Giải pháp hoàn thiện chính sách cổ tức tại các công ty niêm yết trên

Một phần của tài liệu Phân tích những nhân tố tác động đến chính sách cổ tức tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 85 - 92)

5.1.2.1. Xây dựng quy trình hoạch định chính sách cổ tức

Kết quả phân tích các nhân tố tác động đến chính sách cổ tức của các công ty niêm yết trên TTCK Việt nam phản ánh khả năng sinh lời và đòn bẩy tài chính có tác động mạnh mẽ tới tỷ lệ chi trả cổ tức của các công ty. Sau đó đến các yếu tố về quy mô tài sản, tính thanh khoản và lãi suất. Do vậy, để chính sách cổ tức thực sự là chính sách tài chính chiến lược song song với chính sách đầu tư và chính sách tài trợ, công ty cần xây dựng quy trình hoạch định chính sách cổ tức hiệu quả. Trên cơ sở lý thuyết và kết quả phân tích, tác giả đề xuất quy trình hoạch định chính sách cổ tức cho các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam được xây dựng như sau:

Bước 1: Thu thập và tập hợp thông tin

Thực hiện thu thập và tập hợp những thông tin cần thiết bao gồm các thông tin bên trong và bên ngoài công ty từ đó phân tích, đánh giá những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chính sách cổ tức.

Thông tin bên ngoài công ty để xem xét bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến chính sách cổ tức như:

+ Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; các chính sách và nguồn luật mới liên quan đến việc trả cổ tức; …

+ Thông tin về tình hình lạm phát, lãi suất thị trường, thị trường vốn và thị trường chứng khoán, …

- Thông tin bên trong công ty

Những thông tin bên trong công ty là những nhân tố sẽ tác động trực tiếp đến việc hoạch địch chính sách cổ tức. Thông tin bên trong công ty bao gồm: Định hướng chiến lược; Kế hoạch sản xuất kinh doanh (kế hoạch doanh thu – lợi nhuận); Kế hoạch đầu tư; Kế hoạch tài trợ; Tình hình tài chính; ….

Bước 2: Phân tích đánh giá các nhân tố sẽ tác động đến chính sách cổ tức

Dựa trên các thông tin đã thu thập được ở bước 1, sẽ tiến hành xác định, phân tích, đánh giá những nhân tố tác động đến chính sách cổ tức. Trong đó, cần phân tích, đánh giá các thông tin sau:

- Phân tích kế hoạch đầu tư trong từng giai đoạn cụ thể để xác định nhu cầu vốn đầu tư, hiệu quả và rủi ro của dự án đầu tư.

- Phân tích kế hoạch tài trợ trong từng giai đoạn cụ thể để xác định nguồn vốn cần huy động; khả năng huy động vốn… để đánh giá được ưu thế và hạn chế các công cụ huy động vốn mà doanh nghiệp có thể áp dụng.

- Phân tích khả năng thanh toán, khả năng sinh lời của công ty.

- Phân tích cơ cấu cổ đông và đánh giá sơ bộ về kỳ vọng cổ tức của các cổ đông.

Bước 3: Lựa chọn mô hình chính sách cổ tức, hình thức chi trả cổ tức và mức chi trả cổ tức phù hợp.

Như đã trình bày ở chương 1, có nhiều mô hình chính sách cổ tức (mô hình chính sách ổn định cổ tức, mô hình chính sách lợi nhuận giữ lại thụ động, mô hình chính sách cố định ở mức thấp và chia thêm cổ tức vào cuối năm, …) và hình thức chi trả cổ tức (trả bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu, …) mà công ty có thể vận dụng. Trên cơ sở phân tích các nhân tố bên ngoài và bên trong công ty, ban lãnh đạo có thể xem xét, đề xuất lựa chọn mô hình chính sách cổ tức, hình thức chi trả cổ tức và mức cổ tức phù hợp với định hướng phát triển, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong từng giai đoạn cụ thể để vừa đáp ứng được kỳ vọng về cổ tức của cổ đông vừa đảm bảo cho sự phát triển của công ty.

5.1.2.2. Xây dựng chính sách cổ tức phù hợp với từng giai đoạn và chu kỳ sống của doanh nghiệp

Như đã trình bày ở trên, chu kỳ của một doanh nghiệp gồm 5 giai đoạn: Khởi nghiệp, tăng trưởng, phát triển, ổn định và suy thoái. Mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm khác nhau về mức độ hoạt động, nhu cầu đầu tư, mức độ rủi ro và khả năng sinh lời, … Do đó để hoàn thiện chính sách cổ tức, các công ty cần phải xem xét, đánh giá đặc điểm hoạt động, nhu cầu vốn, … của từng giai đoạn để xây dựng một chính sách cổ tức phù hợp và hiệu quả.

