5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN
1.3.2. Một số công dụng của oleanolic acid
Oleanolic acid và đồng phân của nó đã được chứng minh có các hoạt tính sinh học như khả năng chống viêm, bảo vệ gan, kháng khối u, kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus, ... Một số có tác dụng trong điều trị viêm loét dạ dày, viêm da. Hiện nay, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, oleanolic acid và urnolic acid có tác dụng trong điều trị tiểu đường, chống cao huyết áp [64, 108].
1.3.2.1. Hoạt tính kháng khuẩn
Khả năng kháng khuẩn của oleanolic acid và ursolic acid đã được khảo sát với nhiều chủng vi khuẩn khác nhau. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, oleanolic acid và ursolic acid có hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng, trong đó chủ yếu là các vi khuẩn Gram âm, do đó hai hợp chất này đóng vai trò quan trọng trong nhiều loại thuốc kháng sinh. Oleanolic và ursolic acid đã được chứng minh có khả năng kháng lại nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh ở người khác như
S. pneumonia (MIC 16 g/mL), các chủng Staphylococcus aureus nhạy và kháng methicillin (tương ứng với giá trị MIC ở 8 g/mL và 64 g/mL) [121],
Bacillus subtilis (MIC 8 g/mL), B. cereus, Enterococcus
faecalis (MIC 6,25-8,00 g/mL), E. faecium (MIC 8 g/mL), và Pseudomonas aeruginosa (MIC 256 g/mL) [39, 48].
1.3.2.2. Tác dụng bảo vệ gan
Tác dụng bảo vệ gan của oleanolic acid được công bố lần đầu tiên vào năm 1975 trong nghiên cứu của He và Shi trên cây Swertia mileensis, một loại dược liệu truyền thống được sử dụng trong điều trị viêm gan. Ba hoạt chất được phân lập từ loài dược liệu này, trong đó có oleanolic acid cho hiệu quả tốt nhất trong bảo vệ chống lại tổn thương gan gây ra bởi tác nhân CCl4. Các nghiên cứu sau đó cũng đã chứng minh thêm oleanolic acid có khả năng làm suy giảm CCl4 - chất gây ra hoại tử mô gan cũng như xơ và thoái hóa gan [71].
1.3.2.3. Tác dụng kháng viêm
Tác dụng kháng viêm là hoạt tính phổ biến của nhiều loại triterpenoid. Hoạt tính kháng viêm của oleanolic acid được báo cáo lần đầu tiên bởi Gupta và cs (1969) dựa trên nghiên cứu cho thấy, oleanolic acid phân lập từ tảo biển bởi sự hình thành aldehyde kháng lại sự phù nề và viêm khớp ở chân chuột. Các nghiên cứu sau này cũng đã chứng minh tác dụng kháng viêm của oleanolic acid [105, 110].
1.3.2.4. Hoạt tính kháng khối u
Nhiều nghiên cứu cho thấy, quá trình hình thành và phát triển của khối u bị ngăn chặn bởi oleanolic acid và ursolic acid với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, tác động đáng chú ý nhất của 2 loại triterpenoid nói trên là tác động kìm hãm sự sinh trưởng của khối u. Oleanolic acid và ursolic acid được xác định là các hoạt chất chính được tìm thấy trong cây Ligustrum lucidum. Hai hoạt chất này giúp ngăn chặn quá trình đột biến hình thành bởi sự benzo[a]pyrene (B[a]P) của vi khuẩn [87].
1.3.2.5. Hoạt tính chống bệnh tiểu đường
Tiểu đường là một căn bệnh tiến triển phức tạp, kết quả của sự bài tiết hay khả năng cảm ứng tổng hợp insulin bị suy giảm. Oleanolic acid đã được sử dụng làm tác nhân trị liệu trong các mô hình bệnh tiểu đường để cải thiện hoạt động của insulin, ức chế sự tổng hợp glucose và thúc đẩy sử dụng glucose. Oleanolic acid không gây tích lũy mỡ (adipogenic), không giống như các liệu pháp điều trị tiểu đường thường được sử dụng như insulin hoặc thiazolidinediones điều hòa vận chuyển glucose ở ngoại biên và thường dẫn đến tăng cân. Vì vậy, oleanolic acid có thể là một phương thức điều trị đầy hứa hẹn và tốt hơn so với các tác nhân trị liệu chống tiểu đường khác [26].
1.3.2.6. Hoạt tính chống oxy hóa
Stress oxy hóa được biết đến có liên quan đến các yếu tố gây bệnh của các bệnh mãn tính khác nhau và do đó liệu pháp chống oxy hóa là một chiến lược đầy hứa hẹn cho việc quản lý và điều trị các bệnh này (Bajpai, 2016). Các báo cáo về hoạt tính sinh học của oleanolic acid đôi khi được cho là do tác dụng chống oxy hóa của nó. Ví dụ, oleanolic acid từ L. lucidum đã được chứng minh là làm giảm mức độ malonaldehyde (MDA) và tăng hoạt tính superoxide dismutase (SOD) và gluthatione peroxidase (GSH-px) trên chuột bị bệnh tiểu đường do alloxan gây ra. Mức độ MDA (dựa theo sản phẩm của quá trình peroxide lipid), hoạt động của SOD và GPX (enzyme chống oxy hóa
chính) là yếu tố quan trọng quyết định tình trạng chống oxy hóa trong các mô động vật có vú. Tương tự, trong một nghiên cứu in vitro, oleanolic acid tăng sản xuất glutathione và sự biểu hiện của các enzyme chống oxy hóa quan trọng. Một số nghiên cứu cho thấy, oleanolic acid phân lập thể hiện tính chất chống oxy hóa có thể so sánh được với các tác nhân chống oxy hóa thương mại [26].