III/ CÁC GIẢI PHÁP THU HÚT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ,
2. Mở rộng qui mô nâng cao hiệu quả đầu tư
phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, đồng thời đặc biệt coi trọng và có biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư của Nhà nước.
+ Đối với đầu tư của Nhà nước phải quản lý nghiêm ngặt, chống lãng phí, tham nhũng để nâng cao hiệu quả.
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn tập trung chủ yếu cho việc xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, đồng thời phải kiên quyết khắc phục tình trạng vốn đầu tư bị thất thoát, công trình không bảo đảm tiến độ, chất lượng và đầu tư quá phân tán... Nếu phát hành trái phiếu của Chính phủ và của chính quyền một số địa phương để tăng khả năng đầu tư của Nhà nước vào những mục tiêu cần thiết thì cần chú ý hai điều: một là, lãi suất các trái phiếu này chi phối lãi suất tín dụng thương mại; do đó, cần xem xét kỹ để tránh cản trở việc điều tiết giảm lãi suất cho vay hiện đang quá cao, bất lợi cho đầu tư kinh doanh; hai là, kinh phí đầu tư cho công trình sử dụng nguồn vốn này phải tính cả lãi suất trái phiếu; do đó càng phải hết sức chặt chẽ về mục đích sử dụng, về tiến độ xây dựng và chống lãng phí, tham nhũng.
Đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng nhà nước, phải thật sự “chuyển từ cách phân bổ mang tính hành chính sang cho vay theo cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp thông qua tín dụng đầu tư” như đã nêu trong nghị quyết Đại hội IX.
Hết sức hạn chế hình thức ưu đãi trước đầu tư thường gắn với qui chế “xin - cho”, chuyển sang áp dụng rộng rãi các chính sách ưu đãi sau đầu tư, khi công trình hoàn thành đi vào hoạt động. Nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư theo mục tiêu, công bố rõ từng mục tiêu với các điều kiện ưu đãi cụ thể, như về sử dụng đất, vốn cho vay, thuế khi đi vào hoạt động..., đưa ra cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đấu thầu, kể cả doanh nghiệp nhà nước.
Việc cho doanh nghiệp nhà nước vay đầu tư ưu đãi không qua đấu thầu chỉ áp dụng đối với các trường hợp cần thiết như đầu tư vào công trình công ích thuộc lĩnh vực độc quyền của Nhà nước và các dự án phải tính hiệu quả tổng hợp mà doanh nghiệp nhà nước
phải làm. Các quĩ tín dụng ưu đãi (như quĩ hỗ trợ đầu tư, ngân hàng chính sách) đang áp dụng tới 18 mức lãi suất ưu đãi khác nhau, nay cần thu gọn lại.
Các doanh nghiệp nhà nước được chủ động sử dụng nguồn vốn tự có và đi vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả đầu tư, bảo đảm thu hồi vốn và hoàn trả nợ vay. Chấm dứt tình trạng cứ vay đầu tư rồi trông chờ Nhà nước khoanh nợ, xóa nợ. Xóa bỏ sự phân biệt đối xử trên thực tế giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác khi vay tín dụng từ ngân hàng thương mại quốc doanh.
+ Hết sức khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, kể cả hộ gia đình, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy kinh tế tư nhân hoạt động theo qui mô nhỏ và vừa là chính, song gần đây đã có tư nhân trong nước có khả năng đầu tư qui mô khá lớn, kể cả xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư của tư nhân ít bị thất thoát và thường đạt hiệu quả cao.
Khuyụến khích kinh tế tư nhân đầu tư phát triển không những đưa được nguồn vốn nhàn rỗi còn lớn trong dân vào sản xuất, kinh doanh thay cho cất giữ hoặc dồn vào kinh doanh đất đai mà còn tạo được nhiều việc làm, nâng cao được hiệu quả đầu tư trong xã hội. Các ngành, các cấp cần thấu suốt và thực hiện tốt nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương khóa IX về phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển không hạn chế về qui mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà luật pháp không cấm, xúc tiến cuộc vận động “Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, từng nhà làm giàu cho mình, cho cộng đồng cơ sở và cho đất nước”.
Khắc phục các biểu hiện không bình đẳng đối với kinh tế tư nhân cả trong cơ quan nhà nước và trong tâm lý xã hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo pháp luật đối với mọi hoạt động kinh tế. Chính phủ sẽ tổng kết bốn năm thi hành Luật doanh nghiệp nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn luật này, thật sự khuyến khích và thúc đẩy kinh tế tư nhân đầu tư kinh doanh có hiệu quả; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở nông thôn.
+ Thu hút mạnh hơn nữa đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đặc biệt là đầu tư của các công ty đa quốc gia, coi đó là biện pháp rất quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và thâm nhập thị trường quốc tế. Thực tế đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao vị thế của nước ta trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài. Trước mắt cần giải quyết những vướng mắc về thủ tục và cách làm việc của bộ máy hành chính, khắc phục tình trạng giá dịch vụ quá cao so với khu vực, cơ chế hai giá, mức thuế thu nhập cá nhân chưa khuyến khích sử dụng chuyên gia VN...