Đô la hóa có thể là một giải pháp hiệu quả đối với các nền kinh tế mở ,có quy mô nhỏ và có mối quan hệ thương mại cũng như tài chính chặt chẽ đối với quốc gia cung cấp đồng tiền thay thế. Việt Nam rõ ràng không phải là ứng cử viên được lợi từ đô la hóa do khác biệt lớn so với Mỹ về sự giàu có, cơ cấu kinh tế và sự hội nhập thấp về vốn và lao động. Ngoài ra
ngoại tệ được sử dụng chủ yếu ở Việt Nam là đô la Mỹ nhưng Việt Nam lại có quan hệ thương mại đa dạng với các nước khác trên thế giới. Mặc dù buôn bán với Mỹ đang tăng nhanh nhưng buôn bán với các nước khác như Nhật Bản Trung Quốc châu Âu cũng chiếm một tỷ trọng lớn. Khi tỷ giá USD/VND và tỷ giá của USD với các đồng tiền khác đang biến động ngược chiều như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại của Việt Nam.
Tình trạng đô la hóa kéo dài và ở mức cao như việt Nam hiện nay đã gây nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế:
Thứ nhất, xu hướng tăng giá một chiều của tỷ giá ngày càng rõ rệt. Tính đến ngày 30/9 /2010 VND đã mất giá khoảng 10,2% tỷ giá USD/VND đã có lúc lên đến 21000. Theo lý thuyết khi nội tệ giảm giá sẽ kích thích xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm, nhưng trong điều kiện thực tế của Việt Nam nhập khẩu giảm không đáng kể do năng lực sản xuất và quản lý của các doanh nghiệp trong nước vãn còn yếu kém, trong khi chúng ta xuất khẩu những sản phẩm thô hoặc sản phẩm thuộc những ngành hàng cần nhiều sức lao động do đó doanh thu từ xuất khẩu không lớn. Bên cạnh đó khi USD tăng giá làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng từ đó dẫn tới sự tăng giá chung đối với các hàng hóa trong nước, gây áp lực lạm phát.
Thứ hai, nguồn ngoại tệ chảy vào Việt Nam dồi dào nhưng cung ngoại tệ tăng lên không đáng kể. Thay vì bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, các cá nhân tổ chức có nguồn thu từ ngoại tệ như doanh nghiệp xuất khẩu ,những người nhận kiều hối từ nước ngoài…lại nắm giữ ngoại tệ tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm tại các NHTM.Khi đó các NHTM khó mua được ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán và NHNN cũng khó tăng dự trữ ngoại hối.
Thứ ba, tình trạng đôla hóa càng phát triển càng tạo điều kiện và kích thích thị trường chợ đen phát triển, từ đó gây khó khăn và giảm hiệu lực khi điều hành chính sách tỷ giá. Đô la hóa tạo nên tình trạng hai tỷ giá, một tỷ giá trên thị trường chính thức và một tỷ giá trên thị trường chợ đen.
Hình 16: tỷ giá VND/USD chính thức và tỷ giá chợ đen của Việt Nam
Tỷ giá trên thị trường chợ đen thường cao hơn so với tỷ giá trên thị trường chính thức, thường biến động rất nhanh, thậm chí đã tạo ra cơn sốt đô la, gây thiệt hại cho một bộ phận người dân, tác động xấu đến lòng tin của người dân đối với VND. Bên cạnh đó, hoạt động của thị trường chợ đen còn tiếp tay cho những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp như buôn lậu, tham nhũng, rửa tiền….
Thứ tư, hệ thống ngân hàng bị đô la hóa gây nguy cơ khủng hoảng tài chính. Mặc dù tiền gửi bằng ngoại tệ có tác động tích cực đến độ sâu tài
chính song tiền gửi bằng ngoại tệ thường có thời hạn tương đối ngắn, trong khi các khoản cho vay bằng ngoại tệ lại thường có thời hạn dài. Sự mất cân đối về kỳ hạn này dẫn đến nguy cơ thanh khoản bằng ngoại tệ cao, trong khi đó khả năng của NHNN trong việc điều tiết nguy cơ thanh khoản bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi NHTM phải nhờ đến NHNN trên cương vị là người cho vay cuối cùng còn hạn chế. Mở rộng tín dụng bằng ngoại tệ giúp ngân hàng tránh được chênh lệch tiền tệ giữa tài sản nợ và có, nhưng lại gia tăng rủi ro tín dụng, vì rủi ro tỷ giá được chuyển sang người đi vay cuối cùng, nhất là những doanh nghiệp không có nguồn thu bằng ngoại tệ. Trong khi đó các công cụ phòng ngừa rủi ro bằng ngoại hối trên thị trường Việt Nam vẫn chưa phát triển, hơn nữa việc cho vay ngoại tệ trong nước còn thúc đẩy tiến trình đô la hóa bằng cách tính lãi bằng ngoại tệ đối với những khoản vay này, tạo thêm cầu ngoại tệ, phá hoại sự ổn định của nội tệ.
Thứ năm, đô la hóa nguồn vốn huy động khiến các NHTM trong nước bị động về lãi suất. Lãi suất ngoại tệ trong nước và quốc tế ở đâu cao hơn, dòng tiền gửi ngoại tệ sẽ chảy đến đó. Nếu nhận thấy lãi suất tiền gửi trên thị trường quốc tế cao hơn, người gửi tiền sẽ rút tiền gửi ngoại tệ của mình ở ngân hàng trong nước để gửi ở ngân hàng nước ngoài. Trong trường hợp này, các ngân hàng trong nước có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Để giữ được người gửi tiền, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất bằng ngoại tệ lên theo lãi suất quốc tế. Bên cạnh đó, những khách hàng đang gửi tiền bằng nội tệ khi nhận thấy lãi suất tiền gửi ngoại tệ đem lại lợi nhuận cao hơn, họ sẽ chuyển khoản tiền gửi của mình sang ngoại tệ. Vì vậy, cầu nội tệ trở nên bất ổn do nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất quốc tế. Lãi suất huy động nội tệ tăng lên, để đảm bảo lợi nhuận, các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất cho vay nội tệ, từ đó làm gia tăng chi phí vốn cho các
doanh nghiệp, dẫn đến sự gia tăng của giá cả hàng hóa trong nước, từ đó gây áp lực lên lạm phát.