MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY
3.1.1. Thực trạng giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá tôn trọng và bảo vệ nương rẫy, cây trồng, động vật
Ứng xử với nương rẫy, cây trồng
Trong xã hội cổ truyền trước đây, người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên rất chu đáo, cẩn trọng ứng xử đối với những gì liên quan đến đất rẫy của mình, nhất là khi đốt rẫy các gia đình cũng phải phối hợp với nhau “Phải báo cho nhau biết”. Còn “Nếu đốt lén, lửa cháy lan… sang rẫy nhà người khác thì người đốt phải dọn sạch rẫy bị cháy, và phải làm lễ cúng thần linh để hoà giải” [121; tr190]. Luật tục M’Nông quy định rõ, khi thấy làng bản rừng rú bị cháy, mọi người phải có nghĩa vụ cùng nhau dập lửa:
“Rừng bị cháy ta phải giúp dập Nước chảy tràn ta phải giúp chặn Rừng bị cháy mà không dập tắt Mọi người sẽ không còn rừng
Mọi người sẽ không còn đất…” [121; tr.190]
Trong sản xuất nương rẫy, đồng bào thành thật tin rằng khi mùa màng bội thu là có sự phù hộ của các đấng siêu nhiên, đặc biệt là thần Rừng, thần Lúa, thần Sấm,... Họ tin tưởng sâu sắc rằng, nếu con người ứng xử tốt với thần Lúa thì thần sẽ ban cho mùa màng bội thu, còn nếu không thần sẽ tạo ra hạn hán mất mùa. Hơn thế nữa, đồng bào còn cảm nhận vị thần này như là nhân vật bằng xương bằng thịt. Chẳng hạn ở đồng bào dân tộc Êđê, khi bắt đầu thu hoạch mùa màng, đồng bào không dùng liềm để gặt, mà tuốt bằng tay. Họ sợ rằng, nếu dùng liềm cắt, lúa bị đau
là xúc phạm đến thần Lúa. Thần phạt năm sau sẽ bị mất mùa. Trong lễ cúng thần Lúa (ngă yang mdiê), đồng bào đã hoà rượu với máu con vật hiến sinh để tưới vào gốc cây lúa. Họ làm công việc này với lòng ngưỡng mộ, tin rằng như vậy, thần Lúa sẽ vui và ban mùa màng bội thu cho họ. Lời văn vần (duê) sử dụng trong lễ cúng thần Lúa mang lại sắc thái ngưỡng mộ ấy:
“Ơ ông thần Lúa
Ngày gieo xin cho mưa Tháng tuốt xin cho nắng Xin đừng để thú ăn
Mong cho lúa tốt lành” [78; tr.98]
Vào tháng 9, khi những hạt lúa đầu bông đã ngã sang màu vàng, đồng bào dân tộc Êđê lên rẫy tuốt từng hạt lúa đầu bông. Họ nâng niu từng hạt, bỏ vào gùi mang về nhà. Đêm đến, chiêng trống từ nhiều nơi vang lên những đợt âm thanh ngân dài, như lách luồn qua các buôn làng nương rẫy, cánh rừng. Đó là lúc nhiều gia đình Êđê làm lễ ăn mừng lúa mới (huă mdiê mrâo). Thầy cúng được mời đến bên ché rượu, thịt gà, bát nước cùng với những bát cơm gạo mới được bày lên theo hướng mặt trời mọc. Người ta cúng lúa mới để gửi đến tổ tiên cái hương vị của hạt lúa đầu mùa và ước mong một sự no đủ dồi dào.
“Hạt lúa chín đầu bông Nấu cơm thơm canh ngọt Để gửi tới tổ tiên
Muốn ăn mãi vẫn còn…” [78; tr100]
Người M’nông cũng cho rằng thần Lúa là thần bảo vệ mặt đất, chăm cho cây lúa nhanh lớn, không cho sâu bọ phá hoại mùa màng, cho nên việc cúng thần Lúa được tổ chức rất long trọng. Tâm lý đồng bào rất lo sợ những sơ suất của mình đối với thần Lúa. Rằng nếu có điều gì mà thần Lúa phật ý, thần sẽ bỏ về Trời và khi đó nguồn lương thực của họ sẽ bị cạn kiệt.
