1.4.1.1. Môi trường kinh tế
Để Ngân hàng có thể tham gia và phát triển dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế thì phải có một nền kinh tế phát triển ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng của Ngân hàng. Một nền kinh tế có mức tăng trưởng ổn định sẽ làm giá cả luôn giữ ở mức ổn định, tình trạng lạm phát ở mức thấp tạo điều kiện cho Ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động của mình và tránh được những thiệt hại cho Ngân hàng do sự mất giá của đồng tiền, từ đó mà chất lượng các khoản đầu tư cho chuỗi cung ứng được nâng lên.
Ngoài ra việc mở rộng và nâng cao chất lượng tài trợ chuỗi cung ứng còn chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ phát triển kinh tế. Nếu thời kỳ kinh tế phát triển hưng thịnh sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm được đơn hàng lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh tăng
được lợi nhuận, điều này tạo điều kiện cho Ngân hàng mở rộng tài trợ và chất lượng tín dụng được nâng lên. Ngược lại, trong thời kỳ nền kinh tế bị suy thoái, sản xuất ở các khâu trong chuỗi cung ứng bị đình trệ, các nhà cung ứng không cung cấp kịp nguyên vật liệu, thua lỗ kèo dài dẫn đến các doanh nghiệp là đối tượng nhận tài trợ của Ngân hàng khó khăn trong việc trả nợ, chất lượng tài trợ chuỗi cũng bị giảm sút.
1.4.1.2. Môi trường xã hội
Quan hệ tín dụng dựa trên cơ sở tín nhiệm là chủ yếu và mối quan hệ trong quá trình tài trợ chuỗi cung ứng cũng không ngoại lệ. Uy tín của Ngân hàng trên thị trường tiền tệ cao sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp có uy tín, minh bạch về tài chính sẽ được Ngân hàng tín nhiệm tạo thuận lợi trong việc xin tài trợ, đặc biệt đối với phương thức cho vay hoặc ứng trước các khoản phải thu.
Ngoài ra việc duy trì tốt các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng góp phần phát triển hoạt động tài trợ tài chính cho chuỗi. Điều này được thể hiện rõ nhất trong dịch vụ bao thanh toán ngược khi doanh nghiệp đề nghị ngân hàng tài trợ cho nhà cung cấp của mình.
1.4.1.3. Tình hình chính trị
Một trong những đặc điểm của chuỗi cung ứng không chỉ riêng ngành Dệt may là phụ thuộc rất nhiều vào tình hình xuất nhập khẩu. Vì thế, một quốc gia có sự ổn định về chính trị, không xảy ra xung đột trong nước là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Bất cứ sự biến động nào về chính trị cũng dẫn tới xáo động lớn cho toàn bộ nền kinh tế. Riêng đối với Ngân hàng nó có ảnh hưởng trực tiếp tới việc huy động vốn, cho vay. Điều đó có nghĩa ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng trong quá trình tài trợ cho chuỗi.
1.4.1.4. Nhân tố pháp lý
Pháp luật có vai trò hết sức quan trọng với hoạt động Ngân hàng và doanh nghiệp và là một bộ phận không thể thiếu được ở bất kỳ nền kinh tế nào. Nếu các chính sách luật ban hành không phù hợp, không đồng bộ sẽ gây khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp. Ngoài ra nếu có hệ thống phát luật đồng bộ sẽ tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế do
đó mà sản xuất được tiến triển thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Nó còn là cơ sở để giải quyết mọi mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội.
Ngoài ra việc mở rộng và nâng cao chất lượng của các khoản tài trợ cho chuỗi cung ứng của Ngân hàng còn bị ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân khách quan khác như: Thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh… Ví dụ như đợt dịch Covid trong năm 2020 và 2021 đã khiến rất nhiều các doanh nghiệp dệt may không thể sản xuất vì không có nguồn cung nguyên phụ liệu và thiếu hụt đơn hàng. Vì thế mà nhu cầu tài trợ vốn cũng vì thế mà giảm sút, rất nhiều khoản tài trợ từ Ngân hàng bị thu hồi chậm, ảnh hưởng đến tổng quan chất lượng của dịch vụ tài trợ cho chuỗi cung ứng của Dệt may.