3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.5.2. Tình hình nghiên cứu về mật độ và khoảng cách trồng ngô ở Việt Nam
Các nghiên cứu về mật độ và khoảng cách gieo trồng ngô ở nước ta đã được nghiên cứu cách đây khá lâu. Chúng ta luôn có quan niệm: Mật độ trồng gắn liền với đặc điểm của giống, điều kiện sinh thái và mùa vụ, khả năng đầu tư của nông dân ở từng vùng cụ thể. Những năm 1984-1986, Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi đã trồng giống ngô MSB49 ở các mật độ 9,52 vạn cây/ha (70 x 15 cm), 7,14 vạn cây/ha (70 x 20 cm) và 5,7 vạn cây/ha (70 x 25 cm), với 3 mức phân bón khác nhau. Kết quả cho thấy ở mật độ 9,52 vạn cây/ha với mức phân bón 120 N: 80 P205: 40 K20 kg/ha cho năng suất cao nhất (55,30 tạ/ha) và ở mật độ 5,7 vạn cây/ha cho năng suất thấp nhất. Tuy nhiên, sự sai khác về năng suất giữa các công thức không đáng kể. Đến năm 2005, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh ngô lai đạt năng suất trên 7 tấn/ha ở các tỉnh miền Bắc (Cục Trồng trọt, 2006). Trong đó khuyến cáo, với các giống dài ngày nên trồng với mật độ từ 5,5 - 5,7 vạn cây/ha, các giống ngắn và trung ngày trồng 6,0 - 7,0 vạn cây/ha với khoảng cách giữa các hàng là 60 - 70 cm. Tuy vậy, nhiều nơi bà con nông dân chưa trồng đạt mật độ khuyến cáo, có nơi chỉ đạt khoảng 3 vạn cây/ha (một sào Bắc Bộ chỉ đạt 1.200 - 1.300 cây). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất ngô trong sản xuất của nước ta chỉ mới đạt 30 - 40% so với tiềm năng trong thí nghiệm (trong điều kiện thí nghiệm nhiều giống đã đạt năng suất 12 - 13 tấn/ha) (Phan Xuân Hào, 2007) [10].
Kết quả của các thí nghiệm trong dự án Quản lý dinh dưỡng cho ngô theo vùng đặc thù mà Viện dinh dưỡng cây trồng quốc tế, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá Việt Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ và một số Viện khác thực hiện từ năm 2005. Tức là cùng một mật độ 6,7 vạn cây/ha nhưng ở khoảng cách 50 x 30 cm cho năng suất cao hơn ở khoảng cách 75 x 20 cm.Tại Hội thảo quốc tế thuộc dự án “Quản lý dinh dưỡng theo vùng đặc thù cho ngô ở Việt Nam” do Viện Kali Quốc tế (IPI), Viện Lân Kali Quốc tế (PPI), Viện Lân Kali Canada (PPIC), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và Thổ nhưỡng Nông hoá Việt Nam (SFRI) tổ chức ngày 7 - 9/8/2006 tại Hà Nội, các báo cáo của Phạm Sỹ Tân, Trịnh Quang Khuông (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long); Nguyễn Mỹ Hoa, Đặng Duy Minh (Trường Đại học Cần Thơ) đã đưa ra kết luận, trong vụ Đông Xuân 2005 - 2006, tại An Giang và Trà Vinh khi tăng mật độ từ 6,7 vạn cây/ha (75 x 20 cm) lên 7,4 vạn cây/ha (75 x 18 cm) thì năng suất ngô tăng lên khoảng 0,4 tấn/ha; cùng mật độ 6,7 vạn cây/ha nhưng ở khoảng cách 50 x 30 cm cho năng suất cao hơn rõ rệt so với khoảng cách 75 x 20 cm.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ngô từ 2006 - 2008 đã xác định được mật độ cho năng suất cao nhất đối với phần lớn các giống thí nghiệm là 8 vạn cây/ha và giống LVN10 là 7 vạn cây/ha, với khoảng cách hàng là 50 cm (hoặc 40 cm). Ở mật độ và khoảng cách này, năng suất các giống cao hơn so với mật độ và khoảng cách đã được khuyến cáo lâu nay (5,7 vạn cây/ha, khoảng cách hàng 70 cm) trung bình trên 30%. Đề tài đã xác định được ưu thế của việc thu hẹp khoảng cách hàng, ở mật độ tương đối cao thì ưu thế về tăng năng suất càng rõ; ở mật độ 5 vạn cây/ha, năng suất ở khoảng cách hàng 50 cm vượt khoảng cách hàng 70 cm và 90 cm tương ứng là 6,0 và 11,9%, còn ở 8 vạn cây/ha là 17,8 và 25,4%. Ở vùng Đông Nam Bộ, kết quả trong 3 năm (2007 - 2009) đối với 3 giống ngô LVN61, VN8960 và C919 cho thấy tất cả các giống ở mật độ 7,1 vạn cây/ha và khoảng cách hàng 50 cm cho năng suất cao nhất.
