Trên thế giới, deepfake bắt dầu xuất hiện vào tháng 12/2017, trở thành danh từ khi người dùng có tên “deepfake” công bố một loạt video khiêu dâm trên diễn đàn Reddit. Người dùng này đã sử dụng AI để ghép mặt các diễn viên nổi tiếng như Scarlett Johansson hay Gal Gadot vào cơ thể của những diễn viên khiêu dâm. Những video với khuôn mặt ghét rất giống này lập tức gây nên làn sóng phản đối.
Trước đó vài tháng, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Washington công bố một clip ghép mặt của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong khi giọng nói thì của một người khác.
Vào năm 2018, Reddit đã đóng một loạt mục chia sẻ deepfake video. Sau đó, Twitter cũng vào cuộc khi chặn các bài viết chia sẻ. Một trang web chuyên chia sẻ phim người lớn cũng cấm cửa những video dạng này.
Tháng 1/2018, ứng dụng có tên FakeApp ra mắt. Ứng dụng này hỗ trợ người dùng làm các deepfake video nhanh chóng hơn trên máy tính. Phần mềm này có giao diện dễ dàng và cách sử dụng đơn giản, với 3 câu lệnh cơ bản. Trong bài viết hướng dẫn, người tạo ra công cụ này nhắn gửi “nếu bạn sử dụng nó, hãy dùng một cách có trách nhiệm”.
Tháng 4/2018, BuzzFeed đăng tải một video ghép mặt cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với giọng đọc của người khác. Video này cho biết đã mất 56 giờ để tổng hợp các dữ liệu khuôn mặt của ông Obama. Các video ghép mặt những người có quyền lực dễ dàng được lan truyền và đánh lừa hàng triệu người dùng trên mạng xã hội.[14]
Hình 1.1 Deepfake video ghi cảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thốt ra lời mà thực chất là nhà làm phim Jordan Peele (bên phải) nói (Ảnh: Buzzfeed)
Tháng 6/2019, một biến thể của deepfake có tên deepnude được phát hành trên mạng. Nó có sẵn và cho phép tải xuống miễn phí trên hệ điều hành Windows. Ứng dụng này cho phép dễ dàng tạo ra hình ảnh khỏa thân của phụ nữ chỉ bằng một cú nhấp chuột. Người dùng chỉ cần chọn hình ảnh mình thích, bỏ vào ứng dụng. Phần còn lại, hệ thống của deepnude sẽ xử lý, lột bỏ quần áo của phụ nữ và cho ra sản phẩm là một hình ảnh khỏa thân.
Ngày 23/5/2019, một đoạn video cho thấy Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, 79 tuổi xuất hiện như đang say rượu khi phát biểu ở một sự kiện. Đoạn video này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, được phát cả trên sóng truyền hình và chia sẻ bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump [15].
Ngày 9/6/2019, một đoạn video với hình ảnh giả mạo của Mark Zuckerberg, CEO Facebook được đăng tải trên Instagram. Trong video, hình ảnh Mark Zuckerberg đang ngồi ở phòng làm việc và nói về sức mạnh tàn bạo của Facebook. Video có phần mô tả với nội dung “hãy tưởng tượng điều này: Một người đàn ông với quyền kiểm soát dữ liệu đánh cắp được của hàng tỷ
người dùng. Tất cả bí mật, cuộc sống, tương lai của họ”, “Mark Zuckerberg giả” nói những điều Mark thật sẽ không bao giờ nói trong đoạn video. [16]
Một sự việc cho thấy mối nguy thật sự của deepfake đó là vào tháng 5/2019, một video giả mạo về sức khỏe của tổng thống Gabon, Ali Bongo ở Trung Phi. Đây là một sự việc gây ra một ngòi nổ về một cuộc đảo chính quân sự nhưng bất thành.
Đến nay, deepfake đang trở thành một vấn đề lớn cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Bởi vì công nghệ này có thể được sử dụng để tạo ra các video các chính trị gia nói những điều họ chưa bao giờ nói hoặc làm những việc họ chưa bao giờ làm.
Ngày 13/6/2019, trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ về deepfake, đại diện của Đảng Dân chủ Adam Schiff đã cảnh báo rằng công nghệ này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến việc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. “Những video giả mạo được thực hiện bởi AI là mối đe dọa an ninh quốc gia, chúng ta cần chống lại nó”, ông Adam Schiff nói[2].