Chủ điểm Bảo vệ Tổ quốc
Trong thời kì hậu chiến, chúng ta hân hoan vì những chiến tích lẫy lừng của quân và dân ta trước kẻ thù tàn ác. Chúng ta bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, tuy nhiên hình ảnh những người lính đã hi sinh quên mình vì độc lập tự do cho tổ quốc luôn làm chúng ta bồi hồi khi nhắc lại. Biết bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống nơi chiến trường bom đạn khiến người thân
không khỏi xót xa. Cũng giống như cô bé Nga trong bài thơ “Chú ở bên Bác Hồ” luôn thương nhớ về người chú đã hi sinh trong chiến tranh.
“Chú Nga đi bộ đội Sao lâu quá là lâu
Nhớ chú Nga thường nhắc Chú bây giờ ở đâu?”
Chú bộ đội là người ruột thịt của gia đình. Giữa hai chú cháu cũng có tình cảm riêng. Bé Nga càng quan tâm đến chú, quý trọng chú hơn vì chú là bộ đội. Chính vì thế, tác giả tập trung nói đến niềm thương nhớ của người cháu ở quê nhà đối với người chú ở chiến trường. Chú đi bộ đội sao lâu quá là lâu, cho nên cháu thường nhắc nhớ: “Chú bây giờ ở đâu?”. Cháu ngây thơ hỏi về những nơi bộ đội ta thường đến làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc:
“Trường Sơn dài dằng dặc? Trường Sa đảo nổi, chìm? Hay on Tum, Đắc Lắc?”
Đất nước Việt Nam chúng ta dài rộng, bộ đội đóng quân ở mọi miền. Niềm thương nhớ của đàn em nhỏ cứ mãi mãi nới rộng ra qua các miền đất, vùng biển, hải đảo và trải dài qua nhiều năm tháng…
Năm dấu hỏi tu từ liên tiếp, dồn dập - là thủ pháp nghệ thuật trùng điệp - đặt ở cuối năm câu thơ, khiến nỗi nhớ thương của cháu càng thêm sâu lắng, mênh mông, chẳng khác gì như nỗi niềm nghi ngại, thắc thỏm, lo âu, mong mỏi, giục giã tìm hiểu… Rất có thể cháu không thể biết được rằng, gia đình đã đi tìm mộ liệt sĩ ở nhiều nơi, qua suốt bao tháng năm mà không có kết quả. Khổ thơ kết thúc bài thơ dành cho thái độ và câu trả lời rất súc tích, mang tầm khái quát cao của người lớn - những người có hiểu biết và xúc cảm sâu nặng hơn trẻ nhỏ:
“Mẹ đỏ hoe đôi mắt Ba ngước lên bàn thờ: - Đất nước không còn giặc Chú ở bên Bác Hồ!”
Khi con nhắc hỏi về chú, mẹ khóc. Còn bố thì ngước lên bàn thờ và chắc chắn ông đã thắp mấy nén hương thơm, cúi đầu và trầm ngâm lặng lẽ hồi lâu. Thái độ, cử chỉ của mẹ và câu trả lời của bố đã giúp đứa con nhỏ hiếu thảo nhanh chóng hiểu rằng chú đã hy sinh. Sự ra đi của người chú đã để lại sự xót thương cho những người ở lại. Hình ảnh người mẹ “đỏ hoe đôi mắt” là sự minh chứng cho tình cảm, sự biết ơn mà những người ở lại gửi đến những chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ đất nước. Câu trả lời của người ba đã giúp cho Nga lí giải những thắc mắc bấy lâu, tuy nhiên người cha đã nói tránh đi để làm giảm đau xót trong lòng đứa trẻ, không phải là “mất”, mà là “chú ở bên Bác Hồ”. Qua hình ảnh này chúng ta có thể thấy sự hy sinh của người chú là thiêng liêng, cao cả, là sự cống hiến cho đất nước, cho tổ quốc thân yêu. Những năm qua, nhiều gia đình lập ban thờ tưởng niệm vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc thì cũng đồng thời tưởng niệm vong linh liệt sĩ. Gia đình bé Nga cũng vậy!
Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ với giọng điệu hồn nhiên, ngây thơ của đứa trẻ và tâm trạng đau sót của người cha. Việc sử dụng liên tiếp các dấu hỏi làm tăng thêm sự tò mò của bé Nga về sự vắng mặt của chú.
Tác giả đã khéo léo lồng tình cảm gia đình, cá nhân riêng lẻ vào tình cảm chung rộng lớn, cao đẹp đối với nhân dân, Tổ quốc và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Yêu thương bộ đội, thương binh, tưởng nhớ Bác Hồ và liệt sĩ cũng là yêu thương nhân dân mình, Tổ quốc mình. Khổ thơ kết thúc đã nâng cao ý nghĩa bài thơ lên. Người liệt sĩ từ gia đình bé Nga ra đi đã được trở về bên cạnh Bác Hồ. Chú của bé Nga tiếp tục đi trên con đường vinh quang mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn. Bài thơ viết về liệt sĩ qua cái nhìn, xúc cảm thơ ngây của em bé khiến cho người lớn cũng xúc động.