Khái niệm thanh toán quốc tế

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ LIÊN-1906020243-QTKD26_LUẬN VĂN THẠC SĨ-1 (Trang 28 - 30)

Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ chi trả và quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với tổ chức, cá nhân nước khác, hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa các ngân hàng của các nước liên quan (Nguyễn Văn Tiến, 2014).

Theo Đinh Xuân Trình (2011), hoạt động thanh toán quốc tế là một loại dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho khách hàng. Ngoài những đặc điểm như các dịch vụ khác (dịch vụ mang tính vô hình, quá trình cung ứng và tiêu dùng dịch vụ xảy ra đồng thời, không thể lưu trữ được), dịch vụ thanh toán quốc tế có những đặc điểm riêng mà các dịch vụ thanh toán trong nước không có như:

-Cung ứng dịch vụ qua biên giới quốc gia. Trong cung ứng này, chỉ có dịch vụ được chuyển qua biên giới còn người cung ứng dịch vụ thì không dịch chuyển. Người cung ứng dịch vụ không xuất hiện trên lãnh thổ của nước tiêu dùng dịch vụ đó.

-Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài. Dịch vụ được cung ứng cho người tiêu dùng ở ngoài lãnh thổ mà người tiêu dùng đó cư trú thường xuyên.

-Hình thành đại lý dịch vụ ở nước người tiêu dùng dịch vụ. Dịch vụ thanh toán quốc tế là một loại hàng hóa vô hình. Đối tượng của dịch vụ là tiền tệ tín dụng cũng là một loại hàng hóa vô hình. Cho nên sự hiện diện của cung ứng dịch vụ ở nước người tiêu dùng dịch vụ là rất quan trọng. Các ngân hàng thường thiết lập quan hệ đại

lý với các ngân hàng nước sở tại hoặc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước tiêu thụ dịch vụ để thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế một cách hiệu quả.

-Thanh toán quốc tế chịu sự điều chỉnh của luật pháp và các tập quán quốc tế. Các đối tượng tham gia hoạt động thanh toán quốc tế ở nhiều quốc gia khác nhau. Do vậy, bên cạnh luật quốc gia, các bên còn cần tuân thủ các văn bản pháp lý quốc tế, tập quán quốc tế nhằm tránh những tranh chấp đáng tiếc có thể xảy ra. Việc giải quyết tranh chấp chủ yếu sẽ áp dụng luật quốc tế, hoặc luật của quốc gia thứ ba, hoặc luật của một trong hai chủ thể tham gia tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên, thông qua trọng tài quốc tế hoặc tòa án.

-Hoạt động thanh toán quốc tế được thực hiện chủ yếu qua hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại là trung gian thanh toán đảm bảo cho các khoản chi trả thực hiện một các an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.

-Đồng tiền thanh toán là ngoại tệ của ít nhất một bên tham gia giao dịch ngoại thương (ngoại trừ trường hợp hai bên thuộc khu vực sử dụng chung loại tiền tệ). Do vậy, tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ ảnh hưởng đến hoạt động này.

Thanh toán quốc tế là hoạt động tất yếu của một nền kinh tế phát triển, là khâu quan trọng của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các cá nhân, tổ chức thuộc các quốc gia khác nhau. Thanh toán quốc tế góp phần giải quyết mối quan hệ hàng hoá tiền tệ, tạo nên sự liên tục của quá trình sản xuất và đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hoá trên phạm vi quốc tế. Nếu hoạt động thanh toán quốc tế được tiến hành nhanh chóng, an toàn sẽ khiến cho quan hệ lưu thông hàng hoá tiền tệ giữa người mua và người bán diễn ra trôi chảy, hiệu quả hơn.

Thanh toán quốc tế làm tăng cường các mối quan hệ giao lưu kinh tế giữa các quốc gia, giúp cho quá trình thanh toán được an toàn, nhanh chóng, tiện lợi và giảm bớt chi phí cho các chủ thể tham gia. Các ngân hàng với vai trò là trung gian thanh toán sẽ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đồng thời tư vấn cho khách hàng, hướng dẫn về kỹ thuật thanh toán trong giao dịch nhằm giảm thiểu rủi ro trong thanh toán và tạo sự an toàn tin tưởng cho khách hàng.

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ LIÊN-1906020243-QTKD26_LUẬN VĂN THẠC SĨ-1 (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w