2.3.5.1 Nghiên cứu lý thuyết
Động cơ quan trọng để các ngân hàng nắm giữ tài sản thanh khoản có liên quan đến tình trạng thanh khoản của họ và mục tiêu dự phòng. Gennaioli và cộng sự (2014) trình bày một mô hình lý thuyết trong đó các ngân hàng có thể tối ưu lựa chọn nắm giữ tài sản thanh khoản cao như một cách để lưu trữ thanh khoản nhằm tài trợ cho các khoản đầu tư trong tương lai. Để đảm bảo tối ưu hoá dòng tiền và lợi nhuận, các ngân hàng có thể ra các quyết định nhanh chóng, đặc biệt là ngay sau khi huy động tiền từ nền kinh tế, để tạm thời đầu tư một phần nguồn vốn nhận được vào các tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao. Lý thuyết cũng chỉ ra rằng nhằm tránh tình trạng thiếu tiền mặt hoặc để kịp thời tài trợ cho các khoản cho vay mới tiềm năng, các ngân hàng có thể nắm giữ một lượng lớn tài sản lưu động để thanh lý trong điều kiện gặp phải nhiều khó khăn hơn liên quan đến vấn đề huy động vốn (Fama 2013). Khi mà các ngân hàng là chủ thể cung cấp thanh khoản cho người vay, bản thân các khoản vay lại là tài sản kém thanh khoản của chính các ngân hàng. Ngân hàng có thể bán các khoản vay trong tình huống yêu cầu thanh khoản, tuy nhiên thì điều này là tương đối khó khăn khi điều kiện thị trường không thuận lợi. Khi đó, Diamond và Rajan (2001) chỉ ra rằng các ngân hàng có thể siết chặt tăng trưởng tín dụng nếu nhu cầu thanh khoản trong tương lai có khả năng tăng cao. Nói cách khác, có thể đặt ra giả thuyết rằng khi đã trang bị đủ thanh khoản, đặc biệt là cung cấp thanh khoản cho người gửi tiền theo yêu cầu, các ngân hàng hoàn toàn có thể ưu tiên mở rộng cho vay.
Tuy nhiên, cũng tồn tại các quan điểm đối lập về tác động của thanh khoản đối với hoạt động cho vay. Về mặt cấu trúc của bảng cân đối kế toán, Cornett và cộng sự (2011) cho rằng các ngân hàng nắm giữ nhiều khoản vay có xu hướng mở rộng bộ đệm tiền mặt của họ trong cuộc khủng hoảng. Nói cách khác, để giúp bảo vệ họ một cách hợp lý thông qua tích trữ thanh khoản, các ngân hàng đã tăng nắm giữ tài sản thanh khoản, đồng thời giảm đầu tư vào các khoản vay và cam kết giải ngân mới có tính rủi ro cao. Cũng trong thời gian căng thẳng thanh khoản, các yêu cầu thanh khoản nghiêm ngặt hơn của tài sản có thể khiến ngân hàng giảm các hoạt động cho vay, cái mà có năng suất thấp, nhiều rủi ro và vị thế thanh khoản thấp để qua đó nắm giữ bộ đệm thanh khoản của những tài sản thanh khoản cao dù lãi suất thấp nhưng bù lại hạn chế được có rủi ro (Roulet 2018).
2.3.5.2 Nghiên cứu thực nghiệm
Dưới góc độ khảo sát thực nghiệm, có rất ít nghiên cứu về tác động trực tiếp của thanh khoản đối với hoạt động cho vay của ngân hàng (DeYoung và Jang 2016). Trong nỗ lực tìm hiểu của tác giả, có một vài nghiên cứu làm rõ vấn đề này như sau. Thanh khoản ngân hàng là một trong những biến số được sử dụng trong nghiên cứu các yếu tố quyết định cho vay ngân hàng thực hiện bởi Alper và cộng sự (2012). Các tác giả sử dụng các hệ số tài sản và nợ phải trả để kiểm soát các tác động khác nhau của tính thanh khoản ngân hàng và sự ổn định trong việc cấp vốn vay của ngân hàng. Những phát hiện thực nghiệm cho thấy rằng khi các biến thanh khoản có ý nghĩa, chúng có tác động tích cực đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Tuy vậy, cũng có bằng chứng cho thấy để phân bổ lại nguồn vốn ổn định của các ngân hàng, họ có thể đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao hơn thay vì cho vay đối với khu vực tư nhân. Phát hiện này thậm chí còn rất quan trọng bởi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng phải đối mặt với các điều kiện chặt chẽ hơn khi tiếp cận các nguồn tài trợ của khu vực tư nhân hoặc để đảm bảo an toàn cho các khoản vay của họ. Ngoài ra, các ngân hàng đã/đang phải đối mặt với áp lực thị trường mạnh mẽ hơn từ các chủ nợ dài hạn, những người có thể lo ngại về việc không lấy lại được tiền của họ (Ben Naceur và cộng sự 2018).
Một số nghiên cứu thực nghiệm khác liên hệ đến chính sách tiền tệ khi điều tra tác động của thanh khoản ngân hàng đối với việc cho vay. Altunbas và cộng sự (2009) khảo sát các ngân hàng châu Âu và đề xuất rằng các ngân hàng có tỷ lệ thanh khoản cao hơn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng cho vay nhanh hơn, đồng thời bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các chính sách tiền tệ. Với bộ dữ liệu ngân hàng của Ý, Gambacorta (2005) trước đó phát hiện
rằng việc thực thi chính sách tiền tệ với mục đích thắt chặt tín dụng sẽ có hiệu quả tốt hơn đối với các ngân hàng có ít tài sản thanh khoản hơn. Tập trung vào một quốc gia đang phát triển có vị thế quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới là Trung Quốc, Gunji và Yuan (2010) cho rằng thanh khoản ngân hàng không thể ảnh hưởng đến tác động của chính sách tiền tệ thông qua cho vay khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc là rất cao. Gần đây nhất, theo một hướng khác, nghiên cứu thực nghiệm của Banerjee và Mio (2018) tìm hiểu cách các ngân hàng phản ứng với quy định thanh khoản chặt chẽ hơn ở Anh, thông qua chỉ số hướng dẫn thanh khoản (tương tự với chỉ tiêu LCR của Basel III). Các tác giả không tìm thấy bằng chứng chỉ ra rằng việc áp dụng này có tác động tiêu cực đến việc cho vay của ngân hàng trên các khía cạnh, trong đó có số lượng vốn vay.
Như vậy, cũng chưa có những kết quả đồng nhất về tác động của thanh khoản đến cho vay. Tuy nhiên, rất khó để lập luận rằng một thị trường ngân hàng tại một nước mới nổi như Việt Nam sẽ có những hành vi tương đồng trong hiện tại so sánh với giai đoạn khủng hoảng mà các tác giả trước đây đã phân tích, do đó chúng tôi kỳ vọng rằng các ngân hàng nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn có xu hướng mở rộng cho vay nhiều hơn.