Khoảng trống nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 55 - 58)

7. Kết cấu của luận án

1.3. Khoảng trống nghiên cứu

Như vậy, các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán không chỉ lớn về mặt số lượng mà còn rất đa dạng về nội dung. Các nghiên cứu của Liggio (1974), Ủy ban Cohen (1978), Porter (1993), AICPA (1993) … đã xác lập được các khái niệm khác nhau về khoảng cách kỳ vọng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu của MacDonald (1988), Hatherly và cộng sự (1991), Porter (1993), Innes và cộng sự (1997) … cũng đưa ra được mô hình cấu trúc của khoảng cách kỳ vọng. Các nghiên cứu đã chỉ ra sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng liên quan đến các khía cạnh khác nhau như trách nhiệm của kiểm toán viên, thông tin truyền tải trên báo cáo kiểm toán, mức độ đảm bảo của kiểm toán.

Mặc dù các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán rất đa dạng, phong phú nhưng vẫn còn những khoảng trống nghiên cứu như:

1. Khoảng cách kỳ vọng vẫn được còn là thuật ngữ khá mới mẻ tại Việt Nam, số lượng các nghiên cứu về chủ đề này tại Việt Nam còn hạn chế đặc biệt là các nghiên cứu thực nghiệm.

2.Các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán được đặt trong các bối cảnh không gian và thời gian khác nhau sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề nghiên cứu và đóng góp cho sự phát triển của khoa học kiểm toán. Hơn nữa, với bối cảnh Việt Nam là một quốc gia có thị trường chứng khoán và dịch vụ kiểm toán còn non trẻ với khoảng 30 năm hình thành và phát triển, các kết luận, phát hiện của nghiên cứu có thể phù hợp hoặc trái ngược với kết quả của các nghiên cứu trước đây sẽ là cơ sở tổng kết bài học kinh nghiệm quốc tế hoặc có các điều chỉnh kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường kiểm toán tại Việt Nam.

3. Các nghiên cứu thực nghiệm về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán có 2 cách thức tiếp cận chính: trong khi một số nghiên cứu xem xét sự khác biệt từ cả phía kiểm toán viên và người sử dụng thông tin thì một số nghiên cứu khác chỉ nhìn nhận sự khác biệt từ phía người sử dụng thông tin. Trong đó, cách tiếp cận từ phía người sử dụng thông tin được đánh giá là phù hợp với thuật ngữ “khoảng cách kỳ vọng” cũng như đảm bảo tính khách quan của kết quả nghiên cứu. Để đo lường khoảng cách kỳ vọng theo cách tiếp cận này, hầu hết các nghiên cứu đều kế thừa phương pháp của Porter (1993). Theo đó, kết quả của các nghiên cứu chỉ ra các

trách nhiệm kiểm toán cấu thành nên các thành phần khoảng cách cũng như tỷ lệ % của các loại khoảng cách (khoảng cách hợp lý, khoảng cách chuẩn mực, khoảng cách chất lượng kiểm toán) với mặc định khoảng cách kỳ vọng là 100% mà không cho biết độ lớn cụ thể của khoảng cách này. Chính vì vậy, một số nghiên cứu sau này đã kế thừa phương pháp và kết quả của Porter (1993) để xác định các trách nhiệm của kiểm toán viên cấu thành khoảng cách kỳ vọng, sau đó dùng thang đo Likert để đo lường khoảng cách kỳ vọng. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu này, khoảng cách kỳ vọng lại được đo lường bằng sự khác biệt đáng kể giữa quan điểm của kiểm toán viên và người sử dụng thông tin. Điều này khiến cho các nghiên cứu trên thiếu đi tính nhất quán giữa việc xác định các trách nhiệm cấu thành khoảng cách (chỉ từ phía người sử dụng thông tin) và việc đo lường khoảng cách kỳ vọng (từ phía người sử dụng thông tin và kiểm toán viên). Hơn nữa, phương pháp đo lường trên đã làm mất đi ý nghĩa về tính khách quan của việc tiếp cận khoảng cách kỳ vọng từ phía người sử dụng thông tin.

4. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở lý luận, chứng minh sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán trong thực tiễn cũng như xác định các thành phần cấu thành khoảng cách kỳ vọng nhưng lại chưa quan tâm đúng mức tới các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới khoảng cách kỳ vọng. Một số nghiên cứu có đề cập tới nhân tố ảnh hưởng nhưng còn phân tán, kết quả chưa nhất quán và còn nhiều điểm chưa được làm rõ.

Chính vì vậy, luận án xác lập mục tiêu là nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng và ảnh hưởng của các nhân tố tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán trong bối cảnh của Việt Nam. Khoảng cách kỳ vọng trong luận án được tiếp cận từ phía người sử dụng thông tin nhằm đảm bảo tính khách quan. Với cách tiếp cận này, luận án kế thừa khái niệm, cấu trúc khoảng cách kỳ vọng của Porter (1993). Tuy nhiên, bên cạnh việc chỉ ra các khía cạnh tồn tại khoảng cách kỳ vọng, luận án còn đo lường khoảng cách kỳ vọng trong thực tế. Về các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng, luận án không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này tới khoảng cách kỳ vọng nói chung mà còn đo lường mức độ ảnh hưởng tới từng thành phần của khoảng cách kỳ vọng bao gồm: khoảng cách hợp lý, khoảng cách chuẩn mực và khoảng cách chất lượng kiểm toán.

Kết luận chương 1

Tổng quan nghiên cứu được trình bày trong chương 1 đã hệ thống hoá kết quả của các nghiên cứu tiền nhiệm về các khía cạnh như sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán; mô hình cấu trúc của và phương pháp đo lường khoảng cách kỳ vọng cũng như các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng. Trong đó các nghiên cứu được hệ thống trên cơ sở: (1) các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng giữa người sử dụng thông tin và kiểm toán viên; (2) các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng chỉ từ phía người sử dụng thông tin. Trong chương 1, luận án cũng đã đánh giá ưu, nhược điểm của mỗi cách tiếp cận nêu trên. Kết quả tổng quan nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng để luận án xác định khoảng trống nghiên cứu, lựa chọn góc độ tiếp cận để xây dựng cơ sở lý thuyết cho mô hình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng ở các chương tiếp theo.

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KHOẢNG CÁCH KỲ VỌNG VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI KHOẢNG CÁCH KỲ VỌNG TRONG KIỂM TOÁN

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(175 trang)
w