6. Kết quả nghiên cứu:
3.1.1.1 Diệt giặc đói
Thực trạng
- Giặc đói hoành hành, nạn đói cũ chưa được giải quyết, thì một nạn đói mới sắp diễn ra.
- Nhật bắt chính quyền Pháp phải cưỡng bức thu mua lúa gạo của nhân dân Việt Nam theo giá rẻ, đồng thời ép buộc Ngân hàng Đông Dương phát hành thêm tiền để mua gạo. Đây chính là thời kỳ của nạn mua thóc tạ, một sự cướp bóc trắng trợn đối với người nông dân khó nhọc trồng nên cây lúa ở Việt Nam nói riêng và đối với dân tộc Việt Nam nói chung.
Thóc lúa đã không đủ cung ứng nhu cầu chung, phát xít Nhật còn bắt người dân Việt Nam nhổ lúa, nhổ khoai, nhổ sắn để trồng cây đay_ thứ nguyên liệu dùng làm bao tải đựng cát, phục vụ cho việc xây dựng các công sự của quân đội Nhật. Hai chính sách tàn bạo đó đã khiến cho cả vùng Đông Dương, nơi từng đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo (những năm 1936-1937, Đông Dương xuất khẩu 1,6 - 1,7 triệu tấn, chỉ đứng sau Miến Điện), khi đó trở thành một dân tộc thiếu đói trên quy mô gần như toàn thể.
Cho đến đầu năm 1945, nguồn lúa gạo ở Đông Dương hầu như đã cạn kiệt. Chính những người trồng lúa lại là người bị đói trước tiên. Nông dân đói từ Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... lũ lượt kéo ra các thành phố đi ăn xin, kéo lên miền núi đào củ chuối, củ mài cầm hơi. Trên đường đi, họ chết dần, chết mòn. Số còn lại sống lay lắt thêm ít ngày rồi cũng chết, vì không còn cái gì có thể ăn được.
- Tháng 8-1945, Việt Nam đã có tới 2 triệu người chết đói. Đó là con số chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam.
- Dịch tả diễn ra ở nhiều nơi, giết chết hàng vạn người. Nạn đói, rét đã sản sinh ra không biết bao thứ bệnh tật mà trước đó chưa được gọi tên.Trên mọi nẻo đường Việt Nam, nhất là ở nông thôn, các thị trấn nhỏ, người Việt Nam trông thật tiều tụy, rách rưới, bẩn thỉu, đầy rẫy bệnh tật. Đó cũng là kết quả của sự “khai sáng” trong 80 năm Pháp thuộc và 5 năm “cách mạng da vàng” Nhật Bản.
Giải pháp
- Chính phủ đề ra hai biện pháp cứu đói khẩn cấp: Nhường cơm sẻ áo là giải pháp trước mắt và tăng gia sản xuất là giải pháp lâu dài.
+ Toàn dân thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau vượt qua cơn hoạn nạn. Phong trào nhường cơm sẻ áo được phát động trong cả nước.
+ Những thân hào, thân sĩ, những công thương gia... ai có tiền thì góp tiền, ai có thóc thì góp thóc cho quỹ cứu đói.
+ Cán bộ, chiến sĩ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh gương mẫu thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu đói.
+ Để tiêu diệt tận gốc “giặc đói”, biện pháp cơ bản lâu dài là phát triển sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng lương thực. Nhưng trong khi chờ đợi kết quả của sản xuất, để khẩn cấp cứu đói cho dân, trên cơ sở phát huy truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” tự nguyện thực hành tiết kiệm, xây dựng các “hũ gạo cứu đói” giúp đỡ các gia đình thiếu ăn trầm trọng. Người đã phát động phong trào “10 ngày nhịn 1 bữa ăn, mỗi tháng 3 bữa, mỗi bữa 1 bơ, đem gạo đó để cứu dân nghèo” và Người đã tiên phong thực hiện trước.