- Giai đoạn khởi nghiệp: Đây là giai đoạn công ty mới đi vào hoạt động, quy mô kinh

doanh và khả năng tiếp cận thị trường còn nhiều hạn chế, rủi ro kinh doanh rất lớn nên nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này khá lớn (vốn đầu tư nghiên cứu thị trường, mở rộng quy mô, …). Tuy nhiên, khả năng huy động vốn vay của doanh nghiệp là khá thấp do rủi ro kinh doanh cao và chưa tạo lập được uy tín của mình. Do đó, nguồn vốn chủ yếu trong giai đoạn này dựa vào vốn góp của cổ đông. Như vậy, trong giai đoạn khởi nghiệp, các công ty tập trung giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư với kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong lai nên đa số có xu hướng không trả cổ tức hoặc trả cổ tức ở mức rất thấp.

- Giai đoạn tăng trưởng và phát triển: Đây là giai đoạn sản phẩm của công ty đã

được thị trường chấp nhận, doanh thu bắt đầu tăng nhanh. Các công ty sẽ có xu hướng đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, vì

vậy nhu cầu về vốn đầu tư tăng trưởng là rất lớn. Trong giai đoạn này, các công ty đã phần nào tạo được uy tín và có khả năng huy động vốn vay. Tuy nhiên, rủi ro kinh doanh vẫn cao nên việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ chỉ ở mức độ vừa phải. Do đó các công ty sẽ lựa chọn dành nhiều lợi nhuận để tái đầu tư nên hạn chế trả cổ tức cao bằng tiền trong giai đoạn này.

- Giai đoạn ổn định: Đây là giai đoạn doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức cao và tương đối ổn định; rủi ro kinh doanh giảm xuống thấp; triển vọng tăng trưởng trong tương lai cũng giảm kéo theo nhu cầu vốn để đầu tư cũng giảm so với các giai đoạn trước. Nhu cầu vốn đầu tư có thể đáp ứng bằng một tỷ lệ lợi nhuận giữ lại ở mức thấp và sử dụng vốn vay ở mức vừa phải. Do đó, trong giai đoạn này các công ty có xu hướng trả cổ tức cho cổ đông với hệ số trả cổ tức tương đối cao. - Giai đoạn suy thoái: Đây là giai đoạn nhu cầu về sản phẩm của công ty đang có xu

hướng bão hoà trên thị trường và bắt đầu giảm dần; doanh thu và lợi nhuận cũng theo chiều hướng sụt giảm; các cơ hội đầu tư không đáng kể. Vì vậy, dòng tiền nhàn rỗi của công ty tương đối lớn, do đó trong giai đoạn này các công ty thường thực hiện trả cổ tức bằng tiền khá cao như là một cách hoàn trả vốn cho cổ đông để họ tìm kiếm những cơ hội đầu tư khác có khả năng sinh lời cao hơn.

5.1.2.3. Kết hợp hài hòa giữa chính sách cổ tức, chính sách đầu tư và chính sách tài trợ

Chính sách cổ tức, chính sách đầu tư, chính sách tài trợ là 3 chính sách tài chính quan trọng của các công ty. Do đó, để chính sách cổ tức đạt hiệu quả, các nhà quản lý doanh nghiệp cần phải đưa ra những hoạch định mang tính chiến lược dài hạn trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa 3 chính sách này.

Chính sách đầu tư luôn được đánh giá là chiến lược hàng đầu của các công ty. Các cơ hội đầu tư luôn được kỳ vọng tạo ra nhiều giá trị mới trong tương lai, đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều lợi nhuận và cổ tức cao hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được chính sách đầu tư cần phụ thuộc vào chính sách tài trợ. Chính sách tài trợ tác động đến cơ cấu nguồn vốn và từ đó nó ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu, chi phí sử dụng vốn và rủi ro tài chính. Trên cơ sở chính sách đầu tư, các nhà quản lý

sẽ xây dựng chính sách tài trợ phù hợp cho từng kế hoạch và giai đoạn đầu tư. Một vấn đề quan trọng trong chính sách tài trợ là cần xác định được nguồn vốn tự có và vốn huy động. Điều này liên quan trực tiếp đến chính sách cổ tức bởi chính sách cổ tức ấn định phần lợi nhuận để trả cổ tức và phần lợi nhuận giữ lại tái đầu tư. Do vậy việc trả cổ tức cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến phần lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư nhiều hay ít.

Như vậy, các nhà điều hành công ty cần có cái nhìn tổng thể để xây dựng chính sách đầu tư, chính sách tài trợ và chính sách cổ tức phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của doanh nghiệp. Tránh tình trạng công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng cần vốn đầu tư nhưng vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt cao dẫn đến tình trạng phải đi vay nợ và mất chi phí sử dụng vốn cao.

5.1.2.4. Lựa chọn mô hình chính sách cổ tức phù hợp

Đối với mô hình chính sách ổn định cổ tức:

Đây là mô hình được đa số các cổ đông ưa thích vì nó làm giảm sự rủi ro của các nhà đầu tư về dòng cổ tức nhận được trong tương lai. Để áp dụng mô hình này, các công ty niêm yết phải có những điều kiện sau đây:

+ Công ty có mức lợi nhuận sau thuế hàng năm tương đối ổn định;

+ Công ty có dòng tiền dồi dào, đủ khả năng trả cổ tức và thanh toán các khoản nợ đến hạn sau khi đã trả cổ tức cho cổ đông;

+ Công ty có nguồn lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối ở mức độ nhất định để đảm bảo khả năng duy trì việc trả cổ tức cho cổ đông tránh cắt giảm cổ tức hoặc không trả cổ tức.

