Tầng lớp quý tộc nhỏ sa sút – những trải nghiệm xót xa

Một phần của tài liệu Tài liệu Các mô hình tượng trưng trong văn xuôi Ivan bBunin (Trang 36 - 38)

Nói đây là những trải nghiệm xót xa bởi lẽ bản thân I.Bunin đã xuất thân từ tầng lớp ấy. Khi ông còn nhỏ, gia đình quý tộc lâu đời của ông đã lụn bại, buộc phải chuyển về một vùng quê ở Orlov. Ông lớn lên ở đó giữa cảnh nghèo khổ, thiếu thốn cũng như những ký ức, dấu vết về một quá khứ vàng son của dòng họ. Sự xót xa, nuối tiếc thậm chí đau đớn khi chứng kiến gia đình mình, làng quê mình đang ngày một khánh kiệt, tàn tạ… là những cảm giác rất thật mà bản thân nhà văn đã trải qua.

Trong hệ thống nhân vật của Bunin, loại hình nhân vật quý tộc nhỏ sa sút xuất hiện không thường xuyên và nổi bật như hình tượng người phụ nữ; không khơi gợi những cảm giác xót thương của người đọc như những “con người nhỏ bé”. Tuy vậy, đây lại là những hình tượng mang đến giá trị hiện thực rất rõ rệt cho tác phẩm của nhà văn: ghi lại dấu vết lịch sử của thời đại, gương mặt của những giai cấp trong thời điểm giao thoa, nhiều biến động ở nước Nga nửa đầu thế kỷ XX.

Hình ảnh giai cấp điền chủ, quý tộc nhỏ sa sút gắn liền với khung cảnh những trang trại tiêu điều, xơ xác, tan hoang. Nơi đó còn sót lại dấu ấn của một quá khứ vàng son: “cổng lò rèn và kho chứa củi, vựa thóc và chuồng ngựa, đều đã mở toang hoang: đâu đâu cũng đều trống rỗng, trơ trụi” [20;119]; “Giấy đã phai, đã bạc màu, nhưng còn mang nhiều hình bầu dục, hình vuông sẫm. Căn buồng này trước đây bao giờ cũng treo các ảnh in trên kim loại và vài bức tranh khắc cổ kính nho nhỏ và ở một góc buồng là những tượng thánh” [20;120]. Trong bối cảnh ấy, chân dung người điền chủ được khắc họa méo mó, thảm hại, nặng nề, từ ngoại hình: “bộ mặt ngăm đen, nặng trịch, một bộ mặt đầy những đường hằn và những vết nhăn hằn học, với bộ ria nhuộm màu xanh đen; đôi mắt long lanh một cách khắc nghiệt” [20;121]; đến sự méo mó của tâm hồn vì giận dữ, ích kỷ, hận thù vô cớ: “Voeikov lấy gậy phang vào một khung cửa sổ rồi phang sang chiếc khác…” [20;120]. Đó là hiện thân của lớp địa chủ khánh kiệt, hết thời, buộc phải bán đi mảnh đất, cơ ngơi cha ông. Quá khứ lừng lẫy đã khép lại với cả một thế hệ. Hành động ra lệnh xử tử lũ chó là đỉnh điểm của sự tức giận, bất đắc chí của một giai cấp buộc phải từ bỏ vị thế của mình. Tuy thế, đến lượt nó, hình ảnh lũ chó giãy giụa, chống chọi một cách tuyệt vọng lại được coi là biểu tượng cho sự giãy chết của chính giai cấp ấy. Cái kết cục quá đau đớn: “con chó bị lôi hẫng hai chân sau lên co giật và quằn quại hai chân trước, cố níu lấy đám đất lổn nhổn (…) cái lưỡi tím đen của nó thè ra, mặt nó nhăn nhó để lộ ra hai hàng lợi màu san hô, ánh nắng ban ngày phản chiếu trong cặp mắt màu nho lờ đờ của nó đã bắt đầu mờ mịt đi” [20;124]. Và những kết luận rút ra thì quá xót xa: “Chó thì cũng như người, người hơn chó nhiều mà còn bị xử tử nữa là” [20;125]. Xét về mặt biểu tượng, theo quan niệm của rất nhiều nước trên thế giới, chó có “chức năng dẫn hồn, dẫn dắt con người trong bóng đêm của cõi chết, sau khi nó đã là bạn đường của con người trong ánh sáng ban ngày của cuộc đời” [25;181]. Như vậy, việc giải mã hình ảnh những con chó bị treo lủng lẳng trên rặng cây vào lúc chập choạng tối như là một dấu hiệu giao thoa giữa hai giai đoạn với hai giai cấp đại diện là rất hợp lý: nơi kết thúc của quá khứ cũng chính là thời điểm bắt đầu của hiện tại.

Chính tại điểm giao thoa ấy, nhà văn viết về một khởi đầu với sự xuất hiện của một giai cấp mới thông qua hình ảnh “bác thị dân Rostovsev”: “Cả ông cũng cúi chào ngôi nhà, cất chiếc mũ lưỡi trai ra khỏi đầu và tỏ vẻ sùng kính, rắc một ít tóc của mình nơi ngưỡng cửa trước khi bước vào những căn buồng đầy ánh trăng mờ đục” [20;129]. Cả truyện hầu như không đối thoại. Hơi thở của cuộc sống quá khứ với hiện tại vẫn đan xen và chính ở thời điểm chuyển giao cũ mới ấy, tác giả đã tạo nên một hình ảnh đầy sức gợi: “Đằng sau những chỏm lá liền tù tì của rặng cây ấy đã ngời sáng một mảnh trăng trong nhỏ bé. Còn bên kia sông, mặt trời đang lặn trong một ánh vàng tinh khiết, và trong khu trang trại lặng lẽ một cách kỳ dị, người ta thấy bùng cháy thành màu cam những ô cửa kính của ngôi nhà chết lặng cửa mở toang hoang” [20;129]. Quá khứ đã bùng sáng lần cuối trước khi tắt hẳn để một giai đoạn khác bắt đầu, dù mới là “mảnh trăng trong nhỏ bé”, nhưng lại đủ sức trùm phủ cả đêm dài.

Với tất cả những điều đó, Ngày cuối cùng được coi là một trong những truyện giàu màu sắc hiện thực nhất trong hệ thống tác phẩm của Bunin.

Một phần của tài liệu Tài liệu Các mô hình tượng trưng trong văn xuôi Ivan bBunin (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)