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ và khoảng cách hàng gieo đến năng suất của giống ngô lai LVN66 tại vùng Đông Nam Bộ cho thấy ở mật độ 7,1 vạn cây/ha với khoảng cách 50 cm x 28 cm, vượt năng suất so với mật độ 5,7 vạn cây/ha với khoảng cách 70 cm x 25 cm từ 46,1 - 57,6%. Với cùng khoảng cách hàng (50 cm hoặc 70 cm) năng suất giống LVN66 đạt cao nhất ở mật độ 7,1 vạn cây/ha. Khi thu hẹp khoảng cách hàng từ 70 cm xuống 50 cm, năng suất giống LVN66 tăng từ 9,3 - 18,6% (Lê Văn Hải, 2011)[9].
Kết quả nghiên cứu vụ Xuân và Thu năm 2010 trên THL IL3 x IL6 tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Sơn Dương - Tuyên Quang, Chợ Mới - Bắc Kạn cho thấy mật độ 7,1 vạn cây/ha với khoảng cách hàng 50 cm và cây cách cây 28 cm thích hợp cho THL IL3 x IL6. Với mật độ khoảng cách này tạo cho quần thể ngô đạt đến mức độ tối ưu trong tiếp nhận ánh sáng mặt trời và nhiệt độ, tạo điều kiện cho cây ngô sinh trưởng phát triển tốt. Thời gian sinh trưởng trung bình trong vụ Xuân là 111 ngày, vụ Thu là 98 ngày; khả năng chống chịu tốt với bệnh khô vằn; chống chịu khá với sâu đục thân và bệnh đốm lá; năng suất thực thu đạt cao nhất (dao động từ 82,34 - 86,23 tạ/ha), vượt đối chứng từ 16,8 - 18,9% (Dương Thị Nguyên và cs, 2011)[22].
Thí nghiệm được tiến hành để xác định khoảng cách hàng phù hợp cho giống ngô lai C.P.333 trên đất xám bạc màu Bắc Giang. Thí nghiệm được thực hiện qua 2 vụ đông 2010 và xuân 2011 trên cùng một nền phân bón (10 tấn PC + 135N + 90P2O5 + 100K2O)/ha. Kết quả cho thấy: Trồng giống ngô lai trung ngày C.P.333 với khoảng
cách hàng 50cm, mật độ thích hợp nhất là 7 vạn cây/ha. Ở mật độ, khoảng cách hàng này, ngô cho chỉ số diện tích lá cao nhất, ít sâu bệnh hại, năng suất cao hơn so với trồng ở các mật độ khác trong cả hai mùa vụ (Đinh Văn Phóng và cs,2013)[23].
Hai giống ngô lai C919 và LVN 68 đã được thí nghiệm năm 2011 để xác định mât đô, khoảng cách, và liều lượng phân bón N, P, K tai huyện Krông Pak, tỉnh Đak Lăk. Các giống ngô lai đã được thí nghiêm ở 3 mật độ, 2 khoảng cách và 7 công thức phân bón khác nhau. Kết quả cho thấy năng suất của các giống ngô ở mật độ 6,7 vạn cây/ha (60x25 cm) cao hơn so với mật độ và khoảng cách khác từ 9,7 – 12,5%. Liều lượng phân bón thích hợp cho các giống ngô lai là 150N – 80 P2O5 – 100 K2O cao hơn so với liều lượng phân bón khác từ 1,7 – 7,6%. Vì vậy, mật độ, khoảng cách và liều lượng phân bón thích hợp cho 2 giống ngô lai C919 và LVN 68 tại Đak Lak là 6,7 vạn cây/ha (60 x 25 cm) và 150 N – 80 P2O5 – 100 K2O (Đinh Văn Phê và cs, 2016)[60].
1.6. Nghiên cứu về trồng xen và che phủ trên thế giới và ở Việt Nam