Dưới không gian rộng lớn của núi rừng, cây lúa và cuộc canh nông ruộng rẫy quy định lối sống, kiểu sống, phép ứng xử với thần linh, thiên nhiên và cộng đồng thể hiện tinh thần tôn trọng, hài hoà với tự nhiên. Lúa không chỉ mang đến cái ăn
mà còn là ý niệm thường trực về các Yàng (thần linh). Ý niệm ấy trở thành cơ sở của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, họ luôn lấy đó làm trung tâm để giải thích các hiện tượng tự nhiên, tìm cách ứng xử phù hợp: từ chọn đất lập ruộng, chế tác nông cụ, phương thức canh tác, bảo vệ mùa màng, được mùa hay mất mùa. Theo họ, tất cả đều do đấng thần linh sắp đặt, cho nên các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có chung một sự biết ơn: ơn Yàng! Trước Yàng, đồng bào vun bồi tâm tính biết ơn, hiểu sâu sắc và yêu thương nguồn cội, núi rừng, ruộng rẫy và cộng đồng. Khi trồng lúa, ứng với quá trình sinh trưởng loài cây nuôi sự sống là một chuỗi nghi lễ xuyên suốt: chuỗi nghi lễ nông nghiệp thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với tự nhiên của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Hệ thực vật tồn tại trong khu vực cư trú của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng rất phong phú và đa dạng. Các dân tộc thiểu số rất linh hoạt, sống hài hoà với tự nhiên trong việc tận dụng khai thác các loại thực vật rừng để đáp ứng nhu cầu của cá nhân, cộng đồng. Có rất nhiều các loại rau, củ, quả… từ rừng cho đến nay vẫn được các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khai thác làm các món ăn trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của mình như măng, rau, củ quả rừng… Những sản phẩm tiêu biểu của quá trình khai thác các nguồn lợi thực vật tự nhiên phục vụ cho đời sống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trước đây như kiến trúc nhà dài, nhà rông, nhạc cụ… sử dụng gỗ, tre, nứa… thì nay đã không còn đa dạng như trước đây do diện tích rừng bị thu hẹp, con người chuyển sang dùng các nguyên vật liệu công nghiệp.
Luật tục Êđê đặt lợi ích chung của cộng đồng cao hơn lợi ích của cá nhân. Các
vi phạm lợi ích của cộng đồng đều coi là phạm tội. Mùa khô ở Tây Nguyên, gió thổi mạnh, nạn cháy rẫy, cháy rừng nếu xảy ra là một tai họa lớn. Luật tục ngăn cấm con người đốt lửa bừa bãi làm cháy rừng, thiêu trụi chòi lúa, kho lúa ở trong rẫy. Nếu nhà ai đó bị cháy, làng nào bị hoả hoạn, người nào không nhanh chóng tham gia cứu chữa, nhất là kẻ nào có âm mưu và hành động đốt rừng, thiêu trụi xóm làng thì sẽ bị xử làm nô lệ. Khác với luật tục Êđê, luật tục M’nông còn cung cấp cho người đọc bức tranh về văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên khá độc đáo và đa dạng. Hiếm có một luật tục nào lại quy định tỉ mỉ những tập quán thể hiện rõ nét văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên qua việc trồng trỉa, săn bắt, đánh cá,… như luật tục của dân tộc M’nông.
