Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 68 - 76)

7. Kết cấu của luận văn

2.4.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

2.4.2.1. Những hạn chế, tồn tại trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp Về ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện

chậm, một số chính sách mới chưa có quy định cụ thể. Luật Lâm nghiệp được Quốc hội khóa 14 ban hành năm 2017, nhưng có hiệu lực năm 2019. Việc hướng dẫn và hiệu lực chậm đã gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong việc cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo; còn trông chờ hướng dẫn của cấp trên. Một số nội dung quy hoạch vẫn còn thực hiện theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, nên không còn phù hợp với thực tế, cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Một số chính sách được Luật Lâm nghiệp 2017 đề cập, tuy nhiên, văn bản cụ thể để về chế độ chính sách theo Luật mới chưa có. Đối tượng, mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư không còn phù hợp với thực tế hiện nay; tình hình lạm phát, chi phí vật tư, giống, công lao động đều tăng, nên cần phải được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; đảm bảo cho việc thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .

Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định một số chính sách về lâm nghiệp được Nhà nước hỗ trợ ưu đãi, đầu tư cụ thể: Khoản 2 Điều 66 quy định “Chính sách phát triển chế biến lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ”; Khoản 2 Điều 70 quy định “Chính sách phát triển thị trường lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ”; Khoản 5 Điều 99 quy định “Chính phủ ban hành chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về nội dung này, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Tại Điều 14, Điều 15 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về giao rừng, cho thuê rừng đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, tuy nhiên không xác định việc cho thuê rừng có thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng hay không. Rừng tự nhiên với những đặc thù nhất định, cần được quy định rõ việc đấu giá hay không đấu giá để tạo hành lang pháp lý cho các địa phương khi triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng.

Đối với huyện An Lão, việc ban hành một số văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa có cơ chế đột phá để tổ chức thực hiện hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi còn rập khuôn, máy móc; chưa sâu sát và quyết liệt, hoạt động của bộ máy chính quyền từ cấp huyện đến xã có lúc chưa thông suốt và hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa được siết chặt; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Về thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp của huyện chưa đầy đủ và khoa học, còn chống chéo, bất cập và khó thực hiện.

Huyện An Lão đã hoàn thành việc quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 03 loại rừng, nhưng trên thực tế từ năm 2016-2020 vẫn còn nhiều bất cập như: Quy hoạch đất rừng chưa khoa học, hợp lý. Trong 05 năm quy hoạch 02 lần theo Quyết định số 2937/QĐ-UBND, ngày 24/8/2015 và Quyết định số 4854/QĐ-UBND, ngày 28/12/2018, nhưng vẫn chưa tính toán hợp lý, nên năm 2020 phải xin điều chỉnh thu hồi diện tích 1.162,69 ha để cấp cho Nhân dân xã An Vinh. Khi quy hoạch năm 2018 chưa tính toán đến việc thu hồi đất xây dựng Hồ chứa nước Đồng Mít. Quy hoạch còn mang tính chắp vá, không ổn định lâu dài, gây khó khăn trong việc quản lý bảo vệ. Việc cắm mốc 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất chưa chính xác, còn chồng lấn, dễ dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Việc rà soát, quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn huyện chủ yếu được thực hiện trên bản đồ, số sách, một số địa phương, bản vẽ chưa sát với thực tiễn quản lý ngoài thực địa. Do đặc thù của địa hình rừng núi hiểm trở, độ dốc cao, địa lý phức tạp, nên rất khó đo đạc; nguồn nhân lực và trang thiết bị chuyên dụng phục vụ đo đạc còn hạn chế, nên việc thu thập số liệu, dữ liệu rà soát 3 loại rừng còn bị sai sót.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, là khâu yếu nhất trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương.

So sánh với 02 huyện miền núi là Vân Canh và Vĩnh Thạnh có diện tích rừng tương đối lớn so với toàn tỉnh, thì trong 5 năm qua, An Lão là địa phương thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng chưa tốt so với các địa phương khác trong tỉnh. Từ 2016-2020, diện tích phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp là 195 vụ, với diện tích thiệt hại 243,82 ha. Số vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép là 482 vụ, gây thiệt hại 182,76 m3 gỗ các loại; đã xử lý vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước với số tiền 1.417,33 tỉ đồng. Đặc biệt năm 2017 để xảy ra vụ phá rừng 60,9 ha gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp; làm suy giảm lòng tin của Nhân dân. Qua vụ việc trên đã xử lý kỷ luật 02 tập thể và 08 cá nhân cán bộ lãnh đạo, công chức. Đây là bài học rút kinh nghiệm sâu sắc đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và quản lý điều hành của chính quyền các cấp trong lĩnh vực lâm nghiệp (Bảng 2.8).

Việc thực hiện giao đất, giao rừng cho Nhân dân quản lý, bảo vệ còn nhiều bất cập và chồng chéo.

Việc phân định địa hành chính giữa các địa phương vùng giáp ranh với huyện An Lão như An Sơn (Hoài Ân) với xã An Nghĩa (An Lão), xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) với An Toàn (An Lão), giữa xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) với xã An Toàn (An Lão) còn chồng lấn theo bản đồ 364 trước đây (Chỉ thị 364/CT-HĐBT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng), phải giải quyết kéo dài nhiều năm cũng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại các vùng giáp ranh.

