Đầu tiên, nhà nước cần là cầu nối thực hiện chính sách thương mại tốt, tạo điều kiện tiền đề cho xuất khẩu, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đưa ra chính sách phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhà nước cần sát sao trong việc nắm bắt thông tin và truyền đạt thông tin đến các doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến thị trường nhập khẩu bằng cách phối hợp với các bộ, cơ quan ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp hiểu và nắm rõ quy tắc, yêu cầu của nước nhập khẩu. Đối với các mặt hàng tươi sống chúng ta buộc phải tuân theo chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (SIMP), các cơ quan tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng điện tử hóa.
Nhà nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân vay vốn để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi cơ sở hạ tầng dây chuyền chế biến; hỗ trợ ngư dân có khả năng kinh tế để đổi mới phương tiện khai thác, đánh bắt cá, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Nhà nước nên đưa ra chính sách khuyến khích khen thưởng để thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tăng cường hợp tác công nghệ để áp dụng các máy móc, công nghệ tiên tiến trong khâu sản xuất, kiểm tra, quản lý chất lượng.
Ngoài ra, việc đào tạo có định hướng đối với ngư dân giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nguồn nhân lực lành nghề. Nhà nước kêu gọi ngư dân và doanh nghiệp liên kết thành chuỗi cung cấp, ngư dân giảm thiểu chi phí sản xuất và được tiếp xúc với công nghệ từ đó nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi giá trị cá ngừ.
Thứ hai, nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo thỏa mãn yêu cầu xuất xứ của nước nhập khẩu.
Bên cạnh việc hỗ trợ, mở rộng quy mô khai thác việc đánh bắt thủy sản thì nhà nước cần bám theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu để kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, một để đảm bảo uy tín, chất lượng, nâng cao độ tin cậy; hai là điều chỉnh thái độ làm việc nghiêm túc theo tiêu chuẩn quốc tế của các doanh nghiệp.
Cần kiểm soát chặt chẽ và phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân các quy định về vùng khai thác, mùa khai thác, loại cá ngừ khai thác phù hợp với quy định và điều ước quốc tế, hướng dẫn ngư dân các yêu cầu đối với ghi chép thuyền trưởng, trang bị các thiết bị thông tin cần thiết để xác định ngư trường, xác định vùng đánh bắt, ngư trường đánh bắt nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc cá ngừ đại dương khai thác.
Đồng thời, cần đưa ra chế tài xử phạt xác đáng để răn đe những hành vi lợi dụng khe hở luật pháp xuất khẩu mặt hàng kém chất lượng, gây ra ảnh hưởng xấu đến vị thế của Việt Nam.
Thứ ba, nhà nước là hậu thuẫn để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường tiêu thụ.
Hiện nay giá thành sản xuất của cá ngừ Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung, cộng thêm việc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho giá cước vận chuyển tăng phi mã dẫn đến sản phẩm của chúng ra giảm khả năng cạnh tranh. Nhà nước huy động cư dân và các doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến tạo thành các chuỗi tập trung xây dựng chiến lược giảm giá, như vậy hiệu quả kinh tế sẽ được nâng lên rất nhiều.
Để phát triển thị trường tiêu thụ, việc đầu tư cho phát triển thương hiệu, logo cá ngừ Việt Nam và chỉ dẫn địa lý là cần thiết. Dựa trên thương hiệu chung, các doanh nghiệp thành viên có thể phát triển thương hiệu đặc trưng của mình kèm theo mẫu mã, bao bì sản phẩm… Sự hỗ trợ của các nhóm tác nhân liên quan như Hiệp hội Cá ngừ (VINATUNA), VASEP, cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chính phủ (NGOs) cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu, hình ảnh sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho cá ngừ Việt Nam.