Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm 57 BN UTVMH giai đoạn III-IVB theo AJCC 2010 trong đó 100% bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ, 91,2% (52 BN) bệnh nhân được chụp PET/CT, 5 trường hợp không chụp PET được chụp CLVT ngực và xạ hình xương để chẩn đoán giai đoạn trước điều trị. Tỷ lệ giai đoạn T1, T2, T3 và T4 tương ứng là 26,3%, 8,8%, 31,6% và 33,3%. Tỷ lệ giai đoạn N1, N2, N3a và N3b tương ứng là 26,3%, 52,6%, 5,3% và 15,8%, không có N0. Giai đoạn III, IVA và IVB tương ứng là 47,4%, 31,6% và 21,1%. Như vậy, bệnh nhân T3-4 chiếm 65%, N2-3 chiếm 74% và giai đoạn IVAB là 53%. Đặc điểm giai đoạn bệnh như trên phản ánh tính chất tiến triển tại chỗ-tại vùng của nhóm bệnh nhân giai đoạn III-IVB. U nguyên phát có xu hướng xâm lấn lên phía trên vào xương nền sọ hoặc nội sọ, cao gấp 1,8 lần so với xâm lấn vào 5 phía còn lại (phía dưới, ra trước, sang bên hoặc ra sau) ở nhóm bệnh nhân
giai đoạn tiến triển. Hạch di căn trong UTVMH giai đoạn tiến triển có xu hướng di căn hạch cổ hai bên (N2) sau đó vào các nhóm hạch cổ thấp (N3b), cao gấp 2,8 lần so với chỉ di căn hạch cổ 1 bên và/hoặc hạch sau hầu. Hình ảnh cộng hưởng từ đúng tiêu chuẩn trên 3 chuỗi xung T1W trước và sau tiêm đối quang từ, T2W là rất quan trọng để đánh giá chính xác giai đoạn T, đặc biệt xung T1W trước tiêm với dấu hiệu “five key” để khảo sát xâm lấn xương nền sọ (xem Hình 1.5).44,47 Hình ảnh cắt lớp vi tính mở cửa sổ xương có độ nhạy kém hơn cộng hưởng từ trong phát hiện tổn thương xâm lấn xương trong UTVMH, với đặc điểm hủy xương, đặc xương hoặc thể hỗn hợp.44,47
So sánh các nghiên cứu về UTVMH giai đoạn III-IVB trong nước, giai đoạn bệnh trong nghiên cứu này có sự tương đồng cũng như nhiều sự khác biệt. Nghiên cứu của Bùi Vinh Quang105 chỉ ra tỷ lệ giai đoạn T3-4, N2-3 và IVAB tương ứng là 38%, 84% và 51%, dựa trên hình ảnh CHT hoặc CLVT. Phạm Tiến Chung107 báo cáo 97 BN UTVMH giai đoạn N2-3M0 với tỷ lệ T3-4, N3 và IVAB tương ứng là 25%, 70% và 72%, dựa trên hình ảnh CHT. Trong khi đó, Đặng Huy Quốc Thịnh106 báo cáo tỷ lệ T3-4, N2-3 và IVAB tương ứng là 62%, 94%, và 57% trong nghiên cứu gồm 235 BN, dựa trên hình ảnh CLVT. Như vậy, nghiên cứu này có sự tương đồng về tính chất tiến triển với nghiên cứu của Đặng Huy Quốc Thịnh và có tỷ lệ T3-4 cao hơn nghiên cứu của Bùi Quang Vinh và Phạm Tiến Chung. Sự khác biệt này có thể do chọn mẫu hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định giai đoạn bệnh.
Các thử nghiệm lâm sàng đối chứng pha 3 gần đây ở vùng dịch tễ cho UTVMH giai đoạn III-IVB có tỷ lệ giai đoạn T3-4 chiếm hơn 80%, N2-3 chiếm hơn 65%.8,9,101-103 T3-4, N2-3 chiếm tỷ lệ cao đã trực tiếp phản ánh tính chất tiến triển tại chỗ-tại vùng của nhóm bệnh nhân UTVMH giai đoạn III-IVB, với xu hướng xâm lấn nền sọ, nội sọ của u nguyên phát và di căn hạch cổ 2 bên cũng như hạch cổ thấp.
