7. Kết cấu của luận án
1.2.1. Kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin
Sự kỳ vọng quá mức hay kỳ vọng bất hợp lý của người sử dụng thông tin đã được chỉ ra là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán trong các nghiên cứu của Humphrey và cộng sự (1993), Swift và Dando (2002), Shaikh và Talha (2003), Salehi (2007), Lee và cộng sự (2009), Agyei và cộng sự (2013), Enofe và cộng sự (2013), Kamau (2013), Albeksh (2017), Awuor
(2018).
Khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán thường gắn liền với kỳ vọng bất hợp lý của công chúng vì công chúng thường hiểu sai mục đích và bản chất của kiểm toán (Humphrey và cộng sự, 1993). Lee và Ali (2008) cho rằng những kỳ vọng bất hợp lý của người sử dụng thông tin có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới danh tiếng của nghề nghiệp kiểm toán vì họ không nhận ra được giá trị thực của kiểm toán. Công chúng là người sử dụng miễn phí các báo cáo tài chính được kiểm toán, họ có thể yêu cầu kiểm toán viên thực hiện một số nhiệm vụ có thể là không logic hoặc không phù hợp về mặt giá phí (Lee và cộng sự, 2009).
Enofe và cộng sự (2013) cũng cho rằng nguyên nhân chính của khoảng cách hợp lý nằm ở những kỳ vọng bất hợp lý của người sử dụng thông tin. Salehi (2011) tin rằng nguyên nhân chính gây ra khoảng cách hợp lý là do sự thiếu hiểu biết, kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin. Kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin xuất phát từ sự thay đổi trong quá trình phát triển của kiểm toán. Đầu những năm 1990, kiểm toán viên tham gia cung cấp dịch vụ đảm bảo tuyệt đối với việc phát hiện và ngăn chặn gian lận là mục tiêu chính. Sau đó, kiểm toán chuyển dịch sang cung cấp dịch vụ bảo đảm hợp lý với ý kiến về sự trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính là mục tiêu chính (Salehi và cộng sự, 2009). Kiểm toán đã có sự phát triển và thay đổi nhưng kỳ vọng của người sử dụng thông tin lại không thay đổi do đó sự khác biệt vẫn tồn tại.
Theo các nguyên nhân gây ra khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán của Salehi (2007), kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin bao gồm kỳ vọng quá mức về mức độ thực hiện công việc của kiểm toán viên và kỳ vọng quá mức về các chuẩn mực nghề nghiệp hiện hành. Theo Kamau (2013), nguyên nhân gây ra khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán là do sự thiếu kết nối giữa kỳ vọng của công chúng về vai trò của kiểm toán viên và vai trò, hiệu quả thực tế của họ. Kamau (2013) lập luận rằng những kỳ vọng bất hợp lý của người sử dụng thông tin dẫn đến khoảng cách kỳ vọng với nhiều khả năng những kỳ vọng cao hơn của người sử dụng xuất phát từ nhu cầu cao hơn của họ.
Lin và Chen (2004) trong nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán tại Trung Quốc cũng đã chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ nhóm có lợi ích có kỳ vọng cao hơn so với kiểm toán viên. Điều này xuất phát từ bối cảnh Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường, quy mô của các doanh nghiệp Nhà nước còn khá lớn, các nhà đầu tư, cổ đông kỳ vọng kiểm toán viên phải có chức năng giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra 2 nhân tố cơ bản hình thành sự khác biệt là kỳ vọng quá mức của người sử dụng báo cáo kiểm toán và chất lượng thực hiện công việc kiểm toán yếu kém.