9. Kết cấu của luận án
1.3.1. Kinh nghiệm quản lý chi ngân sách của một số địa phương
1.3.1.1. Kinh nghiệm của tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam
Công tác lập và bố trí kế hoạch vốn đầu tư từ NSNN của tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với quy hoạch phát triển KTXH của tỉnh, cho phép thực hiện khá hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn NSNN, hạn chế đáng kể mức độ lãng phí, thất thoát, dàn trải trong đầu tư XDCB từ NSNN, giảm dần khối lượng các công trình XDCB còn nợ vốn thanh toán, quy trình bố trí kế hoạch vốn được triển khai nhanh, chặt chẽ và minh bạch.
Việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh dựa vào các tiêu chí: ưu tiên vốn cho các dự án chưa hoàn thành trong năm trước kéo dài tới năm sau, các dự án sắp hoàn thành, vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện, dự án chỉnh trang đô thị, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, an sinh xã hội. Hà Tĩnh hạn chế tối đa việc khởi công dự án mới khi chưa đủ vốn để bố trí cho các dự án chuyển tiếp. Các dự án khởi công mới trong năm phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt và đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Hà Tĩnh đã thực hiện phân cấp và trao
quyền quản lý vốn đầu tư cho các huyện, thị xã thuộc Tỉnh, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong quá trình quản lý, điều hành vốn đầu tư được giao, gắn trách nhiệm quản lý dự án cho từng cấp, ban ngành.
Trong điều hành dự toán chi NSĐP từ năm 2015 đến 2020, các cơ quan thụ hưởng NSĐP trên địa bàn Tỉnh đã chấp hành nghiêm túc Luật NSNN, thực hiện tốt yêu cầu tiết kiệm chi, phân bổ ngân sách đầu tư XDCB tập trung cho dự án ưu tiên. Định mức phân bổ dự toán CTX được coi là cơ sở để phân chia dự toán chi NSĐP giữa tỉnh với huyện, thị xã.
Tỉnh Hà Tĩnh đã kế thừa kết quả đạt được của định mức phân bổ dự toán chi NSĐP theo Nghị quyết số 4a/2015/NQCĐ-HĐND ngày 4 tháng 11 năm 2015 của HĐND tỉnh về định mức phân bổ NSĐP năm 2007: Đối với ngân sách huyện, tiếp tục lấy biên chế - tiền lương làm tiêu chí chủ yếu; đồng thời tiếp tục sử dụng các tiêu chí về dân số, địa bàn, điều kiện KTXH làm tiêu chí xem xét phân bổ NSĐP cho phù hợp với đặc thù của từng huyện và bao quát hết các nhiệm vụ chi. Hằng năm, căn cứ vào khả năng NSĐP và tình hình thực tế về chi phí cấu thành trong định mức hành chính, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tăng định mức chi hành chính cho phù hợp cùng với việc trình phân bổ dự toán hằng năm
1.3.1.2. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam
Quảng Ninh là một trong 13 địa phương của Việt Nam có số thu NSNN được điều tiết về Trung ương. Hằng năm, số thu NSĐP của Quảng Ninh tăng, nhưng kèm theo đó, số chi NSĐP cũng tăng theo. Năm 2014, tổng chi ngân sách của tỉnh ở mức hơn 8.600 tỷ đồng, năm 2015 đã tăng lên 13.200 tỷ đồng, năm 2017 lên gần 16.000 tỷ đồng và năm 2018 gần 18.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là tuy số chi tăng nhanh, nhưng Quảng Ninh lại có cách xác định chi NSĐP theo hướng ưu tiên chiến lược và hiệu quả.
Định hướng Quảng Ninh là tiếp tục theo đuổi mục tiêu dành mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH. Quảng Ninh là một trong số ít địa phương bố trí vốn cho đầu tư XDCB đạt tỷ trọng hơn 50% tổng chi NSĐP. Theo đó, năm 2014, tỉnh bố trí 54%; năm 2015 là 53,7%; năm 2016 hơn 54%. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút
đầu tư, đồng thời quyết liệt trong chỉ đạo điều hành ngân sách với tinh thần tiết kiệm CTX để tăng chi NSĐP cho hoạt động ĐTPT. Theo đó, toàn bộ số tiền 1.700 tỷ đồng của năm 2015 và gần 2.700 tỷ đồng của năm 2016 có được do tiết kiệm CTX đã được "dồn" cho nhiệm vụ đầu tư, góp phần đẩy mức chi ĐTPT năm 2016 của Quảng Ninh lên 56% tổng chi NSĐP, cao gấp gần hai lần tỷ lệ chi ĐTPT của năm 2014 (29,5%).
