.
- Cần đẩy công tác mạnh nghiên cứu thị trường, thị hiếu của du khách, nghiên cứu bản sắc văn hóa và tính đặc thù của địa phương để xây dựng sản phẩm mang tính độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch.
- Phát triển sản phẩm theo chuỗi, có chiều sâu, tạo sản phẩm có thương hiệu của vùng, khác biệt riêng có, tránh lặp lại ở mỗi điểm. Xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù, tạo lợi thế so sánh của tỉnh Hà Tĩnh so với các tỉnh khác. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các mô hình gắn với xây dựng nông thôn mới và mô hình nông nghiệp như mô hình Rau củ quả ở Thạch Văn, mô hình nuôi hươu ở Hương Sơn, mô hình nông thôn mới ở Nghi Xuân…
- Xác định rõ sản phẩm du lịch chủ lực để tập trung đầu tư, khai thác; tập trung đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm du lịch bổ sung như du lịch công vụ, du lịch cộng đồng.
- Chú trọng khai thác các giá trị di sản văn hoá như: Truyện Kiều - Nguyễn Du, ca Trù, dân ca Ví, Giặm, Mộc bản trường học Phúc Giang, các lễ hội văn hoá để phát triển du lịch. Đồng thời, phát triển du lịch để tôn tạo, gìn giữ, quảng bá, nâng tầm, phát huy giá trị văn hoá của Hà Tĩnh. Phát triển các