Như vậy, mô hình này tương đối phù hợp với các công ty niêm yết đang ở giai đoạn ổn định (hay giai đoạn sung mãn). Đối với những công ty đang ở giai đoạn tăng trưởng, nếu thực hiện mô hình này cần phải cân nhắc kỹ mức cổ tức khởi đầu hợp lý.

Đối với mô hình chính sách lợi nhuận giữ lại thụ động:

Theo nguyên lý của chính sách này là công ty sẽ ưu tiên nguồn lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư. Do đó, mô hình này sẽ phù hợp với các công ty đang trong giai đoạn

tăng trưởng. Tuy nhiên các công ty cần phải vận dụng mô hình này một cách uyển chuyển vì không phải năm nào cũng có nhiều cơ hội đầu tư tốt. Vì vậy, để thực hiện mô hình chính sách lợi nhuận giữ lại thụ động một cách tốt nhất, các công ty niêm yết cần tuân thủ các điều kiện sau:

+ Công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng có nhiều cơ hội đầu tư;

+ Các cơ hội đầu tư phải có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn chi phí sử dụng vốn đầu tư và đáo ứng được tỷ suất sinh lời kỳ vọng của cổ đông;

+ Không thực hiện đầu tư quá mức làm cạn kiệt nguồn lực tài chính của công ty.

Đối với mô hình chính sách cổ tức cố định ở mức thấp và chia thêm vào cuối năm:

Mô hình này thích hợp với những công ty có lợi nhuận sau thuế biến động và nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư thường có sự thay đổi. Nó sẽ giúp các công ty thực hiện chi trả cổ tức một cách linh hoạt hơn. Một mặt, nó vẫn đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông nhận được 1 mức cổ tức đảm bảo nhất định; mặt khác, nó giúp nhà điều hành công ty chủ động hơn trong việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư khi có cơ hội đầu tư tốt. Như vậy, các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng có thể lựa chọn mô hình chính sách cổ tức này. Tuy nhiên, cần phải xác định mức cổ tức cố định hợp lý để không ảnh hưởng đến mức cổ tức chia vào cuối năm hay lợi nhuận giữ lại khi cần thiết.

5.1.2.5. Đa dạng hoá hình thức chi trả cổ tức

Các hình thức chi trả cổ tức phổ biến hiện nay được các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam áp dụng là chi trả cổ tức bằng tiền, bằng cổ phiếu và kết hợp vừa trả bằng tiền vừa trả bằng cổ phiếu.

Đối với hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt

Trong giai đoạn từ 2012 - 2019, phần lớn các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Việc trả cổ tức bằng tiền làm tăng thu nhập thực tế, tác động trực tiếp đến lợi ích của cổ đông. Điều này càng phù hợp với các

nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ có xu hướng đầu cơ hơn là đầu tư. Khi trả cổ tức bằng tiền sẽ có lượng tiền không nhỏ rút ra khỏi công ty. Đối với những công ty đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, việc trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông có thể dẫn đến sự thiếu hụt về vốn bằng tiền cho đầu tư.

Như vậy, các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam nên lựa chọn hình thức trả cổ tức bằng tiền trong những điều kiện sau:

- Công ty đang ở giai đoạn phát triển ổn định hoặc suy thoái; - Công ty có nguồn tiền dồi dào;

- Công ty có ít cơ hội đầu tư tăng trưởng tốt trong tương lai;

- Giá cổ phiếu trên TTCK đang có xu hướng giảm, việc trả cổ tức sẽ là một tín hiệu tốt thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Đối với hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu

Hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu phù hợp với các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển nhanh. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là một cách vốn hóa lợi nhuận, tăng vốn chủ sở hữu giúp công ty có thêm nguồn vốn để thực hiện đầu tư.

Xét về mặt lý thuyết, khi công ty thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu dẫn đến hiện tượng “pha loãng cổ phiếu”, giá cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách trả cổ tức sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, nếu công ty có triển vọng kinh doanh tốt và nhiều tiềm năng phát triển thì giá cổ phiếu của công ty sẽ tăng mạnh trong tương lai. Khi đó, cổ đông sẽ có khoản thu nhập từ chênh lệch vốn cổ phần có thể cao hơn việc nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Như vậy, các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam nên lựa chọn hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong điều kiện:

- Công ty đang ở giai đoạn tăng trưởng, phát triển có nhu cầu vốn đầu tư lớn; - Công ty có nhiều cơ hội đầu tư, có tiềm năng và triển vọng trong tương lai; - Thị trường chứng khoán có xu hướng tăng giá.

Nhìn chung, mỗi hình thức trả cổ tức sẽ có ưu điểm và nhược điểm khác nhau; do đó các công ty cần xem xét kỹ để lựa chọn hình thức chi trả hay kết hợp các hình thức chi trả cho phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong từng giai đoạn cụ thể.

Một phần của tài liệu Phân tích những nhân tố tác động đến chính sách cổ tức tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 85 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(153 trang)
w