Tỉnh đã điều hành linh hoạt NSĐP, sử dụng các nguồn lực khác từ nguồn tăng thu, ứng trước từ nguồn dự phòng tiền lương,... để bổ sung nguồn lực cho ĐTPT. Song song với việc tăng chi cho ĐTPT, Quảng Ninh cũng chủ trương tiết kiệm CTX. Do thực hiện khá sát sao công tác tinh giản bộ máy, biên chế cán bộ, nên hằng năm UBND tỉnh đều giao tăng phần tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khối tỉnh, giảm dần phần NSĐP cấp cho các đơn vị. Theo thống kê của Sở Tài chính, so với năm 2014, năm 2017 đã giảm 32 trong số 142 đơn vị hưởng NSĐP 100%, đồng thời tăng bốn đơn vị tự chủ 100% về tài chính, đưa số đơn vị tự chủ 100% lên 18 đầu mối, tăng sáu đơn vị tự chủ 70%, sáu đơn vị tự chủ 50% và 14 đơn vị tự chủ 30%. Năm 2018, toàn tỉnh tiếp tục giảm thêm 20 đơn vị ngân sách bảo đảm 100%; tăng thêm 16 đơn vị tự chủ 100%, một đơn vị tự chủ 70%, một đơn vị tự chủ 60%, 13 đơn vị tự chủ 50%, sáu đơn vị tự chủ 30%, bảy đơn vị tự chủ 20%... Như vậy, việc giảm chi NSĐP cho khu vực hành chính sự nghiệp đã được Quảng Ninh coi là biện pháp chủ yếu trong cuộc đua giảm chi tiêu NSĐP trong khu vực hành chính - sự nghiệp. Vì vậy, Quảng Ninh đã được nhiều địa phương coi là điển hình để học tập về mô hình quản lý chi NSĐP gắn với cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
1.3.1.3. Kinh nghiệm của tỉnh Chămphasack, Lào
Quản lý chi NSĐP tỉnh Chămphasack, thuộc Miền Nam Lào, thuộc đơn vị thứ 2 thực hiện thí điểm đề án (Bộ Tài chính Lào, 2010). Trong công tác quản lý chi, tỉnh Chămphasack tập trung chỉ đạo triển khai quản lý chặt chẽ các khoản chi NSĐP theo đúng quy định của Luật NSNN. Thường xuyên phối hợp với cơ quan tài chính, đơn vị dự toán, kiểm tra, rà soát bảo đảm quản lý chặt chẽ, đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức quy định. Đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ gửi đến kho bạc để
giải ngân và thu hồi vốn tạm ứng. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của thành phố tham mưu cho UBND tỉnh Chămphasack triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh toán vốn đầu tư XDCB. Thực hiện nghiêm quy trình quản lý hồ sơ dự án, hồ sơ thanh toán bảo đảm tính pháp lý, đúng thẩm quyền phê duyệt. Giám sát, quán triệt cán bộ, công chức chấp hành nghiêm quy trình, thời hạn thanh toán, giải ngân kịp thời, đúng thời hạn khi đã tiếp nhận đủ hồ sơ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý chi NSĐP. Trong 6 tháng đầu năm 2019, quản lý chi NSĐP tỉnh Chămphasack đã tích cực phối hợp triển khai chương trình dịch vụ công trực tuyến tới 100% đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn. Thông qua chương trình này, các đơn vị có thể giao dịch thanh toán qua mạng điện tử bảo đảm an toàn, nhanh chóng và công khai minh bạch. Công tác điều hành ngân quỹ NSĐP được quản lý theo nguyên tắc tập trung thống nhất trong toàn tỉnh, bảo đảm an toàn và đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSĐP và các đơn vị giao dịch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của địa phương. Chi NSĐP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 20.695 tỷ kip; trong đó CTX 9.640 tỷ kip, đạt 46,2% so với dự toán giao đầu năm; chi đầu tư XDCB 3.511 tỷ kip, đạt 61,6% kế hoạch. Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý chi, tỉnh Chămphasack đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị dự toán bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thanh toán 33 món, với tổng số tiền gần 9,1 tỷ kip.