1.5.6.1. Về giáo dục – đào tạo.
Trong lĩnh vực giáo dục, với mục tiêu mang đến sự công bằng cho mọi người trong việc tiếp cận các cơ hội kinh tế, Chính phủ Việt Nam thường xuyên quan tâm đến việc đưa giáo dục đến cho người dân. Đến cuối năm 2000, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ; 94% dân số trong độ tuổi 15 - 35 đã biết chữ (Báo Dân tộc và miền núi). Đến nay, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 là 97,65%, cơ bản đạt mục tiêu của Đề án xóa mù chữ (đến năm 2020 đạt 98%). Trong đó, số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 97,92%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36 - 60 chiếm 96,35%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15 - 60 là 93,44%. 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Nhờ tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm ở mức xấp xỉ 20% (tương đương 5% GDP), Việt Nam đã phát triển được trường học và trung tâm dạy nghề rộng lớn. Số lượng các trường học tại tất cả các cấp đều tăng lên trong những năm qua.
Theo kết quả “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”, cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% trong năm 1999 xuống 16,4% trong năm 2009 và 8,3% năm 2019.
Bảng 8. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông theo tình trạng đi học, 1999 - 2019
Đơn vị:%
Năm 1999 2009 2019
Đang đi học 79,1 83,6 91,7
Đã thôi học 16,2 14,5 7,7
Chưa bao giờ đi học 4,7 1,9 0,6
Tuy nhiên, số liệu về tỷ lệ học sinh đến trường giữa các nhóm thành thị - nông thôn và giữa các vùng có khoảng cách rõ rệt. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (gấp 1,7 lần), tương ứng là 9,5% và 5,7%. Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là các vùng có tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học cao nhất cả nước, tỷ lệ của mỗi vùng là 13,3%. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học ở vùng đồng bằng sông Hồng là thấp nhất, chiếm 3,2%.
1.5.6.2. Những tiến bộ về y tế và chăm sóc sức khỏe.
Trong lĩnh vực y tế, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi (năm 1989) lên 73,6 tuổi (năm 2019). Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì khoảng 5,4 năm.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng hai thập kỷ qua. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm. Khu vực thành thị có tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 8,2 và 16,7 trẻ em tử vong trên 1000 trẻ em sinh sống). Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tỷ suất tử vong của trẻ em ở khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần ở khu vực thành thị (tương ứng là 25,1 và 12,3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Tỷ số tử vong mẹ là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009.
Kết quả này cho thấy Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030). Như vậy có thể thấy
rằng, nước ta đã có nhiều tiến bộ trong ngành y, tuy nhiên vẫn còn có sự cách biệt lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Bảng 9.Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi phân theo vùng, 2010 - 2018
Đơn vị: Trẻ em dưới một tuổi tử vong/1000 trẻ em sinh sống
Nguồn: Tổng cục thống kê
Xét theo vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc là hai vùng có tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi cao nhất cả nước trong giai đoạn 2010 - 2018. Trong khi đó, Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng nói chung (đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long) có tỷ suất thấp nhất. Điều này cho thấy còn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ trẻ em chết giữa các vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, sự tiếp cận về hệ thống y tế giữa các vùng còn có sự cách biệt.
1.5.6.3. Chỉ số đánh giá mức phát triển con người.
Chỉ số phát triển con người (HDI) được tổng hợp từ ba yếu tố: tuổi thọ, tri thức (số năm đi học trung bình và số năm đi học kỳ vọng) và mức sống (GNI bình quân đầu người) nhằm đo lường thành tựu phát triển con người của các quốc gia. Từ năm 2010, các tiêu chí về bất bình đẳng phân phối thu nhập, bình đẳng giới và nghèo đa chiều đã được bổ sung thêm để đánh giá toàn diện hơn về trình độ phát triển con người.
Theo Báo cáo phát triển con người của UNDP chỉ số HDI của Việt Nam liên tục được cải thiện. Từ năm 1990 đến 2018, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,475 lên 0,693, tăng 45,9%; tuổi thọ dự kiến khi sinh của Việt Nam tăng 4,8 năm; số năm đi học trung bình tăng 4,3 năm và số năm đi học dự kiến tăng 4,9 năm. GNI bình quân đầu người của Việt Nam tăng khoảng 354,5% từ năm 1990 đến 2018. Giá trị HDI của Việt Nam năm 2018 là 0,693, chỉ thấp hơn 0,007 điểm so với ngưỡng của Nhóm Phát triển Con người Cao và đưa Việt Nam vào hạng mục phát triển con người trung bình cao thứ hai, ở vị trí thứ 118 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bảng 10. HDI của Việt Nam và đóng góp của từng chỉ số thành phần vào HDI của Việt Nam từ năm 1990-2018
Hình 13. Xu hướng các chỉ số thành phần HDI của Việt Nam từ năm 1990-2018
Nguồn: Báo cáo tóm tắt Phát triển con người dành cho Việt Nam năm 2019
Kết quả này phản ánh sự lan tỏa tích cực của tăng trưởng đến nâng cao trình độ phát triển con người. Những thành quả của tăng trưởng đã được tích lũy để đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế toàn dân, dẫn đến các chỉ số phản ánh các năng lực của con người (bao gồm tài lực, trí lực và thể lực) ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn từ 1990 đến 2018, Việt Nam đã có tiến bộ (tương tự như các quốc gia so sánh trong Nhóm Phát triển Con người Cao) trong việc tăng giá trị HDI.
Hình 14. Xu hướng HDI của Việt Nam so với các quốc gia trong nhóm so sánh, năm 1990-2018
Nguồn: Báo cáo tóm tắt Phát triển con người dành cho Việt Nam năm 2019
HDI của Việt Nam năm 2018 là 0,693 cao hơn mức trung bình 0,634 của các quốc gia trong nhóm Phát triển Con người Trung bình và dưới mức trung bình 0,750 của nhóm Phát triển Con người Cao và 0,741 cho các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, các quốc gia gần với Việt Nam trong bảng xếp hạng HDI năm 2018 là Philippines, Indonesia, Trung Quốc và Thái Lan, với HDI lần lượt xếp hạng
106, 111, 86 và 77. Thứ hạng HDI của Việt Nam năm 2018 cao hơn Ấn Độ (129), Lào (140), Myanmar (145) và Campuchia (146).
Bảng 11. HDI và các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2018 so với các quốc gia trong nhóm so sánh được chọn.
Nguồn: Báo cáo tóm tắt Phát triển con người dành cho Việt Nam năm 2019