Trong tuần lễ phát động chiến dịch cứu đói, vị đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất là cụ Ngô Tử Hạ đã đích thân kéo chiếc xe bò, xuất phát từ Nhà hát Lớn để đi quyên gạo, quyên tiền cho công cuộc cứu đói.
Nhà nước cũng tổ chức những địa điểm phát chẩn để cung cấp cơm, cháo hay bất cứ thức gì ăn được cho những người đang quá đói.
Nhờ đó, hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn chiếc dạ dày lép kẹp chờ chết, những thân thể chỉ có da bọc xương đã được cứu sống. Từ cuối tháng 9-1945, cảnh chết đói gần như đã chấm dứt.
- Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào số lúa gạo có sẵn để cứu đói thì chỉ có tính cầm cự nhất thời. Biện pháp lâu dài là phải sản xuất. Ngay từ sau ngày tuyên ngôn độc lập, khắp nơi đều phát động chiến dịch tăng gia sản xuất.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một khẩu hiệu thật đơn giản nhưng vô cùng thống thiết:
Tăng gia sản xuất
Tăng gia sản xuất ngay Tăng gia sản xuất nữa!
+ Để thực hiện chủ trương tăng gia sản xuất, khắp nơi đề ra khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, tức là tận dụng mọi nơi mọi chỗ có thể trồng trọt được.
Ở các trường học, học sinh được phép cuốc sân trường lên để trồng khoai, trồng ngô.
Trên các vỉa hè thành phố, thanh niên, chiến sĩ đào đất lên để trồng khoai, trồng sắn. Trên các bờ đê sông Hồng, thanh niên nam nữ thay phiên nhau ra cuốc đất trồng ngô, khoai, sắn.
Ở nông thôn, Nhà nước yêu cầu tất cả ruộng đất đều phải được canh tác. Ruộng nào không canh tác hết thì chính quyền địa phương có quyền tạm trưng dụng để cho những người nông dân tổ chức sản xuất, tạo ra thu hoạch.
+ Một phong trào sản xuất trong cả nước được phát động rầm rộ bằng mọi hình thức, nhiều sáng kiến mới đã xuất hiện.
Thí dụ: sau khi nước lụt đã rút hết, đã qua mùa cấy lúa, chỉ có thể trồng khoai nhưng khoai thì phải có dây làm giống.
Trong tình hình khoai giống khan hiếm vì nhu cầu quá lớn, Kỹ sư Hoàng Văn Đức đã tìm ra một giải pháp: lấy dây khoai trồng tạm trong vòng ba tuần, khoai chưa ra củ nhưng đã ra rễ thì đào lên cắt từng đoạn giống, nhân lên gấp 5, gấp 10 lần để phát triển diện tích trồng khoai. Vụ thu hoạch có thể chậm hơn 2-3 tuần, nhưng diện tích và sản lượng thì tăng hơn 5-10 lần.
Chính nhờ sáng kiến đó, đến khoảng tháng 10, tháng 11-1945, trên cả nước đã có những vụ thu hoạch lúa, ngô, khoai sắn đầu tiên. Nhân dân cả nước có thể nhoẻn miệng cười thoát cơn bĩ cực. Cảnh chết đói đầy đường chắc chắn sẽ không còn xảy ra dưới chính quyền cách mạng.
- Để đảm bảo sản xuất vững chắc, vấn đề quan trọng muôn thuở của nông nghiệp Việt Nam là đê điều. Tháng 8-1945, đê vỡ hàng loạt chính là vì những chính quyền cũ bỏ bê việc củng cố hệ thống đê, khiến cho đê điều sạt lở liên tiếp trong 4-5 năm mà không được gia cố. Nay, chính quyền cách mạng tổ chức đắp lại, củng cố tất cả những đoạn đê bị vỡ, sạt lở. Cho đến tháng 10-1945, hầu hết các đoạn đê vỡ đã được tu bổ, những đoạn đê xung yếu đã được bồi đắp.