2.2.4.1 Phòng bệnh
- Vệ sinh chuồng trại và thiết bị chăn nuôi:
+ Tẩy uế chuồng trại sau mỗi lứa nuôi bằng phương pháp: Rửa sạch, để khô sau đó phun thuốc khử trùng tiêu độc bằng các loại thuốc sát trùng và để trống chuồng 30 ngày đối với vật nuôi sinh sản. Các thiết bị, dụng cụ chăn nuôi cần rửa sạch, sau đó sát trùng, phơi khô và đưa vào kho bảo quản. Vệ sinh phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi.
+ Phương pháp phun thuốc khử trùng tiêu độc trong thời gian để trống chuồng như sau: Mỗi tuần phun từ 1 - 2 lần, có thể phun bằng máy hoặc phun bằng bình phun tay. Phun một lượng dung dịch thuốc sát trùng cho ướt mặt nền và trong chuồng và các bờ ngăn chuồng.
- Phòng bệnh bằng vaccine:
Phòng bệnh bằng vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động có hiệu quả nhất.
Theo Nguyễn Bá Hiên và Huỳnh Thị Mỹ Lệ (2012) [6], vaccine là một chế phẩm sinh học mà trong đó có chứa chính mầm bệnh cần phòng cho một bệnh truyền nhiễm nào đó ( mầm bệnh này có thể là vi khuẩn, virus, độc tố hay vật liệu di truyền như ARN, ADN...) đã được làm giảm độc lực hay vô độc bằng các tác nhân vật lý, hóa học, sinh học hay phương pháp sinh học phân tử (vaccine thế hệ mới - vaccine công nghệ gen). Vaccine khi được đưa vào cơ thể vật nuôi, chưa sinh ra kháng thể chống bệnh ngay mà phải sau 7 - 21 ngày (tùy theo từng loại vaccine) thì cơ thể mới sinh ra miễn dịch chống lại bệnh đó.
2.2.4.2. Điều trị bệnh
Theo Nguyễn Bá Hiên và Huỳnh Thị Mỹ Lệ (2012) [6], nguyên tắc để điều trị bệnh phải được thực hiện theo các bước sau:
- Điều trị toàn diện: Cần phối hợp nhiều biện pháp như: Dinh dưỡng, dùng thuốc, hộ lý.
- Điều trị sớm trên cơ sở chẩn đoán đúng bệnh để nhanh khỏi bệnh và hạn chế sự lây lan.
- Diệt căn bệnh là chủ yếu kết hợp với điều trị triệu chứng.
- Trong điều trị bệnh nên điều trị những gia súc có thể lành bệnh được. Những gia súc phải điều trị kéo dài, tốn kém vượt quá giá trị của con gia súc thì không nên điều trị.
- Những bệnh rất nguy hiểm có thể lây cho người mà không có thuốc đặc hiệu thì không nên điều trị.
Cũng theo Nguyễn Bá Hiên và Huỳnh Thị Mỹ Lệ (2012) [2], các biện pháp chữa bệnh truyền nhiễm được thực hiện như sau:
- Dùng kháng huyết thanh: Chủ yếu dùng chữa bệnh đặc hiệu vì vậy thường được dùng trong ổ dịch, chữa cho gia súc đã mắc bệnh.
- Dùng kháng sinh: Kháng sinh là những thuốc đặc hiệu có tác dụng ngăn cản sinh sản của vi khuẩn hoặc tiêu diệt vi khuẩn.
- Dùng hóa dược: Phần lớn hóa dược được dùng để chữa triệu chứng, một số hóa dược dùng chữa nguyên nhân vì có tác dụng đặc hiệu đến mầm bệnh. Khi dùng thuốc cần theo những quy tắc sau đây:
- Phải chẩn đoán đúng bệnh để dùng đúng thuốc, dùng sai thuốc sẽ chữa không khỏi bệnh, làm cho việc chữa bệnh về sau gặp khó khăn.
- Phải dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh để giảm liều lượng và độc tính của từng loại, tác động đến vi khuẩn rộng hơn, tăng tác dụng điều trị và hạn chế hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.
- Phải tăng cường sức đề kháng của cơ thể gia súc như: Nuôi dưỡng tốt, dùng thêm vitamin, tiêm nước sinh lý...
- Chọn loại kháng sinh có tác dụng tốt nhất đối với mầm bệnh đã xác định, dùng liều cao ngay từ đầu, những lần sau có thể giảm liều lượng.
- Không nên vội vàng thay đổi kháng sinh mà phải chờ một thời gian để phát huy tác dụng của kháng sinh.
- Hộ lý: Cho gia súc ốm nghỉ ngơi, nhốt riêng ở chuồng có điều kiện vệ sinh tốt (thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh).