gộp các nghiên cứu nâng cao tuân thủ điều trị của bệnh nhân suy tim cho thấy cải thiện kiến thức của bệnh nhân về tuân thủ dùng thuốc, thay đổi lối sống góp phần nâng cao hành vi tự chăm sóc liên quan đến tuân thủ dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn và hoạt động luyện tập [77].
1.2.3.Một số bộ công cụ đánh giá hành vi tự chăm sóc và kiến thức của bệnh nhân suy tim nhân suy tim
1.2.3.1. Bộ câu hỏi đánh giá hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân suy tim
Hiện nay, bộ câu hỏi đánh giá hành vi tự chăm sóc châu Âu (European Heart Failure Self-care Behavior Scale – EHFScB) và bộ câu hỏi đánh giá chỉ số hành vi tự chăm sóc (Self-care Heart Failure Index – SCHFI) là hai bộ công cụ duy nhất được thẩm định để đánh giá hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân suy tim.
Bộ câu hỏi đánh giá hành vi tự chăm sóc của châu Âu (EHFScB)
Bộ câu hỏi đánh giá hành vi tự chăm sóc của châu Âu được phát triển bởi giáo sư Tiny Jaarsma – đại học Linköping, Thụy Điển vào năm 2003 [33]. Ban đầu, bộ câu hỏi có 12 câu hỏi nhưng sau đó được rút gọn lại còn 9 câu hỏi [31]. Nội dung của các câu hỏi liên quan đến kiểm tra cân nặng hàng ngày, hạn chế dịch, tuân thủ dùng thuốc và liên lạc với nhân viên y tế khi có dấu hiệu, triệu chứng của suy tim. Mỗi câu hỏi có 5 mức lựa chọn từ 1 điểm tương ứng “Tôi hoàn toàn đồng ý” tới 5 điểm “Tôi rất không đồng ý”. Điểm tự chăm sóc của bệnh nhân là tổng điểm của 9 câu hỏi, điểm thấp hơn có nghĩa là bệnh nhân có khả năng tự chăm sóc tốt hơn (Bảng 2.2).
Bộ câu hỏi đánh giá hành vi tự chăm sóc của châu Âu (European HF Self- Care Behaviour Scale) đã được áp dụng và kiểm định ở các nước khác nhau như: Anh, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…[35], [51], [63]. Hiện tại, bộ câu hỏi EHFScB đã được dịch ra 25 ngôn ngữ khác nhau. Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Huyền năm 2011 đã dịch bộ câu hỏi EHFScB – 9 sang tiếng Việt và áp dụng trên quần thể bệnh nhân suy tim tại bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên [11],
[51]. Phiên bản tiếng Việt này đã được GS. Tiny Jaarsma chấp thuận và có thể download miễn phí tại trang cá nhân của tác giả trên website trường đại học Linköping, Thụy Điển [102].
So với các bộ câu hỏi đánh giá hành vi tự chăm sóc khác, bộ câu hỏi EHFScB cho thấy tính tiện lợi và nhanh gọn khi áp dụng trên quần thể bệnh nhân lớn do số lượng câu hỏi không quá nhiều.
Bộ câu hỏi đánh giá chỉ số hành vi tự chăm sóc (SCHFI)
Bộ câu hỏi SCHFI đánh giá hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân ở 3 khía cạnh: duy trì hành vi tự chăm sóc (I); quản lý dấu hiệu, triệu chứng của suy tim (II) và mức độ tự tin thực hiện hành vi tự chăm sóc (III).
Phần I bao gồm 10 câu hỏi, mỗi câu hỏi có 4 lựa chọn từ 1 điểm – “không bao giờ hoặc hiếm khi tuân thủ hành vi tự chăm sóc” tới 4 điểm – “luôn luôn tuân thủ hành vi tự chăm sóc”. Tổng điểm của phần I dao động từ 10 đến 40 điểm. Phần II bao gồm 6 câu hỏi liên quan đến nhận biết dấu hiệu suy tim và đánh giá hiệu quả điều trị suy tim. Số điểm của bệnh nhân ở phần II dao động từ 4 đến 24 điểm. Phần III bao gồm 6 câu hỏi liên quan đến mức độ tự tin của bệnh nhân với các hành vi tự chăm sóc. Tổng điểm của phần III dao động từ 6 đến 24 điểm [59]. Tổng điểm hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân là tổng điểm của 3 phần và được quy đổi sang thang điểm chuẩn hóa từ 0 – 100. Điểm hành vi của bệnh nhân cao đồng nghĩa bệnh nhân có hành vi tự chăm sóc tốt hơn [59], [83].