Một số quyết định giao đất của huyện còn chồng chéo, sai lệch với quyết định giao rừng, một số địa phương khi giao giao rừng chưa gắn liền với giao đất lâm nghiệp. Nguyên nhân, do quá trình giao đất lâm nghiệp tách rời với giao rừng, nên xảy ra tình trạng trên cùng một lô rừng tồn tại hai chủ quản lý là chủ rừng và chủ đất đã tạo ra tranh chấp trong sử dụng rừng, sử dụng đất lâm nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Tình trạng tranh chấp, khiếu

kiện về rừng và đất lâm nghiệp theo dự án 327 và 661 của Chính phủ trước đây còn xảy ra; gây ra nhiều tranh chấp, mâu thuẩn trong nội bộ Nhân dân.

Về phát triển rừng, khai thác chế biến và thương mại lâm sản còn nhỏ lẽ, quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Hiện nay diện tích trồng rừng hàng năm của huyện An Lão là khá lớn, trung bình khoảng 1.500h/năm; tuy nhiên khi quy hoạch theo Quyết định số 4854/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định đối với huyện vẫn còn nhiều bất cập; chủ yếu là trồng cây keo nguyên liệu giấy, không có quy hoạch vùng trồng cây gỗ lớn theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội XX Đảng bộ tỉnh Bình Định là đến năm 2025 phấn đấu trồng 10.000 ha rừng cây gỗ lớn. Đây là một khó khăn cho địa phương trong quy hoạch phát triển kinh tế nông- lâm nghiệp, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản.

Công tác khai thác, chế biến và thương mại lâm sản trên địa bàn huyện hằng năm còn nhỏ lẽ, hiệu quả thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng hiện có. Chủ yếu là khai thác cây keo nguyên liệu giấy; việc khai thác, chế biến lâm sản từ cây gỗ lớn số lượng rất ít, chủ yếu là trồng cây phân tán và tự phát trong Nhân dân.

Công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp chưa tốt

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng buôn bán cây giống tràn lan, tự phát; nhiều hộ buôn bán giống cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đảm bảo, chưa quản lý, kiểm soát việc buôn bán giống cây trồng lâm nghiệp, do cơ chế quản lý chưa rõ ràng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa phát huy hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa hiệu quả, nội dung chưa thật sự phong phú, sinh động, chưa phù hợp với trình độ dân trí, phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của người dân. Vì vậy, hiệu quả

tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao. Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay ảnh hưởng đến công tác QLBVR là do phong tục của đồng bào các DTTS số có truyền thống làm nương rẫy, làm nhà sàn truyền thống bằng gỗ, thói quen săn bắt thú rừng để cải thiện đời sống, nên đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm Luật Lâm nghiệp.

2.4.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại

Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật lâm nghiệp 2017 của các cơ quan Trung ương chậm ban hành, một số chính sách mới được quy định trong Luật chưa được cụ thể hóa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, chính quyền cấp xã chậm triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của chính quyền cấp trên, nên trong quá trình thực hiện còn bị động, lúng túng.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp của UBND tỉnh Bình Định và UBND huyện chưa tốt, còn chắp vá, quan điểm phát triển thiếu toàn diện; chưa dự báo kip thời những tác động khách quan đến công tác xây dựng quy hoạch và lập kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững, nên phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.

Công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra rừng và kiểm soát lâm sản của cơ quan, đơn vị, địa phương và các chủ rừng chưa thường xuyên, đặc biệt là công tác phối hợp nắm tình hình và phối hợp tuần tra, truy quét, theo dõi diễn biến rừng hằng năm chưa tốt, đội ngũ cán bộ làm công tác lâm nghiệp hiện nay còn ít so với diện tích rừng hiện có, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nên rất khó khăn cho quá trình tuần tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng; vì vậy thời gian qua để xảy ra nhiều vụ vi phạm.

Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp của UBND các xã, thị trấn còn nhiều bất cập. Tinh thần trrách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp chưa cao; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan chuyên môn của huyện. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện chế tài theo thẩm quyền còn hạn chế; xử lý một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp chưa nghiêm, nên để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vân chuyển trái phép lâm sản vẫn còn xảy ra ở một số địa phương như xã An Nghĩa, An Quang, An Hưng….

Tóm lại: Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về hoạt động lâm nghiệp chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa phân định rõ trách nhiệm gười đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Trong chương 2, luận văn đi sâu vào phân tích, đánh giá thực trạng lâm nghiệp và công tác QLNN về lâm nghiệp trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định từ khâu quy hoạch đến quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản của huyện. Luận văn đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp huyện An Lão cụ thể: Việc ban hành văn bản, lập quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững. Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, công tác phân loại, phân định ranh giới rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng; quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá về hiện trạng lâm nghiệp và công tác lý nhà nước về lâm nghiệp của huyện An Lão: những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, tìm ra nguyên nhân và một số vấn đề bất cập hiện nay- đây là cơ sở thực tiễn để huyện đánh giá quá trình cụ thể hóa Luật Lâm nghiệp 2017 tại địa phương. Qua đánh giá thực trạng, chỉ ra các nguyên nhân của những hạn chế hiện nay; luận văn đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định thời gian đến ở Chương 3; góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương.

Chương 3

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN AN LÃO, TỈNH BÌNH ĐỊNH

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 68 - 76)