4.1.3. Triệu chứng lâm sàng
Ung thư vòm mũi họng giai đoạn tiến triển có triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác dẫn đến sự trì hoãn chẩn đoán. Thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến lúc được chẩn đoán bệnh khoảng 5-8 tháng.41,42 Triệu chứng lâm sàng thể hiện 2 nhóm: nổi hạch cổ, triệu chứng của u nguyên phát. Khối u nguyên phát gây các triệu chứng mũi, tai, thần kinh, mắt và đau đầu. Nghiên cứu của chúng tôi đã mô tả chi tiết các triệu chứng ở thời điểm chẩn đoán của nhóm bệnh nhân nghiên cứu (xem Bảng 3.3). Triệu chứng phổ biến bao gồm nổi hạch cổ (74%), triệu chứng ở mũi (70%), tai (58%) và đau đầu (39%). Nổi hạch cổ 1 bên chiếm 44%. Xì dịch mũi lẫn máu là triệu chứng thường gặp nhất ở mũi, chiếm 51%. Ù tai (56%) và giảm thính lực 1 bên (49%) là thường gặp nhất ở tai. Triệu chứng liệt dây thần kinh sọ não xẩy ra trên 11 BN (19%), trong đó chủ yếu là tê bì mặt (16%). Thống kê tỷ lệ triệu chứng kết hợp với tỷ lệ giai đoạn TN ở nhóm bệnh nhân giai đoạn III-IVB cho thấy không có tương xứng giữa tiến triển của bệnh và triệu chứng ở thời điểm chẩn đoán, đặc biệt ở u nguyên phát. Tỷ lệ T3-4 chiếm 65% trong khi triệu chứng đau đầu chỉ chiếm 39% cho thấy có khoảng 25% u xâm lấn xương nền sọ và/hoặc nội sọ mà không gây đau đầu. Giai đoạn N2 chiếm gần 53%, trong khi khám lâm sàng chỉ phát hiện 30% hạch cổ 2 bên, cho thấy khoảng 23% khám lâm sàng không phát hiện hạch cổ hoặc có hạch cổ 1 bên.
Các nghiên cứu trong nước cho UTVMH giai đoạn III-IVB cũng báo cáo triệu chứng nổi hạch cổ chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng có sự khác biệt về tỷ lệ nhóm triệu chứng u so với nghiên cứu này. Sự khác biệt này là do các tác giả không thống kê nhóm triệu chứng ở mũi và tai mà chỉ thống kê triệu chứng xì dịch mũi lẫn máu, ngạt tắc mũi và ù tai. Nghiên cứu của Lê Chính Đại104 trên 381 BN ung thư vòm mũi họng giai đoạn III-IVB chỉ ra tỷ lệ nổi hạch cổ chiếm
91%, ù tai (76%), đau đầu (70%), ngạt tắc mũi (48%), xì dịch mũi lẫn máu (47%), triệu chứng liệt dây thần kinh sọ não (27,5%). Bùi Vinh Quang105 báo cáo tỷ lệ triệu chứng nổi hạch cổ là phổ biến nhất (97%), ù tai (69%), đau đầu (59%), ngạt tắc mũi (45%), xì dịch mũi lẫn máu (41%) và triệu chứng liệt dây thần kinh sọ não (18%).
Các nghiên cứu trên thế giới đã báo cáo tỷ lệ triệu chứng ở thời điểm chẩn đoán khá đồng nhất với tỷ lệ nổi hạch cổ chiếm cao nhất từ 57-75%, tiếp theo là triệu chứng mũi 56-73%, tai (43-62%), đau đầu (18-35%), triệu chứng liệt dây thần kinh sọ não (3-20%).41,42 Trong nghiên cứu hồi cứu trên 4768 BN UTVMH ở Hồng Kông, Lee và cộng sự42 báo cáo tỷ lệ nổi hạch cổ (75%), triệu chứng mũi (73%), tai (62%), đau đầu (35%), liệt dây thần kinh sọ não (20%) và thời gian trung bình của các triệu chứng trước khi được chẩn đoán là 8 tháng (1-36 tháng cho 95% bệnh nhân). Tác giả cũng nhấn mạnh cần có chương trình quốc gia để có thể chẩn đoán sớm hơn ở các đối tượng có nguy cơ cao khi có dấu hiệu của bệnh.