Tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp huyện

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện từ thực tiễn chính quyền địa phương một cấp tại huyện đảo lý sơn, tỉnh quảng ngã (Trang 26 - 31)

7. Kết cấu của Luận văn

1.3.2. Tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp huyện

1.3.2.1. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện

Đại biểu HĐND cấp huyện là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND huyện về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu HĐND huyện bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND huyện [22].

Về số đại biểu HĐND cấp huyện phụ thuộc vào đặc điểm của ĐVHC như nông thôn, miền núi, vùng cao, hải đảo, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và dân số. Số lượng đại biểu HĐND cấp huyện giao động từ 30 đến không quá 40 đại biểu.

1.3.2.2. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện

Thường trực HĐND cấp huyện là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Thành viên của Thường trực HĐND không đồng thời là thành viên của UBND. Thường trực HĐND gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp huyện. Chủ tịch HĐND cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.[26].

1.3.2.3. Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện

Ban của HĐND cấp huyện là cơ quan của HĐND cấp huyện, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám

sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách và báo cáo công tác trước HĐND.

Hội đồng nhân dân cấp huyện thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban dân tộc của HĐND cấp huyện được thành lập khi có một trong hai tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: 1) Huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển. 2) Huyện, thị xã, thành phố các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại [46].

Ban của HĐND cấp huyện gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên các Ban của HĐND cấp huyện do HĐND cấp huyện quyết định. Trưởng ban của HĐND cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Quy định các Ban có Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách là điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 so với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện.

1.3.2.4. Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện

Các đại biểu HĐND cấp huyện được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu HĐND. Số lượng Tổ đại biểu HĐND huyện và Tổ trưởng và Tổ phó do Thường trực HĐND cấp huyện quyết định [22].

1.3.3. Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện

1.3.3.1. Kỳ họp Hội đồng nhân dân

Kỳ họp là hoạt động quan trọng nhất của HĐND, thể hiện tính chất của cơ quan hoạt động tập thể và quyết định theo đa số. Tại kỳ họp, HĐND thảo luận và ra nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Hội đồng nhân dân họp mỗi năm ít nhất 2 kỳ. HĐND huyện họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba đại biểu HĐND huyện thì HĐND quyết định họp kín.

Căn cứ vào nội dung, thời gian của mỗi kỳ họp, có thể chia làm các loại kỳ họp: Kỳ họp thứ nhất, kỳ họp thường lệ giữa năm, kỳ họp thường lệ cuối năm, kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, kỳ họp cuối nhiệm kỳ.

Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa HĐND do Chủ tịch HĐND khóa trước triệu tập. Trường hợp khuyết Chủ tịch HĐND thì một Phó Chủ tịch HĐND khóa trước triệu tập kỳ họp; nếu khuyết cả Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND thì Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp chỉ định triệu tập viên.

Ngoài kỳ họp, HĐND còn có nhiều hoạt động như: Tổ chức các đoàn giám sát của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, hoạt động của tổ đại biểu và hoạt động của từng cá nhân đại biểu HĐND. Nhưng tất cả các hoạt động này đều hướng tới mục đích giúp HĐND quyết định các vấn đề thuộc quyền tại kỳ họp [9,tr.175].

1.3.3.2. Phiên họp của Thường trực HĐND cấp huyện

Phiên họp Thường trực HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu của Thường trực HĐND. Tại phiên họp, Thường trực HĐND thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Thường trực HĐND huyện họp mỗi tháng 01 lần. Khi xét thấy cần thiết, Thường trực HĐND cấp huyện có thể họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch HĐND cấp huyện. Thường trực HĐND huyện hoạt động thường xuyên theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức các hoạt động của HĐND, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND cùng cấp. Các thành viên Thường trực HĐND tham gia các phiên họp Thường trực HĐND, thảo luận

và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND [9,tr162].

1.3.3.3. Hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân

Ban của HĐND hoạt động thường xuyên theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND cùng cấp. Các thành viên trong Ban của HĐND chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trước HĐND; chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban của HĐND về nhiệm vụ, quyền hạn được Ban phân công [25].

1.3.3.4. Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân

Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Đại biểu HĐND bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.

Nhiệm kỳ của đại biểu HĐND theo nhiệm kỳ của HĐND huyện, tức là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau. Như vậy, trong thời gian từ ngày bầu cử đến trước ngày diễn ra kỳ họp thứ nhất Đại biểu HĐND khóa trước vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Đại biểu HĐND được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau [25].

Đại biểu HĐND có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp HĐND, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.

Đại biểu HĐND không tham dự kỳ họp, phiên họp thì phải có lý do và phải báo cáo trước với Chủ tịch HĐND. Trường hợp đại biểu HĐND không

tham dự các kỳ họp liên tục trong 01 năm mà không có lý do thì Thường trực HĐND phải báo cáo HĐND để bãi nhiệm đại biểu HĐND đó.

Bên cạnh đó, Đại biểu HĐND có trách nhiệm thực hiện quy định về sử dụng, bảo quản tài liệu trong kỳ họp; không được tiết lộ nội dung tài liệu mật, nội dung các phiên họp kín của HĐND.

Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND huyện, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.

Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND huyện có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.

1.3.3.5. Hoạt động giám sát của HĐND huyện

Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám của mình tại kỳ họp HĐND và trên cơ sở hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. HĐND quyết định nội dung giám sát theo đề nghị của Thường trực HĐND trình trên cơ sở kiến nghị của Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, UBMTTQVN cùng cấp và ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương.

Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua các hoạt động sau đây:

- Xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp;

- Xem xét báo cáo của UBND cùng cấp về tình hình thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp;

- Xem xét văn bản của UBND cùng cấp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp;

- Thành lập Đoàn giám sát về một vấn đề nhất định khi xét thấy cần thiết và xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát [25].

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện từ thực tiễn chính quyền địa phương một cấp tại huyện đảo lý sơn, tỉnh quảng ngã (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)