Từ sau khi tiến hành đổi mới năm 1986, với những chủ trương đưa đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vào các nông, lâm trường, do đó tất cả đất đai của họ trở thành “sở hữu toàn dân”. Môi trường sống, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng lớn. Phương thức canh tác nương rẫy là cơ sở, là nền tảng của sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tuy nhiên hiện nay, nhiều buôn làng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đồng bào không còn canh tác nương rẫy nữa. Nhiều hộ gia đình chuyển trồng lúa sang trồng cà phê, tiêu, điều. Không ít làng đồng bào làm công nhân cho các lâm trường chuyên trồng cao su. Sự chuyển đổi phương thức sản xuất như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới các hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Theo thống kê năm 2018, các tỉnh Tây Nguyên có trên 1,12 triệu ha cây công nghiệp dài ngày, chiếm trên 53% tổng diện tích gieo trồng các loại cây trong toàn vùng; trong đó, nhiều nhất là cà phê, với tổng diện tích lên 582.149 ha, cao su có 251.348 ha, hồ tiêu có trên 85.000 ha… Đắk Lắk chiếm gần 29% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày của toàn vùng, tiếp đến là tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Nông, tỉnh Kon Tum chỉ chiếm 9.1%. Tây Nguyên đã trở thành vùng trọng điểm cà phê, hồ tiêu của cả nước. Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất trong cả nước, với 201.152 ha, chiếm trên 40% diện tích cà phê của cả vùng Tây nguyên và 30% diện tích cà phê của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Đây cũng là mặt hàng nông sản chiếm tới 86% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đóng góp trên 20% tổng thu ngân sách của địa phương. Điều này đã dẫn đến những thay đổi tập quán, sinh hoạt xung quanh sản xuất của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, dẫn đến những thay đổi trong văn hoá ứng xử với nương rẫy, cây trồng về vùng đất trồng trọt, quy trình chăm sóc, phân bón, chăm sóc, các lễ nghi xung quanh vòng đời sinh trưởng của cây lúa thưa thớt dần.
Do điều kiện diện tích đất đai canh tác ngày một thu hẹp, sự bùng nổ dân số trong cộng đồng, cùng với sự xuất hiện của những phương thức canh tác theo lối hiện đại… Hiện nay, để đảm bảo việc khai thác hiệu quả nguồn lợi đất đai nhằm phục vụ cho sản xuất và đời sống, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không thể chỉ giữ mãi những tập quán canh tác truyền thống mà đã có những biến đổi phù hợp hơn trong
đời sống sản xuất của vùng Tây Nguyên hiện nay. Đó là việc phải thay đổi hình thức du canh cho đất có thời gian phục hồi độ màu mỡ, bằng việc luân canh có chu kỳ các loại cây trồng khác nhau trên cùng một diện tích đất canh tác để cải tạo qua từng mùa vụ. Hoặc để tăng năng suất trong lao động ngoài việc trồng theo phương pháp xen canh các giống cây trồng truyền thống, đưa vào canh tác các giống cây trồng mới cho năng suất cao hơn. Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ngoài canh tác các loại cây lương thực truyền thống, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã trồng thêm các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như: hồ tiêu, điều, cà phê, cao su,… để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng một cách bền vững. Sự biến đổi trong cơ cấu cây trồng kéo theo sự phân bố và sắp xếp lại chu kỳ sản xuất trong năm. Vì thế khó có thể phân biệt được thời vụ và kỹ thuật canh tác cây trồng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với các dân tộc khác trong vùng.
Điển hình cho biến đổi trồng trọt của người Cơ - ho huyện Di Linh là các xã Tân Châu, Tân Thượng, Đinh Trang Hoà, Gung Ré, Liên Đầm. Do kết quả của quá trình chuyển đổi vượt bậc, nhiều buôn làng dân tộc Cơ - ho ở các xã trên đã đưa vào các giống cây trồng mới, các giống lúa lai, ngô lai, sắn cao sản, các loại cà phê, cao su, hồ tiêu. Các kỹ thuật canh tác mới, bao gồm kỹ thuật canh tác cây lương thực, canh tác ruộng nước cùng kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch cây công nghiệp, thông qua người dân mới đến và thông qua công tác khuyến nông, từng bước được du nhập. Tạo đời sống ổn định trên cơ sở tự túc lương thực từ ruộng nước và phát triển hàng hoá từ trồng trọt nông sản như cà phê, chè, dâu tằm. Có thể thấy so với vùng miền núi phía Bắc, việc chuyển nương rẫy thành ruộng khô và việc thực hiện nông - lâm kết hợp để giải quyết lương thực ở Tây Nguyên có những thuận lợi hơn. Đất đai ở Tây Nguyên trù phú và màu mỡ, địa hình khá bằng phẳng nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn. Trình độ kỹ thuật canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn thấp kém, thay đổi về kỹ thuật, công cụ, về tập quán tín ngưỡng. Lại thêm không ít những khó khăn về việc chống xói mòn đất, chống và diệt cỏ dại… Do đó trong thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương đã có sự kết hợp giữa đầu tư khoa học kỹ thuật với vận động, giáo dục và hướng dẫn để đồng bào thấy
được tính ưu việt của quá trình cải tạo các hình thức trồng trọt. Thông qua việc thay đổi cơ cấu cây trồng, dùng phân bón và đắp bờ chống xói mòn đã có tiền lệ ở một số vùng xung quanh các thị xã, thị trấn.