1.2.3.2. Bộ câu hỏi đánh giá kiến thức của bệnh nhân suy tim
Hai bộ câu hỏi thường được sử dụng để đánh giá kiến thức của bệnh nhân suy tim là bộ câu hỏi đánh giá kiến thức suy tim Hà Lan (The Dutch Heart Failure Knowledge Scale - DHFKS) và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức Atlanta (Atlanta Heart Failure Knowledge Test - AHFKT) [84].
Bộ câu hỏi đánh giá kiến thức suy tim Hà Lan (DHFKS)
Năm 2005, van der Wal và Tiny Jaarsma phát triển bộ câu hỏi đánh giá kiến thức của bệnh nhân suy tim Hà Lan (DHFKS). Nội dung của bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên các hành vi tự chăm sóc của bộ câu hỏi EHFScB [79].
Bộ câu hỏi DHFKS có 15 câu hỏi dạng MCQ. Mỗi câu hỏi có 3 lựa chọn trong đó chỉ có 1 lựa chọn được tính 1 điểm, các lựa chọn sai/thiếu được tính 0 điểm. Tổng điểm của bệnh nhân từ 0 đến 15 điểm (Phụ lục 1). Trong quá trình xây dựng bộ câu hỏi, tác giả van der Wal chia bộ câu hỏi thành 3 phân nhóm tương ứng với các phân nhóm hành vi tự chăm sóc trong nghiên cứu của Tiny Jaarsma năm 2003: kiến thức chung về suy tim (câu 6, 7, 9 và 11); kiến thức về điều trị suy tim (câu 3, 4, 10, 12, 13 ,15) và kiến thức liên quan đến triệu chứng, cách nhận biết dấu hiệu của suy tim (câu 1, 2, 5, 8 và 14). Tuy nhiên cấu trúc 3 phân nhóm của bộ câu hỏi không thỏa mãn các yêu cầu của phân tích nhân tố, do đó kiến thức của bệnh nhân được đánh giá thông qua tổng điểm của bộ câu hỏi.
Năm 2011, nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Huyền đã dịch bộ câu hỏi đánh giá kiến thức của bệnh nhân suy tim sang tiếng Việt và đã được chấp nhận bởi tác giả Van der Wal. Bộ câu hỏi đã được áp dụng để đánh giá kiến thức của bệnh nhân suy tim tại bệnh viện đa khoa Thái Nguyên [51].
Bộ câu hỏi đánh giá kiến thức Atlanta (AHFKT)
Bộ câu hỏi đánh giá kiến thức Atlanta được phát triển lần đầu tiên vào năm 2009 và đã chỉnh sửa qua nhiều phiên bản khác nhau [56]. Phiên bản thường được sử dụng để đánh giá kiến thức của bệnh nhân là AHFKT-v2. Bộ câu hỏi AHFKT-v2 gồm 30 câu hỏi về kiến thức của bệnh nhân suy tim liên quan đến nguyên nhân suy tim, chế độ ăn (giới hạn muối và dịch đưa vào cơ thể), thuốc điều trị suy tim, triệu chứng và hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân (kiểm tra cân nặng hàng ngày và hoạt động luyện tập) [10].
Mỗi câu hỏi của bộ câu hỏi AHFKT-v2 được tính 1 điểm nếu trả lời đúng và 0 điểm nếu trả lời sai hoặc không trả lời. Tổng điểm kiến thức của bệnh nhân là tổng
điểm của 30 câu hỏi. Bệnh nhân có kiến thức về suy tim tốt hơn nếu có điểm kiến thức cao hơn [10].