Đối với các nhà truyền giáo, để phát triển kinh tế vùng người dân tộc thiểu số theo đạo nhằm lôi kéo những người đồng tộc của họ, các nhà truyền giáo phải đưa vào đây những phương thức canh tác tiến bộ dẫn đến sự thay đổi trong văn hoá ứng xử với nương rẫy và cây trồng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo. Nhưng việc làm ấy cũng vấp phải những khó khăn có nguồn gốc từ tín ngưỡng truyền thống của các tộc người. Việc đưa lưỡi cày và sử dụng sức kéo của trâu, bò vào sản xuất là một ví dụ. Người Công giáo cày ruộng bằng chiếc cày, cái bừa do các vị thừa sai đem vào phổ biến… Các nơi khác, dân bản địa dùng cái bới, cái cuốc sắt nhỏ làm rẫy, chặt trỉa. Dân tộc Ba Na cho rằng sở dĩ không cày bừa vùng đất rộng được trận lụt định kỳ đem lại màu mỡ đến, là bởi vì họ cho rằng nếu làm như vậy, thần sẽ bị đau nên yang kăp pơgra (thần đòi chúng tôi nhiều quá) mà không cúng theo yêu cầu của thần sẽ bị phạt. Chẳng hạn như mỗi năm đòi một con trâu nên dân tộc Ba Na không dùng cày nữa.
Luật tục của các dân tộc thiểu số một mặt thể hiện rõ nội dung của văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên, mặt khác nó còn góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của chính các dân tộc thiểu số. Nó vừa mang một số yếu tố của luật pháp như quy định các hành vi phạm tội, bằng chứng, xét xử, hình phạt…, lại vừa mang tính chất của lệ tục, phong tục như các quy ước, lời răn dạy, khuyên răn mang tính đạo đức đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Thông qua những điều hạn chế, cấm kỵ được quy định trong các luật tục của các dân tộc thiểu số quy định các hành vi ứng xử của con người đối với tự nhiên, cũng như quy định chung cho con người trong quan hệ với tự nhiên mang tính khuôn thước của cộng đồng, các phong tục tập quán đã góp phần định hướng cho cách ứng xử, hành vi của mọi thành viên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số mang đậm tính nhân văn.
Từ những năm 2000, nhằm tạo ra một cơ sở vững chắc để xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, các huyện Cư M’gar, Krông Buk, Krông Păk, Buôn Đôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, KonTum đã xây dựng và tiến
hành thực hiện quy ước thôn, buôn. Trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố tiến bộ của luật tục trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên. Bản quy ước này của thôn buôn, ngoài việc vận dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự hiện hành, các quy định của Đảng và Nhà nước... Ban tự quản của buôn cũng đã linh hoạt đưa một số luật tục truyền thống của cộng đồng để hoàn chỉnh thêm. Nội dung luật tục chủ yếu quy định các vấn đề liên quan đến ứng xử với môi trường tự nhiên như: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Phân chia tài sản đất đai; Bảo vệ môi trường, cảnh quan; Xử lý mọi hành vi trộm cắp và gây rối an ninh, trật tự xã hội... Bản quy ước này được tất cả các thành viên trong cộng đồng buôn thực hiện một cách nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Việc triển khai thực hiện áp dụng quy tắc ứng xử trong gia đình và cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người đã đem lại những hiệu quả